. Truyện ngắn của Bùi Tấn Phước
(Kính tặng cô giáo tôi)
Cô giáo tôi dạy chị tôi từ những năm cấp hai rồi đến dạy tôi. Còn tôi, sau khi học xong cấp ba thì vào bộ đội. Sau ba năm bộ đội, tôi về thi và học tiếp bốn năm đại học. Tôi ra trường, theo nghề cô đến nay gần chín năm. Trong ngần ấy thời gian, cô tôi không lấy chồng. Ấy vậy mà nghe đâu mới đây, cô đã quyết định gá nghĩa với một chú thương binh. Chuyện đời lắm khi khó hiểu!
Mẹ tôi kể, cách đây khoảng hơn ba mươi năm về trước, cô giáo tôi bấy giờ là cô gái đẹp nhất vùng. Bước vào tuổi mười sáu, cô tôi như đóa hoa vừa chớm nở. Bao trai làng nhờ cậy mối mai nhưng cô không để ý. Làng cô tôi là làng Tả của con sông C. bốn mùa đầy nước. Thường ngày đi học, cô phải đi sớm, chờ đò ở bến sông. Bến sông quê cô tôi có từ lâu đời. Nơi đây đã gắn bó nhiều kỷ niệm tuổi thơ của người làng Tả. Dù đi đâu, làm gì, người dân nơi đây vẫn nhớ về bến sông. Làng Hữu bên kia sông có một anh thanh niên học giỏi nhưng vì hoàn cảnh neo đơn nên xong cấp ba anh phải nghỉ học. Anh chưa được nhập ngũ, mặc dù anh đã nhiều lần viết đơn tình nguyện. Anh làm nghề câu lưới nuôi mẹ già và đứa em gái đang học cấp hai. Ngày nào, mùa nào cũng vậy, anh giăng câu buông lưới đều đặn. Bao nắng hạ mưa đông, sương thu rét xuân của mảnh đất miền Trung đã ngấm vào anh nên trông anh chắc khỏe...
Lần ấy trễ đò, cô tôi loay hoay không biết làm cách nào để kịp đến trường. Cô định quay về khóc với mẹ một trận. Bỗng từ đoạn dưới khúc sông, nơi có cây vông đồng sừng sững, vọng lên lời gọi: "Ê! Trễ đò phải không? Để tôi đưa sang! Quay về, bỏ buổi học phí lắm!"... Cô tôi nhìn xuống, một người thanh niên vừa gọi vừa áp sát chiếc xuồng vào nơi cô đứng. Cô tôi mừng quýnh, nhanh chóng ngồi vào xuồng. Chiếc xuồng lướt êm giữa dòng nước óng ánh sắc vàng của mặt trời buổi sớm. Nước óc ách vỗ vào hai mạn xuồng như tiếng lòng cô tôi thầm cảm mến. Lên đến bờ, cô nhìn anh hồi lâu, chớp mắt, ngậm môi gật đầu, vẫy tay rồi đi... Từ đó, cô tôi thường trễ đò. Gốc cây vông đồng bên bến sông là điểm hẹn của cô và anh sau mỗi buổi tan trường.
Chiến trường B đến hồi ác liệt. Em gái anh thanh niên làng Hữu đã học xong lớp chín và nghỉ học. Anh gởi lại mẹ già cho đứa em, chia tay với cô tôi, lên đường đi chiến đấu. Ngày ra đi, bên gốc vông đồng bến sông, anh nắm chặt tay cô thầm thì: "Dù gì anh vẫn trở về. Điều anh mong nhất lúc này là quê ta sớm có cây cầu để em và bà con đỡ khổ!...". Cô tôi khóc không thành lời. Vài giọt nước mắt rơi. Lòng cô tê tái. Cô không nói, không hứa, lặng im đưa mắt nhìn chiếc cồn nhỏ giữa dòng sông có khóm lau hồng ngả sang bạc đang lung lay trước gió. Thỉnh thoảng cô quay lại gật đầu khó hiểu.
Những ngày đầu quân ngũ, anh thường viết thư cho cô và cô cũng vậy, nhưng sau đó thưa dần rồi dứt hẳn. Không liên lạc được với nhau, cô tôi buồn lắm. Cô nộp đơn thi vào trường Cao đẳng sư phạm tỉnh và trúng tuyển. Mặc dù đường xa nhưng chiều thứ bảy nào cô cũng về thăm nhà, thăm bến sông. Cô thường ngồi dưới gốc cây vông đồng đến tối mịt mới về.
