Nhà thơ Hàn Mặc Tử bị bệnh phong và phải vào bệnh viện phong Quy Hòa (Quy Nhơn) điều trị. Ông mất tại đây ngày 11-11-1940 vì bệnh kiết lỵ cấp tính. Thời gian chữa bệnh, Hàn Mặc Tử làm nhiều thơ và viết dở dang vở kịch thơ "Quần tiên hội" được 41 câu với một bản đề cương chi tiết của vở kịch.
Theo đề cương, "Quần tiên hội" có 5 hồi, Hàn Mặc Tử đã viết xong hồi I và II. Ba hồi còn lại, 50 năm sau có một tác giả khác viết tiếp. Người ấy cũng là một bệnh nhân phong. Đó là nhà thơ Đơn Phương. Ông tên thật là Trần Hồng Phương, sinh năm 1945 tại Hóc Môn, Sài Gòn - nay là TP Hồ Chí Minh.
Đơn Phương bị bệnh phong, phải vào bệnh viện phong Bến Sắn năm 1960 và gặp ông Nguyễn Văn Xê, người bạn đồng bệnh gần gũi với Hàn Mặc Tử ở bệnh viện Quy Hòa. Trong những ngày chữa bệnh, Đơn Phương lấy sáng tác thơ văn làm nguồn an ủi, là lẽ vui sống để chống chọi với vi trùng Hansen. Ông có thơ đăng các báo xuất bản ở Sài Gòn từ năm 1967 và năm 1971 cho ra đời tập thơ "Thương quê".
Đơn Phương đọc thơ, kịch thơ của Hàn Mặc Tử. Có lẽ cái tình cảm, cái tâm trạng của hai người đồng bệnh dễ hòa quyện nên ông nảy ra ý định viết tiếp "Quần tiên hội". Trên cơ sở đề cương của Hàn Mặc Tử, năm 1972, tại trại an dưỡng Thanh Bình bên bờ sông Thủ Thiêm, Đơn Phương đã viết thêm 700 câu thơ, cho đến năm 1988 thì xong.
Sau khi tham khảo, tiếp thu ý kiến của nhiều người, Đơn Phương sửa chữa hoàn chỉnh "Quần tiên hội" và được NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 1991.
Thế là ngày hội lớn của các vị tiên được hai bệnh nhân phong cho ra đời cách nhau 50 năm. Quả là sức mạnh của thơ ca, của nghệ thuật đã chiến thắng sự tàn phá của vi trùng bệnh hủi.
|