|
Nhà thơ Chế Lan Viên |
Khi viết bài thơ Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên ở tuổi bốn mươi nhưng đã có những năm dài sống trong không khí tù đọng, bế tắc của cuộc đời cũ và đã đi trọn vẹn cuộc kháng chiến chín năm của dân tộc. Tiếng hát con tàu lấy cảm hứng từ cuộc kháng chiến đã qua nhưng được viết bằng sự trải nghiệm của một đời người. Những trải nghiệm ấy bùng nổ thành cảm xúc mãnh liệt, chân thành và kết đọng trong những câu thơ đậm chất triết lý, cô đúc như châm ngôn, tục ngữ. Hai câu thơ sau được nhiều người nhớ:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Chế Lan Viên cho biết: Tôi nghĩ hình như ở hai câu thơ trên tôi đã chịu ảnh hưởng hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi hóa dại khờ
(Hà Minh Đức biên soạn - Nhà văn nói về tác phẩm - NXBGD, năm 2000, tr18)
Ảnh hưởng đó là ở cấu trúc nghệ thuật còn xét kỹ lại rất khác nhau bởi Hàn Mặc Tử nói cái mất còn Chế Lan Viên nói cái được, hình ảnh thơ Hàn đặt sóng đôi còn thơ Chế được đặt trong tương quan đối lập, thơ Hàn thiên về bộc lộ cảm xúc còn thơ Chế thiên về đúc kết một kinh nghiệm sống, một quy luật tâm lý. Mỗi câu thơ có một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, xét về phương diện tư tưởng nhiều người đã nói đến sự gặp gỡ giữa câu thơ Chế Lan Viên với bài thơ Qua sông Tang Càn của Giả Đảo đời Đường:
Tinh Châu đất khách trải mươi hè,
Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê
Qua bến Tang Càn, vô tích nữa
Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê.
(Tản Đà dịch)
Mười năm ở Tinh Châu nhưng Giả Đảo thấy mình chỉ là khách trọ. Đấy cũng là suy nghĩ của Chế Lan Viên "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở". Nhưng rồi một buổi sáng vượt sông Tang Càn, ngoảnh lại nhìn Tinh Châu, Giả Đảo bỗng nhận ra Tinh Châu đã thành quê cũ. Chế Lan Viên cũng có suy nghĩ tương tự: "Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Với Giả Đảo, nếu không có khoảnh khắc qua sông Tang Càn thì Tinh Châu mãi mãi là đất khách. Nhưng nếu không có mười năm ở Tinh Châu thì Tinh Châu cũng không thể thành quê được. Ta cũng có thể nói như vậy về trường hợp của Chế Lan Viên.
Tiếng hát con tàu được viết khi miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế. Độ lùi của thời gian, độ xa của không gian giúp nhà thơ có điều kiện chiêm nghiệm sức nặng của những kỷ niệm đầy ân tình, ân nghĩa của nhân dân trong kháng chiến chất lên hành trang tinh thần của mình. Bài thơ của Giả Đảo cũng như câu thơ của Chế Lan Viên là sự cô đúc thành quy luật của những trải nghiệm đời người. Những câu thơ giàu chất triết lý nhưng lại phập phồng nhịp đập bồi hồi của trái tim như thế mãi mãi lấp lánh bởi nó vừa thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ lại vừa tác động vào trí tuệ, làm giàu có thêm cho tâm hồn của mỗi chúng ta.
(*) Giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12 |