(Nhân đọc "Dạ thưa thầy" - Thơ - NXB Đà Nẵng, do Kim Huy và Quang Cương tuyển chọn)
Tập thơ "Dạ thưa thầy" không dày, chỉ 125 trang. Song hình như mỗi bài thơ đều rút từ sâu thẳm trong lòng tác giả. Bởi vì ai chẳng có những người thầy dìu dắt mình nên người. Cả đoạn đường dài ấy làm sao không có một rung động, một kỷ niệm. Tập hợp những rung động ấy thành những lớp sóng dạt dào vỗ quanh ngọn núi xanh yêu thương kính cẩn. Ngọn núi ấy là biểu tượng người thầy của chúng ta.
"Bụi phấn" của Đoàn Vị Thượng làm chúng ta nhớ tới viên phấn trong tay thầy viết lên bảng đen. Viên phấn cứ mòn đi, mòn đi: "Cái màu trắng sẽ mòn đi mãi mãi" để hiện lên một hành trang cho mỗi trẻ ngồi dưới đang dõi theo từng nét phấn ấy: "Để các em hình dung thêm rõ rệt cuộc đời".
Cuộc đời thật mênh mông. Nhưng không có gì không có những tích tắc ban đầu. Người thầy đã bắt đầu cho các em những tích tắc ấy:
"Cô dạy em yêu cây mọc trước nhà
Yêu vầng trăng mọc phía trời xa
Yêu cây đỉnh núi chưa từng thấy
Yêu cả dòng sông chưa vượt qua"
Những người đã từng trải hãy tự trả lời xem, mình đã đến Trường Giang, sông Xen, sông A-ma-dôn… chưa? Có phải những dòng sông ấy chúng ta đã thuộc lòng như thuộc những nét trong bàn tay mình và lòng ta như đã hẹn một ngày sẽ tới.
Tác giả Hà Đức Toàn kể lại rằng: Ngày ấy mỗi người chỉ có một tấm phiếu 5 mét vải thôi, không có giấy to để vẽ bản đồ dạy cho học sinh, thầy giáo, anh đã lấy phần vải may áo để vẽ địa đồ cho học sinh học. Tác giả đã nhìn thấy điều thẳm sâu trong tấm vải đơn sơ kia:
"Mấy ai biết: vải dành may áo
Thầy dạy con núi rộng sông dài"
Thầy không chỉ dạy chữ, mà cái điều cơ bản nhất là thầy dạy làm NGƯỜI. Bài học ấy không phải xa xôi gì, nó bắt đầu ngay từ tấm lòng thầy, một tấm lòng lặng lẽ, chứ không hề ồn ào, không hề nhiều lời:
"Khi nhà còn đói khát
Em khó làm trò ngoan!
Ý nghĩ thành nước mắt
Lặng rơi trên mặt bàn"
Đã mấy học sinh nhận ra dòng nước mắt âm thầm ấy. Nghề thầy giáo, chúng ta thường gọi một cách nôm na là "nghề đưa đò". Người cạn nghĩ, như khách qua đò rồi thôi. Người ân sâu, thấy rõ nếu không có bàn tay chèo chống hết lòng của người thầy làm sao ta qua được cái biển đời mênh mông kia.
Và không ai khác, chính người thầy đã lấy sự trưởng thành của học trò để đánh giá chính sự nghiệp của mình:
"Bài làm các em là một tấm gương
Tôi soi vào thấy mình đích thực"
Nguyễn Thái Vận lý giải điều ấy một cách cụ thể hơn như hiển hiện trước mắt chúng ta.
"Có em điểm thấp, có em điểm cao
Vì chậm chạp hay vì sáng dạ
Vì lười biếng hay vì chăm chỉ
Có ai hiểu rằng trước hết vì tôi"
Nhận thấy những thăng trầm ấy, không đổ cho khách quan, chủ quan nào cả, "trước hết vì tôi": Đó chính là trái tim người thầy. Nhận ra mình, tin chắc học trò thầy rồi sẽ rất khá.
Các thầy đều nhận ra những đứa nhỏ biết bao hoàn cảnh kia đều là đất nước. Họ sẽ làm cho đất nước vinh quang lên hay lụn bại đi. Một phần ở trách nhiệm người thầy
Vì vậy, không lúc nào người thầy không nhận ra sứ mạng của mình.
Đúng như tâm trạng thầy Chu Văn An được Nguyễn Bùi Vợi khắc họa:
"Một đời nấu sử sôi kinh
Chỉ mong giữ cho dân điều nhân đức"
Nhà trường nào cũng lấy "Tiên học lễ, hậu học văn" làm tiêu chí của mình. Để có được chữ LỄ, phải lấy người thầy làm trọng.
"Chúng tôi giữ gìn trái tim chân thật từng giờ"
Thành Nghị rất thành công khi anh viết về cha mình, một nhà giáo hết lòng với nghề:
"Thức suốt đời cơn bão giật nghiêng đêm
Cha vẫn ngồi soạn bài, đèn mờ nước mắt
Vượt lên để giữ mình trong sạch
Biết mấy cam go, biết mầy can trường"
Giữ được lòng mình quả là điều rất gay go, nhất là khi sống trong biết bao thiếu thốn:
"Cơm áo bây giờ là thứ gắt gay
Đâu phải riêng ta mà là đất nước"
Trong tình cảnh ấy ta rất yên tâm vì thầy giáo vẫn xứng đáng là người thầy của mình. Nguyễn Hữu Hưởng khẳng định:
"Người thầy giáo dù ở căn nhà thấp
Vẫn luôn cần có một tầm cao"
Vì sao người thầy luôn được trò yêu, được xã hội tôn trọng, bởi chính tâm hồn thầy luôn luôn là hy vọng, luôn là gốc cây to cho học sinh tựa vào.
Vũ Quần Phương rất cảm động khi thấy người học trò vừa thành đạt đã nhớ ngay người thầy của mình:
"Cô dắt con đi giữa phố đông
Tưởng như dắt mãi tới không cùng
Mai sau bay giữa vòm tinh tú
Cô vẫn cầm tay con biết không"
Cảm ơn Vũ Quần Phương đã nói giùm điều bất biến ấy của chúng tôi - những học sinh - với những người thầy của mình rằng: Thưa thầy, mãi mãi không bao giờ chúng em quên thầy.
|