Ấn phẩm văn học Bình Định vào mùa
7:30', 16/11/ 2005 (GMT+7)

Thời gian gần đây, sách của các tác giả trong tỉnh xuất hiện khá nhiều và đều. Giới sáng tác văn học tỉnh Bình Định bước vào mùa ấn phẩm, báo hiệu bước khởi động của Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn lần III (2000-2005)...

 

Chi hội văn học của Hội VHNT Bình Định giới thiệu tác phẩm 2005 của các tác giả: Lệ Thu, Mai Thìn, Phạm Ánh. Ảnh: Duy Quyên

 

Đến thời điểm này, điểm mặt trên giá sách, chúng ta có thể gặp hầu hết những tên tuổi đã quen với bạn đọc trong tỉnh. Từ Lệ Thu với Mây trắng, đến Võ Ngọc Thọ với Ươm mầm trên sóng, rồi Lê Bá Duy với Tứ tuyệt tình thơ, Nhóm lửa... Nguyễn Thanh Mừng vừa hoàn thành Huyền tích đất Kinh xưa (tức Văn hóa Dân gian vùng thành Hoàng Đế, viết chung với Trần Thị Huyền Trang) in ở Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, đã ra mắt tập trường ca Khởi hành cùng 39 mùa xuân do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành.

Mai Thìn sau một thời gian miệt mài chăm bẵm với những tầng nền văn hóa dân gian của miệt đất quê mình (Văn hóa dân gian Nhơn Thành) đã ra lò tập thơ mới Khúc sơn ca. Tác giả Đinh Bá Lộc, vốn nặng lòng với những trang hồi ức chiến tranh, nay lại thấy in tập thơ Chung dòng sông mẹ. Trong khi đó, mảng hồi ức chiến tranh nay có thêm Bình Định những năm tháng chiến tranh của Thu Hoài với hai tập dày cả ngàn rưỡi trang, dày dặn, chân thực đến từng chi tiết, ngồn ngộn chất sống, như hợp thành một trường ca bi tráng. Đã sắp đến tuổi cổ lai hy, lại vừa trải qua một cơn bệnh trọng, vậy mà Hà Giao vẫn cho ra mắt tập thơ thứ ba của mình với tựa đề Nắng tím như muốn chia sẻ với người đọc trải nghiệm trên hành trình đi và viết trên những miền đất khác nhau. Rồi các tác giả khác như Trần Thị Huyền Trang, Văn Trọng Hùng, Lê Hoài Lương... hiện đang rục rịch in những tập sách mới.

Không khí sôi động với những ấn phẩm đó, phần nào cho thấy sức viết của các cây bút tỉnh Bình Định rất dồi dào. Và điều đáng mừng nhất là họ vẫn nhiệt tâm, nhiệt thành với sự nghiệp sáng tạo văn chương.

Một số tác phẩm văn nghệ của các tác giả địa phương mới xuất bản gần đây.

Và đã có không ít ấn phẩm có giá trị. Huyền tích đất Kinh xưa thực sự là một công trình biên khảo vừa có giá trị trong việc tìm hiểu trầm tích văn hóa dân gian của một vùng đất vừa được viết với một văn phong nghiên cứu mà thấm đẫm chất văn học. Khởi hành cùng 39 mùa xuân, trường ca viết về Quang Trung - Nguyễn Huệ, tuy vẫn còn bóng dáng những dáng nét giọng điệu thơ của Nguyễn Thanh Mừng vang vọng từ Ngàn xưa nhưng lại có thêm nét hào sảng rất riêng. Khúc sơn ca của Mai Thìn đã có một số cố gắng bứt phá tạo nét mới, nhưng nhìn chung như vẫn chưa thực sự ra khỏi ám ảnh của khúc Đồng quê ngày trước... Sự đầu tư, chăm chút hơn của các tác giả cho những đứa con tinh thần của mình cũng là điều đáng quý. Những bìa sách công phu, chỉn chu hơn với những thiết kế được đầu tư hơn.

Dẫu vậy, vẫn không ít tập sách tạo cho độc giả cảm giác về sự lặp lại. Thiếu sự tìm tòi, thiếu sự bứt phá vẫn là một hạn chế của văn học Bình Định. Nhìn trên bề mặt chung, đến thời điểm này, vẫn chưa thấy nhiều tác phẩm thực sự vượt lên so với các tác phẩm đoạt giải của hai lần giải thưởng trước. Xem ra, người đọc vẫn hy vọng vào những bản thảo đang nằm trên bàn biên tập của các nhà xuất bản.

Một hạn chế khác "biết rồi, nói mãi" vẫn là sự thiếu hụt tác phẩm văn xuôi. Thiếu hụt ngay từ số lượng chứ chưa nói đến chất lượng. Cũng chưa vội nhắc đến mảng tiểu thuyết và ký vốn đã yếu, ngay truyện ngắn cũng chưa thấy xuất hiện tập sách nào, số tác giả viết truyện ngắn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phê bình văn học thì ở Bình Định hiện vẫn chưa thể nói là có dù đội ngũ giảng dạy văn học khá đông đảo, cũng không hiếm người có bằng cấp, trình độ cao. Cảm nhận và bình thơ của Trương Tham là tập sách khá hiếm hoi ở lĩnh vực này nhưng phần nào cũng mới giới hạn trong việc bình thơ.

Mùa ấn phẩm đã khởi động. Nhưng điều người đọc quan tâm nhất, mong đợi nhất vẫn là một mùa vàng bội thu về chất lượng tác phẩm.

  • Khải Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thoáng gặp gỡ Chế Lan Viên với Giả Đảo qua bài thơ "Tiếng hát con tàu" (*)  (15/11/2005)
Xuân Diệu vẫn "sống" ở Quy Nhơn  (15/11/2005)
Tác giả Đào Tiến Đạt đoạt giải Nhà nhiếp ảnh của năm  (15/11/2005)
Sao Mai 2005: Đãi "quặng" tìm "sao"  (14/11/2005)
Người viết tiếp kịch thơ "Quần tiên hội"  (14/11/2005)
Nguyễn Mỹ - còn mãi giấc mơ xanh  (13/11/2005)
Trăn trở ở một đoàn hát bội nông dân  (11/11/2005)
Nhiều hơn một tách cà phê  (11/11/2005)
Nghệ sĩ Lệ Thủy: Trở về sân khấu Tuồng với niềm khát khao mới  (11/11/2005)
Vẻ đẹp một bài ca dao Nam Bộ  (10/11/2005)
Hai cụm tác phẩm được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật  (10/11/2005)
Khai mạc VCK Liên hoan tiếng hát truyền hình khu vực miền Trung-Tây Nguyên  (09/11/2005)
Số phận một tập thơ của Hàn Mặc Tử   (09/11/2005)
"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" sẽ được xuất bản tại Rumania  (08/11/2005)
Tìm hiểu nhan đề tác phẩm "Bình Ngô đại cáo"  (08/11/2005)