Ngày 20-9-1940, lúc 28 tuổi, nhà thơ Hàn Mặc Tử, tức bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí nhập vào Trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn), vì ông mắc bệnh nan y này mấy năm trước.
Vào đây chưa đầy 3 tháng, bệnh phong có dấu hiệu thuyên giảm thì ngày 30-10-1940, Hàn Mặc Tử bị bệnh kiết lỵ hành hạ hơn một tuần, đến đêm 8-11, Tử hoàn toàn kiệt sức.
Biết mình khó qua khỏi, khoảng 21 giờ, Hàn Mặc Tử lấy từ áo gối ra hai tập giấy pơ-luya đánh máy chữ chưa bỏ dấu, dùng mẩu bút chì cùn trong túi áo veston ghi tặng người bạn đồng bệnh đang chăm sóc mình: "Thơ CẦU NGUYỆN đề tặng anh Xê - Francois Trí" và ghi tiếp vào tập kia: "THƠ ĐỜI đề tặng anh Phạm Văn Trung".
Tử nhờ anh Xê chuyển tập thơ tới anh Trung và báo tin cho hai người bạn thân của mình là Trần Thanh Mại ở Huế, Quách Tấn ở Nha Trang nếu mình không qua khỏi.
Sau khi Hàn Mặc Tử mất, tập thơ CẦU NGUYỆN được anh Nguyễn Văn Xê cất giữ, trao lại cho nhà văn Bùi Tuân là dượng rể của anh Xê. Rồi nó cũng đến được tay nhà văn Trần Thanh Mại để sau này góp mặt trong cuốn "THÂN THẾ VÀ THI VĂN HÀN MẠC TỬ" của ông. Còn số phận tập THƠ ĐỜI thật bi đát.
Số là đầu thu năm 1941, nhà văn Trần Thanh Mại từ Huế vào Quy Nhơn, được anh Xê dẫn đến gặp anh Phạm Văn Trung để mượn lại tập THƠ ĐỜI mà Tử tặng. Ông Mại hỏi anh Xê: anh Trung làm nghề gì, vì sao Hàn Mặc Tử lại tặng THƠ ĐỜI cho anh Trung? Anh Xê cho biết: anh Trung cũng là một bệnh nhân phong có mở quán hàng nhỏ tạp hóa ở đây. Hàng ngày, anh Trung thường cung cấp nước trà ngon cho Hàn Mặc Tử, thỉnh thoảng còn gửi bánh kẹo cho Tử ăn chơi. Vì vậy mà Hàn Mặc Tử tặng THƠ ĐỜI, có ý để "ân đền oán trả" chăng.
Khi ông Trần Thanh Mại tìm đến anh Trung hỏi tập thơ, thì hỡi ôi, nó đã bị xé mất phần lớn, số thì để vấn thuốc hút, số thì dùng gói hành tiêu ớt tỏi bán hàng, và số không ít dùng làm giấy vệ sinh ở ngoài hàng dương bãi biển. Anh Trung phân trần: "Vì thấy giấy tốt quá… và giấy nhật trình (giấy báo) dạo này mắc quá nên thỉnh thoảng xé làm giấy đi tiêu".
Nghe vậy, nhà văn Trần Thanh Mại chỉ còn biết lắc đầu thở dài.
Số phận Hàn Mặc Tử đã long đong, chết yểu. Mệnh thơ của ông cũng long đong không kém và không ít bài cũng chết yểu như tác giả của nó, ấy là trường hợp tập THƠ ĐỜI.
|