Người dân Phước An vốn mê tuồng nên từ thế kỷ trước nơi đây đã nổi tiếng là "làng tuồng" với sự ra đời của rất nhiều gánh hát. Trải qua thăng trầm của lịch sử, giờ Phước An còn tồn tại một đoàn hát bội mà những nghệ sĩ là nông dân…
|
Cảnh trong vở diễn của Đoàn hát bội Phước An.
|
* Tiếp nối truyền thống
Hát bội ở Phước An được truyền nối, xuất phát từ sự mộ điệu của các thế hệ cha ông. Từ những thập niên cuối thế kỷ 19, hát bội đã được hình thành ở làng Dương An (nay là thôn An Hòa 2, xã Phước An), bắt đầu phát triển ở đời Chánh ca Dựng (cha của bầu Thơm và nghệ sĩ tuồng Ngọc Cầm), bầu Nhơn Sung và hưng thịnh nhất là vào những năm 40-60 của thế kỷ trước, với những gánh hát nổi tiếng của bầu Thơm, bầu Sa, bầu Đổng… Sau ngày đất nước giải phóng, mỗi thôn ở Phước An đều có một đoàn hát bội thường xuyên biểu diễn cho bà con xem.
Tiền thân của đoàn hát bội Phước An là đoàn hát bội Đồng Ấu, do HTXNN 1 Phước An thành lập từ năm 1981. Được sự bảo trợ của HTX, đoàn hát bội Đồng Ấu ban đầu hoạt động rất mạnh nhưng về sau cứ yếu dần, đến năm 1989 thì giải tán. Tuy vậy, anh em diễn viên vì nhớ nghề nên vẫn thường xuyên đi hát cho các đoàn khác.
Năm 1998, được sự giúp đỡ của Sở VHTT và Nhà hát Tuồng Đào Tấn, các diễn viên tâm huyết của đoàn hát bội Đồng Ấu đã tập hợp lại để xây dựng nên đoàn hát bội Phước An mà các diễn viên đều là những người nông dân chân lấm tay bùn, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Không được cấp kinh phí để hoạt động, không có cơ sở để tập luyện, các nghệ sĩ vẫn tìm đến với hát bội bằng tấm lòng say nghề. Lấy bãi đất trống làm sàn tập, lấy bụi tre làng làm rạp che bóng mát, họ hăng say tập tuồng sau những giờ lao động cực nhọc. Dẫu vậy, nhiều diễn viên của đoàn đã tỏa sáng trên sân khấu nghệ thuật không chuyên như: Linh Nghiệp, Mười Hàng, Hoàng Minh, Hùng Cuờng, Kim Hương, Ngọc Hậu… Đặc biệt, cũng giống như nghệ sĩ tài danh Ngọc Cầm ngày xưa chuyên đóng kép trắng, nữ diễn viên Kim Chung cũng chuyên thủ những vai kép võ, kép rằn, lão võ tạo ấn tượng sâu sắc đối với người xem.
Với vai diễn Trịnh Ân trong "Đào Tam Xuân loạn trào", Kim Chung đã từng đoạt được Huy chương bạc trong "Liên hoan đàn hát dân ca khu vực miền Trung năm 1994". Nhờ dàn diễn viên này, đoàn hát bội Phước An đã đạt nhiều giải cao trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng, thường xuyên được mời đi công diễn trong tỉnh và ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn…
* Trăn trở làng tuồng
Một trong những điều trăn trở nhất của làng tuồng Phước An hiện nay chính là sự hẫng hụt lực lượng kế thừa. Cuộc sống nhà nông với bao vất vả, lo toan đã khiến cho số luợng diễn viên trong đoàn hát bội ngày càng rơi rụng dần theo thời gian. Giờ đây, đoàn chỉ còn lại hơn 10 diễn viên, tất cả đều đã trên dưới 40 tuổi. Trong khi đó, thế hệ trẻ ở Phước An ngày càng tỏ ra hờ hững với nghệ thuật truyền thống.
|
Diễn viên Kim Chung đang tập hát bội cho đứa con gái 5 tuổi của mình.
|
Chị Huỳnh Thị Kim Chung, diễn viên đoàn hát bội Phước An, tâm sự: "Hơn 20 năm gắn bó với hát bội, chưa bao giờ tôi thấy làng tuồng Phước An lâm vào tình cảnh thoái trào như hiện nay. Lứa học trò 20 người cùng học chung lớp tuồng thầy Cẩn với tôi ngày ấy, hiện giờ chỉ còn sót lại 5 người là vẫn tiếp tục đi diễn. Nhiều lúc cũng muốn kiếm đứa em hay đứa cháu nào đó để truyền nghề lại nhưng sao khó quá…".
Bên cạnh sự thiếu hụt về lực lượng, đoàn Phước An còn phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, bởi đất diễn cho nghệ thuật hát bội ngày càng trở nên hạn hẹp. Vào những dịp lễ tết, đoàn mới có được suất diễn cho bà con các thôn trong xã, còn hầu hết phải lặn lội đi diễn ở xa. Chính vì vậy, thù lao mà các diễn viên trong đoàn nhận được sau mỗi suất diễn là rất thấp, chỉ khoảng từ 100 - 150 ngàn cho kép chính và 60 - 80 ngàn cho kép phụ.
Anh Nguyễn Hoàng Minh, diễn viên kiêm trưởng đoàn, cho biết: "Bây giờ hát bội hầu như là chỉ để diễn cho người già xem. Sở dĩ đoàn chúng tôi vẫn còn tồn tại được là nhờ đi hát án phục vụ cho lễ hội cầu ngư ở các địa phương miền biển. Cũng vì nặng lòng với nghề nghiệp ông bà để lại nên chúng tôi cố gắng duy trì đoàn chứ kiếm sống chính vẫn bằng công việc nhà nông…".
|