Nghệ sĩ Lệ Thủy: Trở về sân khấu Tuồng với niềm khát khao mới
7:51', 11/11/ 2005 (GMT+7)

Những ngày rời xa sân khấu Tuồng, nỗi buồn và sự hụt hẫng đã khiến cho nghệ sĩ Lệ Thủy có cảm giác như tâm hồn mình vỡ vụn từng mảnh. Giờ đây được trở lại với sân khấu Tuồng, như chim về chốn cũ, chị vẫn giữ được ngọn lửa nồng nàn thuở nào và đã được tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.

 

Nghệ sĩ Lệ Thủy (phải) trong vai Mỵ Nương vở "Con trai của Sơn Thần". Ảnh: T.X

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống tuồng, thuở nhỏ Lệ Thủy đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê đối với môn nghệ thuật này. Năm 1979, Lệ Thủy theo học lớp Trung cấp sân khấu Tuồng tại Trường nghiệp vụ Văn hóa - Nghệ thuật Nghĩa Bình và ngay khi còn học, chị đã đạt giải nhất Hội thi tiếng hát hay tỉnh Nghĩa Bình lần thứ I.

Ra trường năm 1983, Lệ Thủy về công tác tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Là một diễn viên thanh, sắc vẹn toàn, Lệ Thủy đã đảm nhận nhiều vai diễn khác nhau mà sở trường là các vai đào chiến (vai đòi hỏi người diễn có vũ đạo mạnh mẽ và thể hiện tốt thần sắc nhân vật). Sự khiêm tốn, ham học hỏi đã dẫn bước cho Lệ Thủy tịnh tiến trên con đường nghệ thuật.

Năm 1990, ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Lệ Thủy đã thể hiện xuất sắc vai diễn bà mẹ An Nhơn Tây trong vở "Sáng mãi niềm tin", giành Huy chuơng vàng đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Tài năng của chị càng được khẳng định với Huy chương vàng Hội thi Tiếng hát hay toàn quốc tổ chức tại Hải Dương (1992), Huy chương đồng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1995).

Ngoài ra, nghệ sĩ Lệ Thủy còn lưu dấu ấn của mình trong lòng khán giả yêu Tuồng qua rất nhiều vai diễn thành công khác như: vai Nữ Chúa (Ngọn lửa Hồng Sơn), Đào Tam Xuân (Trảm Trịnh Ân), Lý Thần Phi (Bao Công xử án Quách Hòe), Mai Hương (Nỗi oan tình)... và đặc biệt là vai kép Hoàng Ngự Đệ (Nỗi oan tình).

Đang ở trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của sự nghiệp thì năm 1996, vì lý do gia đình, Lệ Thủy quyết định giã từ sàn diễn. Chị tâm sự: "Niềm đam mê Tuồng vốn đã nhiễm trong xương máu tôi nên phải nghỉ diễn, tôi nhớ nghề lắm, suốt ngày cứ thẩn thờ nhớ tiếng trống chầu và ánh đèn sân khấu, tôi luôn có cảm giác thật hụt hẫng...".

Sau khi nghỉ việc, Lệ Thủy cùng chồng (vốn cũng là một nhạc công tài năng của Nhà hát Tuồng Đào Tấn) đã phải vất vả kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Mặc dù vậy, ngọn lửa nghệ thuật vẫn luôn âm ỉ cháy trong chị, Lệ Thủy nhận ra rằng mình vẫn còn rất nặng lòng với nghiệp Tuồng. Do đó, tuy bận rộn với công việc làm ăn của mình nhưng khi nhận được lời mời của Trung tâm VHTT Bình Định, Lệ Thủy đã quyết định đi diễn trở lại để đóng góp cho phong trào chung của tỉnh. Chị tiếp tục tỏa sáng rực rỡ với hai tấm Huy chương vàng trong các Liên hoan sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc (2001 và 2003).

Với những thành tích trong hoạt động nghệ thuật đó, Lệ Thủy là một trong hai nghệ sĩ hoạt động không chuyên ở Bình Định được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT trong đợt xét tuyển vừa rồi. Đây chính là sự ghi nhận tấm lòng và những cống hiến của chị đối với nghệ thuật Tuồng truyền thống.

  • H.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vẻ đẹp một bài ca dao Nam Bộ  (10/11/2005)
Hai cụm tác phẩm được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật  (10/11/2005)
Khai mạc VCK Liên hoan tiếng hát truyền hình khu vực miền Trung-Tây Nguyên  (09/11/2005)
Số phận một tập thơ của Hàn Mặc Tử   (09/11/2005)
"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" sẽ được xuất bản tại Rumania  (08/11/2005)
Tìm hiểu nhan đề tác phẩm "Bình Ngô đại cáo"  (08/11/2005)
Hoài Châu Bắc xây dựng đời sống văn hóa  (08/11/2005)
Bình Định - thế và lực mới trong thế kỷ XXI  (07/11/2005)
Nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên: Bài học về văn hóa ứng xử  (07/11/2005)
Tập thơ Người áo vải  (07/11/2005)
Trái tim nhân ái tỏa sáng tình người  (07/11/2005)
Nghệ sĩ Trọng Quế: Người bắt nhịp cảm xúc  (04/11/2005)
Súng thần công - Một bộ sưu tập quý  (03/11/2005)
Mùa len trâu dự tranh giải phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 2006  (03/11/2005)
Phim mới trên VTV3: Chuyện tình ở Harvard   (02/11/2005)