Năm 1427, cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược toàn thắng, thay mặt Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo (BNĐC) nhằm tổng kết giai đoạn lịch sử tuy đau thương nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc, nghiêm khắc lên án tội ác tày trời của giặc và ngợi ca chiến thắng vĩ đại của nhân dân Đại Việt. Tác phẩm không những là áng thiên cổ hùng văn, mà còn là sự mẫu mực của thể văn chính luận sắc sảo. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi đi vào tìm hiểu nhan đề tác phẩm như là một hướng khám phá bản chất nghệ thuật của tác phẩm.
Về nhan đề BNĐC, các soạn giả sách Văn học 9 (T1, NXB GD 2002) đã giải thích: "BNĐC là bài cáo có quy mô lớn, nói về việc đánh dẹp giặc Ngô…", sách Văn học 10 (T1, NXB GD 2002) lại giải thích: "Đại cáo: tuyên bố, tuyên cáo cho rộng khắp những điều quan trọng". Như vậy, hai chữ Đại cáo trong nhan đề được hiểu như một cụm từ nói về quy mô, phạm vi phổ biến và ý nghĩa lịch sử, chính trị của tác phẩm trước thời cuộc. Tuy nhiên, dù tiếp cận văn bản nào, chúng ta cũng cần có sự thống nhất ngõ hầu giúp cho người đọc có thể hiểu đúng về áng văn bất hủ này. Từ góc độ loại thể, chúng tôi muốn đề cập đến một cách hiểu khác góp phần cắt nghĩa nội dung tác phẩm.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng BNĐC được viết theo thể cáo, đại cáo là tuyên bố rộng rãi. Cách giải thích trên cho thấy, hai chữ đại cáo là một cụm trạng - động, trong đó đại là muốn nói đến quy mô to lớn và phạm vi rộng rãi của việc công bố chiến thắng, cáo là tuyên cáo, tức là báo cho mọi người biết về công tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nó vừa là động từ nhưng đồng thời cũng vừa là danh từ chỉ loại thể.
Trong một bài viết gần đây, PGS - TS Nguyễn Đăng Na đã gọi đại cáo là danh từ chỉ thể loại tác phẩm và theo Hán ngữ đại từ điển (bản Trung văn) đã chú: "Đại cáo là tên một thiên trong Kinh thư", chính vì thế nó được dùng để "trình bày đại đạo để cáo với thiên hạ" (Trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ).
Như vậy, mệnh đề: "Trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ" (Hán ngữ đại từ điển - Mục Khổng truyện) được rút gọn thành một cụm từ cố định để đặt tên cho một thiên trong Kinh thư. Ngoài ra, "Đại cáo còn được dùng để chỉ các loại văn kiện được ban hành vào thời kỳ Hồng Vũ - Minh Thái tổ" (Hán ngữ đại từ điển). Từ hai ý nghĩa trên, chúng ta thử tìm hiểu Đại cáo trong nhan đề của bài văn có ý nghĩa gì?
Thứ nhất, chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam sơn là sự kiện chính trị quan trọng, là sự minh chứng cho thế và lực của một dân tộc biết "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân đề thay cường bạo". Nhân sự kiện này, Nguyễn Trãi muốn bố cáo cho thiên hạ biết "đại đạo" mà nhân dân Việt Nam tôn thờ hoàn toàn phù hợp với mệnh đề: "Trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ".
Thứ hai, công việc bình Ngô đã xong, Nguyễn Trãi vâng mệnh soạn đại cáo, ông đặt tên là Bình Ngô đại cáo. Vậy chữ Ngô nên hiểu như thế nào cho phù hợp? Có nhiều cách hiểu khác nhau về từ này, song căn cứ vào sự khảo chứng của Khang Hy tự điển và Từ Nguyên, Ngô chính là quê hương của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Năm 1356, Chu Nguyên Chương tự xưng là Ngô Quốc Công rồi Ngô Vương với ý muốn nhớ về nguồn gốc xuất thân và hồi cố về chiến công hiển hách của Ngô vương Hạp Lư, người đã từng làm cho nước Sở phải thất điên bát đảo thời Xuân Thu.
Bình là dẹp yên, Bình Ngô tức là đánh cho giặc Minh thần phục mà không dám cưỡng lại. Điều đó chứng tỏ ngòi bút sắc sảo, tư duy thâm thúy và nghệ thuật lập luận đầy sức thuyết phục của tác giả.
|