Với truyền thống vùng đất của nghệ thuật tuồng, ca kịch bài chòi, những năm gần đây, sân khấu truyền thống ở tỉnh Bình Định tiếp tục được "giữ lửa". Những vở diễn mới góp cho kịch mục càng dày thêm; những vở diễn bài chòi cổ, vở hát bội mẫu mực, cổ điển bắt đầu được phục dựng…
* Tìm hình thức mới cho sân khấu truyền thống
Cội nguồn, một vở diễn được hoàn thành trong năm 2005 của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, đánh dấu một hướng đi trên con đường tìm hình thức mới cho tuồng cổ của Nhà hát. Sự đan xen nhiều không gian đồng hiện trên sân khấu trong dòng chảy hồi tưởng của nhân vật, sự đan xen về thời gian, giữa quá khứ và hiện tại, thậm chí "kéo" thêm nhân vật lịch sử Lý Chiêu Hoàng từ quá khứ về để đồng cảm và chia sẻ với nhân vật Kim-Xu-Dâng. Cội nguồn vậy là đã đi một bước khá xa so với phong cách tuồng truyền thống và ngay cả so với các vở tuồng hiện đại trước nay như Chị Ngộ, Sáng mãi niềm tin… vốn vẫn được viết theo phong cách truyền thống, với thời gian tuyến tính bình thường.
|
Cảnh trong vở "Huyền thoại về tiếng hát" của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
|
Cũng từ cách vận dụng nhiều mảng không gian, nhiều khoảnh thời gian từ quá khứ đến hiện tại, đã giúp cho tác giả nói được nhiều hơn, ngay cả những vấn đề đang đặt ra từ đời sống hiện tại như công nhân đòi tăng lương, đình công… Hóa ra, sân khấu tuồng cũng có thể dung chứa được những vấn đề tưởng khá xa lạ với nghệ thuật truyền thống!
Với Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, tận dụng một thế mạnh của sân khấu ca kịch bài chòi là một kịch chủng non trẻ, vừa có khả năng đi vào các đề tài xã hội có tính thời sự, hấp dẫn người xem, lại có thể vững vàng với các đề tài lịch sử, dã sử, dân gian và cả nước ngoài nên vài năm gần đây Đoàn đã mạnh dạn dàn dựng nhiều vở diễn thuộc nhiều mảng đề tài khác nhau như Đứa con tôi, Biển và tôi, Huyền thoại về tiếng hát… và gặt hái không ít thành công nghệ thuật.
* "Đọc" vốn cổ ở thì hiện tại
Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Hộ sanh đàn… là những vở tuồng nổi tiếng vào bậc nhất của sân khấu hát bội Việt Nam đã được dựng lại trên sân khấu của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Việc làm này, trước hết rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn vốn cổ, những tác phẩm sân khấu mẫu mực của nền sân khấu kịch hát dân tộc. Sau nữa, cũng là dịp để các diễn viên trẻ có thể học hỏi thêm về nghề nghiệp, ở những vở diễn, vai diễn được xem là mẫu mực. Đồng thời, cũng là cơ hội để những người làm sân khấu đem hát bội tiếp cận với khán giả đương đại.
Theo đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, Phó Giám đốc Nhà hát, thời điểm hiện nay, nếu chúng ta không tiến hành ngay việc dựng và ghi hình lại những vở diễn mẫu mực đó thì chỉ một, hai năm sau, chưa chắc chúng ta đã làm được. Còn nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn thì khẳng định, việc bảo tồn vốn cổ, cụ thể là phục hồi những vở diễn mẫu mực, cổ điển của sân khấu hát bội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là công việc chúng ta phải làm, làm được cái gì thì làm, không nên chờ đợi.
Tuy nhiên, bảo tồn vốn cổ không phải là khư khư giữ lấy vốn cổ, làm như cha ông mà phải biết cách "đọc" vốn cổ ở thì hiện tại. Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình tâm sự: "Một trong những hạn chế của nghệ thuật tuồng là cứ nói những cái đâu đâu, trong khi bao nhiêu những bi kịch của cuộc đời này, những vấn đề từ cuộc sống hôm nay thì ít được quan tâm. Điều này dễ làm cho khán giả, nhất là khán giả trẻ cảm thấy khó gần với tuồng. Tôi quan niệm, cái vốn truyền thống của cha ông là rất quý, nhưng không phải tất cả đều là ngọc. Vấn đề là phải biết chắt lọc, làm sáng ra những giá trị truyền thống. Bởi truyền thống là gì nếu không là sự tiếp nối, không được người hôm nay đồng cảm". Và điều này được thể hiện ngay trong những vở tuồng cổ đã được Nhà hát dựng lại gần đây.
* "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng"
Dẫu vậy, trong việc bảo tồn các giá trị của nghệ thuật truyền thống chúng ta mới dừng lại ở bảo tồn tĩnh, tức là thiên về nghiên cứu, sưu tầm, ghi hình và cất vào các kho tư liệu, dữ liệu, mà chưa quan tâm đến việc bảo tồn nó ngay ở nơi sinh ra nó, nói một cách khác là tạo cho di sản một đời sống trong cộng đồng, một mối quan hệ như nó đã từng có. Điều đáng ngạc nhiên là đến nay, việc sưu tầm, ghi hình những vở diễn mẫu mực, những vở bài chòi cổ lại mới bắt đầu được tiến hành. Trong khi đây là những phần việc mà đáng lẽ chúng ta cần phải làm dứt điểm từ rất lâu và đến hôm nay, chúng ta chỉ cần tìm cách tổng kết, lý giải và tìm cách "tái đầu thai" về cái nôi của nó.
Xúc tiến ghi hình các vở mẫu mực, phục hồi lại các làng tuồng, đúc rút tinh túy của sân khấu truyền thống ứng dụng vào sân khấu hôm nay… vẫn là những công việc cần kíp hiện nay. Làm sao cho một lớp người già nằm xuống, những tinh túy của nghề hát còn kịp trao truyền cho người trẻ. Để rồi từ trong lòng nhân dân, người sinh thành và dưỡng nuôi những môn nghệ thuật truyền thống ấy, người ta có thể tựa vào những câu hát mà vợi đi phần nào cái vất vả, gian truân của đời người. Trách nhiệm ấy vẫn đang đặt trên vai những người làm sân khấu truyền thống hôm nay.
|