Vẻ đẹp một bài ca dao Nam Bộ
9:13', 10/11/ 2005 (GMT+7)

Kho tàng ca dao của người Việt Nam hết sức phong phú. Ở từng vùng miền, ca dao địa phương có những sắc thái đặc thù, vừa tạo nên tính thống nhất, vừa mang tính riêng biệt, rất thú vị và hấp dẫn.

Thuộc loại nghệ thuật ngôn từ, ca dao cũng tham gia vào quá trình phản ánh văn hóa. Qua ca dao, chúng ta có thể nhận thấy được những nét tính cách con người từng vùng miền. Chúng tôi muốn nói tới một nét tính cách Nam Bộ qua câu ca dao sau:

Anh về, em túm áo la làng

Bỏ chữ thương nhớ lại giữa đàng cho em.

Bài ca dao trên thuộc bộ phận ca dao tình yêu, một bộ phận rất hấp dẫn như chính sự hấp dẫn của tình yêu đối với con người. Như người ta vẫn thường triết lý, có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách biểu lộ tình yêu. Gặp gỡ, chia tay là chuyện thường ngày trong hoạt động giao tiếp của con người. Với những người đang yêu, tình yêu tạo chất men hạnh phúc khi gặp gỡ, lưu luyến khi chia tay.

Người về ta chẳng cho về

Ta níu vạt áo, ta đề câu thơ.

Quen thuộc với câu ca đầy tình tứ của Bắc Bộ này ta không khỏi bỡ ngỡ khi bắt gặp lối bày tỏ tình cảm của cô gái Nam Bộ. Cô thật táo bạo khi đứng giữa không gian công cộng (giữa đàng), "túm áo" chàng trai mà kêu to lên (la làng) để mọi người cùng biết mong muốn tình cảm của mình: chàng về, hãy để lại thương nhớ cho em…

Tình yêu nam nữ là một giá trị tinh thần của nhân loại, được tôn trọng trong mọi thời đại lịch sử, ở khắp mọi nền văn hóa. Song vì nhiều lý do mà người ta có những đối xử khác nhau với nó.

Trong xã hội truyền thống Việt Nam, khi yêu nhau, nam nữ thường tìm cách che giấu tình cảm của mình trước cộng đồng.

Anh có thương em thì đừng có luân con mắt

đừng có quẹt ngón tay

Người ta đông như hội ngó ngay mà nhìn

Miếng trầu miếng thuốc em không xin

Thuốc anh anh hút, đừng đưa em, đừng mời

Miệng thế gian họ đồn lắm anh ơi

Giả lơ làm lảng như hồi chưa quen.

Bài ca dao trên thuộc hệ thống ca dao Bình Định. Còn đây là ca dao Nghệ Tĩnh:

Anh thương em thì đừng nói cho ai biết

đừng nói cho ai hay

Ở đời lắm kẻ lá lay…

Rõ ràng, những đôi lứa yêu nhau đã thực sự bị ám ảnh về "miệng lưỡi thế gian". Khi chế độ hôn nhân không chủ trương dựa trên sự tự do tìm hiểu thì tình yêu vô hình chung lại là một thứ tội lỗi. Dư luận xã hội tự cho mình cái quyền đàm tiếu về những cuộc tình như thế.

Khi Thúy Kiều của Nguyễn Du "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" sang tâm tình với Kim Trọng đã không ít người mỉa mai "cọc đi tìm trâu". Dư luận xã hội có khả năng đẩy con người vào vòng đau khổ. Cho nên, ta hiểu vì sao, người con gái tự vệ bằng cách đề nghị chàng trai "giả lơ làm lảng như hồi chưa quen".

Nét tâm lý sợ hãi dư luận xã hội như thế ta không bắt gặp trong ca dao Nam Bộ. Đây không phải là một hành động bất chấp, xem thường mà là sản phẩm của một tính cách được nhào nặn từ chính môi trường sống. Cần thấy rằng, cư dân Nam Bộ ngoài một số ít là người bản địa, còn lại là từ miền ngoài vào. Đa phần trong số đó là những người có tính khí mạnh mẽ vốn không dung hợp được với thiết chế xã hội quy củ, chặt chẽ nên đã hành phương Nam tìm đất lập nghiệp.

Thiên nhiên Nam Bộ cũng hàm chứa một tinh thần phóng khoáng, mạnh mẽ đã góp phần hun đúc nên tính cách Nam Bộ, một tính cách giàu nghĩa khí, tự tin và mạnh mẽ.

Sự táo bạo trong tình yêu là một đặc điểm nổi trội của con người Nam Bộ. Ta còn bắt gặp điều này ở các chàng trai:

Dao phay cặp cổ, máu đổ ào ào

Chết thì anh chịu cũng nhào theo em

Hay:

Bớ cô má lúm đồng tiền

Cho hun một cái, đỡ ghiền khi xa…

Táo bạo nhưng không thô thiển, vẫn đằm thắm, dịu dàng. Đó là một nét đẹp riêng của Nam Bộ vậy!

  • Lê Nhật Ký
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hai cụm tác phẩm được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật  (10/11/2005)
Khai mạc VCK Liên hoan tiếng hát truyền hình khu vực miền Trung-Tây Nguyên  (09/11/2005)
Số phận một tập thơ của Hàn Mặc Tử   (09/11/2005)
"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" sẽ được xuất bản tại Rumania  (08/11/2005)
Tìm hiểu nhan đề tác phẩm "Bình Ngô đại cáo"  (08/11/2005)
Hoài Châu Bắc xây dựng đời sống văn hóa  (08/11/2005)
Bình Định - thế và lực mới trong thế kỷ XXI  (07/11/2005)
Nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên: Bài học về văn hóa ứng xử  (07/11/2005)
Tập thơ Người áo vải  (07/11/2005)
Trái tim nhân ái tỏa sáng tình người  (07/11/2005)
Nghệ sĩ Trọng Quế: Người bắt nhịp cảm xúc  (04/11/2005)
Súng thần công - Một bộ sưu tập quý  (03/11/2005)
Mùa len trâu dự tranh giải phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 2006  (03/11/2005)
Phim mới trên VTV3: Chuyện tình ở Harvard   (02/11/2005)
"Phục hồi tuồng cổ trên góc nhìn mới"  (01/11/2005)