Hơn ba năm sau, lúc bấy giờ cô tôi đã dạy học ở trường xã, vào một ngày cuối đông, cô nhận được tin người yêu đã hy sinh ở chiến trường. Cô bàng hoàng ngất lịm, tinh thần suy sụp. Đứa em gái của người yêu biết chuyện, thường bơi xuồng sang thăm, chuyện trò với cô nên nỗi đau cũng dần dần vơi đi. Cô xin miếng đất nhỏ bên bờ sông, cạnh cây vông đồng để sản xuất. Cô trồng rau bốn mùa. Ngày nào cũng vậy, cứ lúc sáng sớm và lúc chiều sau giờ tan trường, cô lại có mặt ở miếng đất trồng rau nhổ cỏ, tưới nước rồi ngồi rất lâu dưới gốc vông đồng. Năm tháng cứ thế trôi qua, nét son trẻ ngày nào của cô giờ đã dần thay bằng cái duyên mặn mà của một phụ nữ công chức ở miền quê. Thấy cô tôi điềm đạm, có duyên lại nghề nghiệp ổn định, bà Ba giàu có ở xóm trong đánh tiếng dạm hỏi cho ông con trai lớn tuổi, nhưng cô tôi lắc đầu. Rồi ông cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện. Ông kỹ sư xây lắp điện góa vợ cũng ngỏ lời, nhưng cô từ chối tất cả...
Cũng làng Hữu bên sông nhưng thuộc xóm ngoài có một anh thương binh người vùng khác đến lập nghiệp. Người này, sau khi chiến đấu bị thương về lại quê hương thì người yêu đã đi lấy chồng. Anh ngậm ngùi chua xót, lao vào công việc như chiến sĩ xông ra mặt trận. Rồi đến khi yên bình, anh lại thấy lòng mình trống trải. Anh mở một xưởng chẻ đá xây dựng và tạc tượng đá tại nhà người quen ở làng Hữu. Hàng ngày anh vẽ mẫu các sản phẩm rồi giao cho thợ làm. Anh lo chạy mối tiêu thụ. Cũng may, nhờ đá núi làng Hữu nhiều, nhờ mẫu mã sản phẩm phong phú, sắc nét nên xưởng đá của anh dần dần làm ăn khấm khá...
Cô tôi đi chợ huyện không may bị hỏng xe. Cô dắt bộ dò tìm nơi sửa. Thấy cô ngang qua, anh thương binh bỏ việc chạy ra hỏi vọng:
- Cô giáo! Sao cô dẫn bộ? Nếu xe cô hỏng hãy để lại đây tôi sửa. Tiệm sửa xe còn xa lắm. Cô lấy xe tôi đi, trưa về hãy đổi!
Cô tôi chần chừ. Anh thương binh đỡ lấy chiếc xe, tiếp lời:
- Cô giáo đừng ngại! Chúng tôi là người ngay! Hơn nữa, xe tôi cô đi cơ mà!... Cô tôi nhận lời, nói tiếng cảm ơn. Rồi từ đó hai người biết nhau...
Anh thương binh kể hết cuộc đời mình cho cô nghe. Cô cảm động và mến phục anh nhưng coi ra còn kín đáo lắm. Qua một số người quen trong xóm, anh thương binh dần dần biết được phần nào về cuộc đời cô. Anh cảm phục và thấy thương cô nhiều. Một hôm anh ngỏ lời cầu hôn. Cô tôi không còn cách nào nên phải nói thật. Cô kể với anh vì sao cô không lấy chồng. Cô nhắc lại nhiều lần lời người yêu lúc ra đi: "Dù gì anh cũng trở về... Điều anh mong muốn nhất là quê ta sớm có cây cầu để em và bà con đỡ khổ!". Anh thương binh hơi buồn khi nghe chuyện. Anh hỏi tên tuổi người yêu cô, chiến trường và thời gian anh ấy hy sinh. Cô chẳng hiểu anh hỏi để làm gì, song vẫn cứ trả lời.
Bẵng đi một thời gian dài không gặp, cô tôi hơi ngạc nhiên nhưng không phân vân. Thấy đá người ta đổ ở bến sông chuẩn bị xây cầu, cô dò hỏi biết đá của xưởng anh thương binh ủng hộ. Cô tôi hỏi anh lái xe chở đá về người chủ xưởng, anh cho biết ông chủ đang đi tìm đồng đội cũ ở các tỉnh phía Nam để hỏi thăm về nơi chôn cất hài cốt của một liệt sĩ nào đó... Thì ra, anh hỏi thăm để giúp mình hoàn thành ý nguyện! Cô tôi nhủ thế.
Mùa hè đã đến. Cầu đã bắt đầu thi công. Bến sông quê vốn yên ả giờ lại ồn ào. Một chiều ra bến sông, lòng cô ngổn ngang trăm mối. Cô nghĩ: "Có cầu thì không còn bến. Không có cầu thì mình và bà con vẫn khổ. Được đi thong thả trên cầu thì mất chỗ ngồi thơ mộng dưới bến sông"... Cầu - bến, bến - cầu, hai vấn đề làm cô tôi khó nghĩ...
Cô tôi theo người thương binh về Củ Chi bốc mộ người yêu. Ngày cô đưa hài cốt người yêu về đến quê nhà cũng là lúc cây cầu giữa hai làng Tả - Hữu được khánh thành. Đi trên cầu, lòng anh thương binh và cô tôi vui hay buồn? Quả thật, điều này không ai hiểu nổi.
|