Xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn) là một trong hai địa phương được chọn để báo cáo điển hình về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) tại Đại hội Thi đua ngành văn hóa - thông tin tỉnh vừa qua. Thể hiện ý chí và gắn với nguyện vọng của dân - đó là những kinh nghiệm quý trong triển khai phong trào ở Hoài Châu Bắc.
|
Những con đường nông thôn ở Hoài Châu Bắc đang dần được bê tông hóa.
|
Năm 2002, Hoài Châu Bắc đăng ký xây điểm làng văn hóa Gia An. Sau một thời gian triển khai thực hiện, người dân dần có ý thức hơn trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, nề nếp đạo đức gia đình dòng họ. Cuộc sống kinh tế của mỗi gia đình ngày càng phát triển hơn, ý thức sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đạt kết quả cao. Từ sự thành công ấy ở Gia An, xã đăng ký thêm 3 làng nữa là Quy Thuận, Chương Hòa, Liễu An. Rồi năm 2003 lại tiếp tục đăng ký làng Hy Thế, năm 2004 là làng Bình Đê.
Với phương châm lấy chất lượng làm đầu, đến nay, hai làng Gia An và Quy Thuận đã được UBND tỉnh công nhận làng văn hóa; UBND huyện ra quyết định công nhận hai làng Chương Hòa và Hy Thế. Hoài Châu Bắc tiếp tục đề nghị UBND tỉnh công nhận thêm làng văn hóa Chương Hòa.
Bên cạnh đó, hàng năm, toàn xã đã có trên 95% hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đã có trên 80% hộ được công nhận gia đình văn hóa. Trong số này, đã có 80 gia đình văn hóa được UBND xã công nhận, 10 gia đình văn hóa được UBND huyện công nhận và 10 gia đình văn hóa được UBND tỉnh công nhận.
* Hiệu quả thực tế
Triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH đã có tác dụng tích cực đối với sự phát triển toàn diện đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Đi trên đất Hoài Châu Bắc hôm nay, ta khó có thể hình dung: đây từng là mảnh đất chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh. Sự thay đổi đã đến trên mỗi nếp nhà.
Hiệu quả thực tế của phong trào TDĐKXDĐSVH trước hết thể hiện ở sự phong phú, đa dạng của các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể thao. Thông qua việc thực hiện phong trào, đã góp phần khơi dậy bản sắc văn hóa và truyền thống quê hương. Từ việc người dân cùng nhau đóng góp để tu sửa lại đền thờ ông tổ nghề đan chiếu lát ở Gia An Đông, đến việc xây dựng nhà truyền thống ở thôn Liễu An. Rồi xã cũng đã thành lập được 5 CLB thơ người cao tuổi và đặc biệt nhất là hàng tháng tổ chức giao lưu giữa các làng với nhau.
|
Dệt chiếu cói là một nghề truyền thống ở Hoài Châu Bắc.
|
Trong hoạt động thể dục - thể thao, hàng năm, xã đã tổ chức được 5 giải thể thao quy mô cấp xã, 3 giải cấp thôn và hàng chục trận thi đấu giao hữu. CLB dưỡng sinh người cao tuổi và phụ nữ được thành lập đều ở các làng văn hóa. Toàn xã đã có 7 sân bóng đá, 5 sân xây dựng đúng quy cách, 13 sân bóng chuyền, 10 sân cầu lông. Từ đó, tạo ra không khí luyện tập và có sức thu hút hàng nghìn người tham gia. Các thiết chế văn hóa như tủ sách, sân khấu được xây dựng khang trang hơn.
Việc xây dựng phong trào cũng có tác dụng tích cực với sự phát triển kinh tế địa phương. Khi ý thức cộng đồng được nâng lên, người dân chia sẻ với nhau những kinh nghiệm thoát nghèo. Nhờ vậy, các mô hình phát triển kinh tế như phát triển bò lai, vỗ béo bò, trồng nấm… phát triển rộng.
Rồi các ngành tiểu thủ công nghiệp như sản xuất đá xây dựng, vận tải, xay xát, hay làm chiếu… phát triển, đã góp phần nâng cao đời sống các hộ dân. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,5 triệu đồng/người/năm đã tăng lên 3,8 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm từ 11,9% năm 2000 còn 7,84% năm 2004.
* Gắn với nguyện vọng của dân
Có được kết quả như vậy, trước hết là nhờ phong trào TDĐKXDĐSVH ở Hoài Châu Bắc đã thể hiện ý chí và gắn với nguyện vọng của dân. Ở mỗi khu dân cư, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện nghiêm túc. Các làng văn hóa luôn lấy ý kiến của người dân với những vấn đề dân sinh. Việc thu - chi các khoản đóng góp của dân cũng được thực hiện công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, việc lấy hương ước, quy ước để xử lý những mâu thuẫn hàng ngày trong nhân dân, phù hợp với thực tế từng thôn, xóm. Nhờ vậy, những mâu thuẫn được giải quyết thấu tình, đạt lý. Một kinh nghiệm khác là phải phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị. Từ việc quán triệt nội dung xây dựng làng văn hóa, đến thực hiện, rồi kiểm tra… đều cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể.
Việc chấm điểm thi đua tiến hành công khai, dân chủ, công bằng; phát huy tốt gương người tốt việc tốt trong thực hiện phong trào; đẩy mạnh công tác tuyên truyền... cũng là những kinh nghiệm quý của Hoài Châu Bắc trong triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH.
|