Nguyễn Mỹ - còn mãi giấc mơ xanh
12:25', 13/11/ 2005 (GMT+7)

Với Cuộc chia ly màu đỏ, Nguyễn Mỹ được xem như một hiện tượng của thơ ca thời chống Mỹ. Nhà thơ đồng thời là nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương xác nhận: "Cuộc chia ly màu đỏ xuất hiện có tác động như một mùi hương lạ, thức tỉnh và kích thích những tìm tòi trong giới viết trẻ".

Thành công vang dội của Cuộc chia ly màu đỏ khiến nhiều người cứ nghĩ rằng, Nguyễn Mỹ thuộc loại "tác giả một bài". Thực ra, Nguyễn Mỹ còn có nhiều bài thơ khác. Đáng chú ý là chùm thơ viết về quê mẹ…

Quê hương của Nguyễn Mỹ ở xã miền núi An Nghiệp thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đó là một miền quê bình dị, nghèo khó như bao miền quê khác. Nguyễn Mỹ xa quê từ rất sớm song ký ức của ông vẫn lưu giữ được những hình ảnh đẹp về Tuy An đất mẹ.

Tuy An đất mẹ dịu hiền thay

Những thung vui như cối gạo đầy

Núi như đàn ngựa chồm ra biển

Sông Cái như tà áo lụa bay

(Không đề)

Núi Ông lom khom, núi Bà đội nón

Hòn Chiêng, hòn Trống sớm chiều ngân nga

Ôi, Tuy An núi với người chen chúc

Nhộn nhịp sắc màu mảnh đất vang ca…

(Tuy An)

Hình ảnh Tuy An trong thơ Nguyễn Mỹ mang vẻ đẹp của một miền quê thanh bình. Giữa thiên nhiên hùng vĩ với "núi như đàn ngựa chồm ra biển" là một cuộc sống hòa hợp, yên vui. Thực đáng yêu cái cảnh "núi với người chen chúc" cùng tạo nên một cuộc sống "nhộn nhịp sắc màu" hoan ca.

Như vậy, viết về quê hương, Nguyễn Mỹ không đi vào mô tả cảnh tang thương hiện tại để tố cáo tội ác kẻ thù. Ông cố gắng gợi về cái cảnh thanh bình xa xưa như một vẻ đẹp vĩnh hằng. Người đọc thơ sẽ từ thực tế cuộc chiến hiện tại mà hình dung ra số phận những làng quê dưới mưa bom bão đạn.

Giấu đi cảm xúc đau thương trong thơ nhưng Nguyễn Mỹ lại bộc lộ qua quyết định tự nguyện trở về Nam chiến đấu. Năm 1968, tức đúng 13 năm sau ngày tập kết ra Bắc, Nguyễn Mỹ mở hành trình về quê mẹ với một tâm trạng hăm hở:

Ba lô cõng trên vai

Là đây cả một gia tài quân nhân

Chân mềm này đã săn gân

Con đi, đi mãi thôn gần xóm xa

(Đi II)

Cuộc trở về của Nguyễn Mỹ đã không trọn vẹn. Ông bị giặc phục kích, hi sinh ngày 16-4-1971, tại thượng nguồn sông ĐăkTa thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam.

Giấc mơ xanh còn mãi trong tôi

Là Ô Loan đầm nước sáng ngời

Tôi như con sóng nhoài ra biển

Mẹ gọi về đây nghỉ chút thôi.

Nhiều năm tháng đã trôi qua, giấc mơ xanh của Nguyễn Mỹ vẫn còn đó vang vọng vào thời gian, không gian như một giá trị vĩnh cửu của tình yêu. Nguyễn Mỹ là một câu thơ "chói ngời sắc đỏ" giữa trang sách cuộc đời…

  • Lê Nhật Ký
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trăn trở ở một đoàn hát bội nông dân  (11/11/2005)
Nhiều hơn một tách cà phê  (11/11/2005)
Nghệ sĩ Lệ Thủy: Trở về sân khấu Tuồng với niềm khát khao mới  (11/11/2005)
Vẻ đẹp một bài ca dao Nam Bộ  (10/11/2005)
Hai cụm tác phẩm được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật  (10/11/2005)
Khai mạc VCK Liên hoan tiếng hát truyền hình khu vực miền Trung-Tây Nguyên  (09/11/2005)
Số phận một tập thơ của Hàn Mặc Tử   (09/11/2005)
"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" sẽ được xuất bản tại Rumania  (08/11/2005)
Tìm hiểu nhan đề tác phẩm "Bình Ngô đại cáo"  (08/11/2005)
Hoài Châu Bắc xây dựng đời sống văn hóa  (08/11/2005)
Bình Định - thế và lực mới trong thế kỷ XXI  (07/11/2005)
Nhà cộng đồng Trường Sơn - Tây Nguyên: Bài học về văn hóa ứng xử  (07/11/2005)
Tập thơ Người áo vải  (07/11/2005)
Trái tim nhân ái tỏa sáng tình người  (07/11/2005)
Nghệ sĩ Trọng Quế: Người bắt nhịp cảm xúc  (04/11/2005)