Mới đây, nhân chuyến trở lại Quy Nhơn thăm người cũ, nhà thơ Thanh Thảo nhận lời mời khá bất ngờ từ một người anh em: Nói chuyện thơ với Câu lạc bộ văn học Xuân Diệu!
Từng sống ở Quy Nhơn suốt 10 năm, để lại cả chục tập thơ và trường ca nhưng tác giả của "Dấu chân qua trảng cỏ" vẫn không ngờ rằng, giữa thành phố biển ồn ào này mà lại tồn tại một câu lạc bộ văn học mang tên nhà thơ lớn Xuân Diệu, lại được mời nói chuyện thơ!
|
Nhà thơ Thanh Thảo nói chuyện về Xuân Diệu với các thành viên Câu lạc bộ Xuân Diệu (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Vậy là Xuân Diệu vẫn hiện hữu trên đất Quy Nhơn - nơi đã từng góp cho nền thi ca của đất nước những nhà thơ lớn như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn…
Trước khi nhận lời mời này, nhà thơ Thanh Thảo phân vân: "Liệu có mấy người đi nghe nói chuyện thơ đây?". Anh vẫn luôn hoài nghi về sự hưởng ứng của độc giả thơ hôm nay. Mối hoài nghi ấy đã được anh Quang Khanh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn học Xuân Diệu trấn an: "Sợ hội trường thiếu chỗ ngồi chứ đừng ngại không có người đi nghe nói chuyện thơ!". Như sợ nhà thơ không tin, anh Quang Khanh "bồi" luôn: "Mười lăm năm qua, tại ngôi nhà số 2 Phan Đình Phùng này đã có 180 cuộc bình thơ, nói chuyện thơ, trao đổi văn học anh à".
Mới bảy rưỡi, hội trường đã kín chỗ. Thú thật là tôi cũng đã từng đi nghe (hoặc xem) không ít câu lạc bộ thơ ở Đà Nẵng, Huế, cả Quảng Ngãi nữa, nhưng chưa thấy nơi nào mà người nghe thơ vừa đông lại vừa nghiêm túc như ở Quy Nhơn. Đi nghe nói chuyện thơ cũng năm bảy hạng người. Kẻ "nghiện" thơ, đến với thơ thì đành một nhẽ nhưng số người "ham vui" đến với thơ cũng không phải ít. Đây chính là nhóm người hay ồn ào, nhất là khi người nói chuyện thơ không cuốn hút hoặc sa đà quá nhiều vào học thuật hay lý luận.
Là nhà thơ nổi tiếng nhưng khác với những người nổi tiếng nhờ thơ, Thanh Thảo thường nói chuyện "ngoài thơ" hơn là nói những chuyện mà anh suốt đời đau đáu với thơ. Trong những lúc vui với bạn hay cả những khi "áo cài khuy bấm, cổ mang cà vạt", chưa bao giờ tôi nghe anh nói chuyện thơ.
Thế nên anh Quang Khanh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xuân Diệu "chơi" một nước cờ cao kiến với Thanh Thảo: Rón rén "bồi dưỡng" trước cho nhà thơ này những… hai trăm ngàn! Lỡ nhận phong bì rồi, Thanh Thảo phải nói chuyện thơ thôi. Và anh đã chọn nhân vật chính cho đêm nói chuyện thơ này là nhà thơ mà câu lạc bộ đang mang tên.
Tối hôm đó, nhà thơ Thanh Thảo đã làm sống dậy một Xuân Diệu thơ và cả những chuyện "bên lề thơ" của nhà thơ tài hoa xứ Gò Bồi này. Hội trường lặng phắc trước những thông tin "lần đầu được nghe" về Xuân Diệu từ Thanh Thảo. Mười lăm năm hoạt động, những thành viên của câu lạc bộ mới nghe lần đầu không ít chuyện "mới toanh" về Xuân Diệu.
Anh Quang Khanh nói: "Câu lạc bộ vẫn gặp mặt đều đặn mỗi tháng một lần. Lúc đọc thơ hoặc truyện ngắn, khi trao đổi thông tin hoặc góp ý cho nhau về những tác phẩm mới sáng tác, nhưng đây là lần đầu, Câu lạc bộ Xuân Diệu nghe nói về… Xuân Diệu".
Bằng những hoạt động "đa chiều" của mình, Câu lạc bộ văn học Xuân Diệu không những "sống" được 15 năm qua mà còn "sống khỏe" nữa. Chính từ sân chơi này, hàng loạt những thành viên của câu lạc bộ đã thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và trở những tác giả được cả nước biết đến như Từ Quốc Hoài, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Chương…
Có người nói bác Xuân Diệu "mát tay" nên câu lạc bộ mang tên nhà thơ không "chết yểu". Có thể là câu nói vui, song qua một buổi nói chuyện thơ, tôi nghiệm ra điều này: Thơ chẳng quay lưng với ai cả, thơ cũng không "chết" như người ta đang lo lắng, trái lại, thơ vẫn sống khỏe khoắn đó thôi. Giữa thời buổi chát chiếc, lắc liếc tùm lum khắp phố phường mà một buổi nói chuyện thơ đã hút được năm bảy chục người, phần lớn là thanh niên, đã là điều đáng quý.
Nhà thơ Xuân Diệu có hiện hiện hồn về được, ông sẽ rất vui, vì trong số thanh niên nghe thơ hôm đó, có rất nhiều em xinh đẹp.
Dù đã đi xa hai mươi năm, song Xuân Diệu vẫn thường xuyên có mặt trong lòng những người yêu thơ. Ông vẫn hiện hữu giữa thành phố biển ồn ào quê hương ông mỗi tháng một đêm.
|