Nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên: Bài học về văn hóa ứng xử
10:16', 7/11/ 2005 (GMT+7)

Đề án "Phát triển VHTT vùng Tây Nguyên" đến năm 2010 với tổng kinh phí khoảng 1.400 tỉ đồng vừa được phê duyệt. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đề án này là khôi phục lại nhà rông, nhà gươl (nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên - NCĐ TSTN) trên tinh thần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng trong thực tế của chặng đầu triển khai dự án đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn.

      Nhà Rông do bà con tự xây dựng.

Theo GS.TSKH Phan Đăng Nhật, một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên có uy tín của VN thì, danh từ ghép "nhà rông - nhà gươl" dùng để chỉ ngôi nhà chung, NCĐ của các dân tộc TSTN, là cách dùng phổ biến hiện nay. Trong thực tế, các dân tộc thiểu số có nhiều cách gọi khác nhau về "ngôi nhà chung" này. Do vậy, việc sử dụng một hoặc hai cách gọi tên trong số khá nhiều tên gọi để chỉ chung cho những hiện tượng như hiện nay là không chính xác. Theo ông, để cho tiện và tương đối chính xác, hãy nên gọi bằng cụm từ NCĐ TSTN. Như vậy, chỉ mới cách gọi tên thôi, xem xa đã không ổn!

Thực trạng đáng buồn

Chỉ trong một thời gian ngắn, tính đến đầu tháng 11 này, đã có đến 3 cuộc hội thảo khoa học về NCĐ TSTN được tổ chức tại Kon Tum. Điều đó chứng tỏ vai trò của nhà rông - nhà gươl chiếm một vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên hiện nay. Quan trọng là thế, nhưng thực trạng NCĐ TSTN (còn gọi là "nhà rông văn hóa") lại là một điều đáng buồn: Nhà nước bỏ ra không ít tiền để xây dựng "nhà rông văn hóa" làm nơi sinh hoạt chung cho buôn làng nhưng chính bà con lại "quay lưng" với thứ sản phẩm ấy. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh khá bức xúc khi đưa ra nhận xét: "Tuy nhiên ở nhiều nơi, chủ trương này gây phản cảm cho đồng bào. Họ nể cán bộ không nói, nhưng lẳng lặng làm một nhà rông khác và chuyển toàn bộ sinh hoạt cổ truyền sang đó, nhường nhà rông cũ cho cán bộ văn hóa".

Hoặc như nhạc sĩ Phạm Cao Đạt - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Kon Tum, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Sở VHTT Kon Tum - còn "kêu" một cách dữ dội hơn: "Đến nhà rông của làng Pênxiêl (Dăk Pek, Dăk Glei) thì không thể chịu nổi, hỡi ôi, chỉ là nơi để cột tạm trâu bò, hoàn toàn không sử dụng. Nhà rông trở thành vô hồn, tùy tiện trong xây dựng, không ai còn muốn chăm sóc nữa. Họ đã bảo tồn, phát huy và kế thừa một thứ văn hóa khác. Cũng có nơi này nơi nọ đặt ra mô hình văn hóa phải là: làng có điện, nhà rông có ampli, loa máy, nhạc cụ điện tử, có tivi, đêm đêm thanh niên tới sinh hoạt văn nghệ xập xình, hoặc ngồi xem tivi, thế là đạt tiêu chuẩn nhà rông văn hóa. Các sinh hoạt truyền thống không cần quan tâm nữa".

Nên ứng xử như thế nào?

GS.TSKH Phan Đăng Nhật cho rằng: "Vấn đề là ở chỗ chúng ta cần phải hiểu đúng những giá trị đích thực của mô hình văn hóa này trong đời sống xã hội người thiểu số TSTN để có cách ứng xử sao cho phù hợp".

Theo ông, NCĐ là một công trình nguyên hợp đa chức năng: sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và hoạt động tâm linh. Trước hết, nó là nơi diễn ra các các cuộc họp của cộng đồng nhằm bàn những việc chung; là nơi xử kiện, tiếp khách. Nó cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật của cả cộng đồng làng: làm nơi ca hát, nhảy múa, vui chơi giải trí; nơi diễn ra các lễ hội, các hoạt động của nghề thủ công mỹ nghệ; nơi trưng bày những thành tích về sản xuất và chiến đấu, là thế giới của nghệ thuật điêu khắc… Đặc biệt, NCĐ chính là "ngôi nhà thiêng" của cả cộng đồng người. Với đồng bào, nơi này chính là chỗ trú ngụ của các Giàng (thần) như Giàng Sông, Giàng Suối, Giàng Rừng…

 

                                   Nhà Rông kiểu mới.

 

Vì là nhà thiêng nên ngay trong khâu xây dựng, bà con đã phải tuân thủ theo những quy định về tục lệ rất nghiêm ngặt; trong đó, việc chọn đất được xem là nghi lễ quan trọng nhất - vì theo quan niệm của bà con, việc chọn đất liên quan đến sự tồn vong của buôn làng.

Xin nêu ra đây cách làm của tỉnh Quảng Nam: Việc xây dựng NCĐ do dân làng tự quyết định, tự đóng góp công sức, tự phân công lao động dưới sự điều hành của già làng… Về phần địa phương, tỉnh và huyện có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí theo mức 5 triệu đồng và 2 tấn gạo đối với một ngôi NCĐ. Trong một văn bản mang tính tổng kết, một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết: "Chúng tôi thấy rằng, nếu xây dựng nhà làng do nhân dân tự quyết định, góp công sức, thì công trình đó thực sự là tài sản chung của cộng đồng làng, họ có trách nhiệm, bảo vệ, gìn giữ".

GS.TSKH Phan Đăng Nhật còn nêu ý kiến: "Xây dựng NCĐ với tầm nhìn toàn TSTN là nhằm vào chiến lược phát triển ổn định và bền vững TSTN. Ngược lại, sự phát triển bền vững mỗi làng cũng như toàn TSTN cũng chính là tạo nền tảng vững chắc của NCĐ. Do đó, đồng thời với việc xây dựng NCĐ, cần quan tâm củng cố và phát triển làng, đảm bảo sự điều hòa tự nhiên của các thành tố cơ bản là cộng đồng sở hữu tài nguyên, cộng đồng văn hóa, cộng đồng tín ngưỡng với sự điều hành của già làng bằng luật tục".

  • Thảo Hoàng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tập thơ Người áo vải  (06/11/2005)
Trái tim nhân ái tỏa sáng tình người  (04/11/2005)
Nghệ sĩ Trọng Quế: Người bắt nhịp cảm xúc  (04/11/2005)
Súng thần công - Một bộ sưu tập quý  (03/11/2005)
Mùa len trâu dự tranh giải phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 2006  (03/11/2005)
Phim mới trên VTV3: Chuyện tình ở Harvard   (02/11/2005)
"Phục hồi tuồng cổ trên góc nhìn mới"  (01/11/2005)
Vẻ đẹp đích thực của cái tôi trữ tình trong Tống biệt hành  (01/11/2005)
Chuyện làm phim của phim Đặng Nhật Minh  (31/10/2005)
Thức với hồn thơ  (30/10/2005)
Những vẻ đẹp của cuộc sống hôm nay  (28/10/2005)
Resort - Hài hòa và dấu ấn  (28/10/2005)
Nghệ sĩ Minh Hoàng: "Hô Bài chòi từ khi biết hát"  (28/10/2005)
Quang Dũng: Tôi rất tự tin với con đường âm nhạc mình đang đi  (27/10/2005)
Cụ Giản Chi: Một học giả, một nghệ sĩ  (26/10/2005)