Làm một phép so sánh hơi khập khiễng, nếu đêm chung kết miền Bắc giống một cuộc thi đầu ra thì đêm miền Trung giống thi đầu vào của khoa Thanh nhạc.
Miền Trung không thiếu giọng hát hay, song phần nhiều đều ở dạng "quặng", nhất là ở dòng thính phòng - thấp thoáng ở Nguyễn Thị Thùy Dương (Gia Lai) bóng dáng của một Rơ Chăm Pheng.
Tuổi của thí sinh cũng trẻ hơn. Giá như một số bạn có thêm thời gian mài giũa thì khả năng cạnh tranh ở sân chơi toàn quốc sẽ cao hơn.
|
Các thí sinh được vào Chung kết toàn quốc.
|
Tuy nhiên để ý sẽ nhận thấy nhiều thí sinh miền Trung, nhất là ở dòng thính phòng tuy không thật mạnh - có lối hát nhỏ nhẹ, dễ nghe hơn miền Bắc.
Sự phân chia ra làm 3 dòng nhạc ở đêm miền Trung chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng. Trông chờ vào ca sĩ nhưng họ không làm rõ được phong cách mình theo đuổi.
Giọng Nguyễn Thanh Yên (Đà Nẵng) mang màu sắc bán cổ điển nhưng lại đăng ký dòng dân gian. Hồ Phàm (dân tộc Pa-kô) là thí sinh nhạc nhẹ nhưng cách hát lại đậm chất dân gian hơn K'sor Hiêng (Gia-rai) - dân gian.
Lại có người bỏ phí chất giọng "quê" để đâm đầu vào một bài thính phòng và đành trượt. Theo quy định của BTC, thí sinh có thể đổi bảng nếu không phù hợp.
Ngay từ đầu, nếu có cố vấn của BTC, hoặc nhà chuyên môn như "bình luận viên" Trung Kiên, chắc một số người đã thể hiện đúng chất của mình và rất có thể kết quả sẽ khác!
Nhạc nhẹ luôn là dòng có biên độ thể hiện mở, kết hợp tốt với hai dòng còn lại. Cũng gọi là "nhẹ", nhưng ngay giữa pop với rock đã có một khoảng cách nhất định.
Tại miền Trung, BGK đánh giá pop cao hơn hẳn. Trần Phương Linh người cao điểm nhất miền Trung - 9,7 là một giọng pop thông thường, chưa vững vàng, xuống thấp còn mờ. Trong khi hai thí sinh cùng bảng và cùng lọt vòng trong đều hơn trội hơn Trần Phương Linh (Thanh Hóa) về phần hát.
Chắc hẳn sắc vóc vẫn là một tiêu chí đáng kể trong thi hát trên truyền hình! Nếu được đầu tư thích đáng, biết đâu cô gái sinh năm 1983 này sẽ là gương mặt ca sĩ ăn khách. Khi nghe công bố điểm, Linh không nhìn vào ống kính, cũng không tỏ ra vui sướng hay bất ngờ gì (?)
Chương trình vẫn cứ dài một cách không cần thiết. Bởi MC không có gì để nói nhưng vẫn cứ nói: tả lại cảnh ôm hôn chúc mừng thí sinh, tả đến cả bó hoa tươi, mà người xem ai cũng vừa thấy xong.
Ban bình luận thì cũng mất không ít thời gian nói cho khán giả biết mình nào là người khó tính, nào là người trẻ… Nói tóm lại anh là người như thế nào cứ thể hiện. Cùng là người xem qua ti vi cả, có gì mà phải rào đón! Cái mà khán giả mong chờ có lẽ là sự bất ngờ, thư giãn và những nhận định mang tính chuyên môn...
. Theo Tiền Phong
Bên lề
* "Nghe biết ngay" là cảm nhận của nhiều khán giả đối với thí sinh trường lớp bài bản. Hiện tại, nổi lên vẫn là 2 dòng Nhạc viện Hà Nội, Cao đẳng nghệ thuật Quân đội.
Chẳng hạn, trong danh sách lọt vào chung kết toàn quốc của miền Trung, có: Trần Phương Linh (giải A Tiếng hát TH Thanh Hóa) - sinh viên Nhạc viện, Trần Quang Hào (giải A THTH Đà Nẵng) - sinh viên năm thứ 3 hệ Cao đẳng nghệ thuật Quân đội.
Trước đó ở khu vực miền Bắc, vào chung kết toàn quốc có: Tuấn Anh (giải A Quảng Ninh), Tân Nhàn (giải A Hà Nam) đều "dân" Nhạc viện, Nguyễn Văn Tuấn (giải A Bắc Ninh) - sinh viên hệ tại chức Nhạc viện.
Cả Đào Tiến Lợi (dòng thính phòng) cũng vậy. Còn Hoàng Thái, điểm cao nhất khu vực miền Bắc nguyên sinh viên Cao đẳng nghệ thuật Quân đội.
* NSND Trung Kiên có cách bình luận xác đáng nhất trong những người xem Sao Mai qua màn ảnh nhỏ. Còn sự xuất hiện của một vị khán giả trẻ đêm 12-11, có khán giả tưởng là người của MyVita, nhà tài trợ cuộc thi.
Giải thích: vì chiếc áo vàng anh mặc rất tiệp màu với cốc sủi màu vàng đặt trên bàn - nước giải khát cho cả ban bình luận.
|