Tản mạn:
"Dầu cù là đây!", dầu cù là đâu ?
12:27', 20/11/ 2005 (GMT+7)

Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi đến Matxcơva trong chương trình "Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô" vào năm 1985, theo mách bảo của bạn bè, tôi có mang một ít hộp "cao Sao Vàng" (dầu cù là nhãn hiệu "Sao Vàng") để làm quà.

Người đầu tiên tôi tặng món quà nhỏ bé này, nhỏ cả kích thước lẫn giá trị tiền bạc, là một bà má người Nga làm việc trực tầng trong khách sạn chúng tôi ở. Tôi không ngờ, món quà nhỏ bé của mình lại khiến má vui đến vậy. Bà mở hộp cao, xoa một chút lên hai thái dương một cách rất thành thạo, đúng như kiểu các mẹ ở quê ta vẫn xoa dầu. Hỏi ra mới biết, người Nga thời ấy rất thích, thậm chí "hâm mộ" cao Sao Vàng made in Viet Nam.

Nga là xứ lạnh, cao Sao Vàng, dầu cù là của ta lại được làm từ nguyên liệu "nóng" như quế, hồi… Chất dầu vừa thơm nhẹ vừa khiến các huyệt đạo của người dùng ấm nóng lên nhanh chóng, máu huyết lưu thông, chống được cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi.

Nếu bạn bất thần bị đau bụng, thì trong uống ngoài xoa, dầu cù là giúp bạn nhanh chóng thoát trạng thái khó chịu này. Một lọ dầu bé nhỏ như vậy mà tác dụng "tích cực" lại hơi bị lớn, hèn chi nó chẳng nổi tiếng cả trong và ngoài nước.

Tôi quê miền Nam, nên còn biết thêm một "loại hình" dầu nóng khác cũng rất nổi tiếng ở miền Nam trước đây, là dầu "Nhị Thiên Đường". Ngày trước, không một gia đình nào ở miền Nam, dù nghèo tới đâu, mà không trữ sẵn trong nhà một ve dầu "Nhị Thiên Đường". Đó là một loại dầu nóng có mùi thơm rất dễ chịu, có tác dụng giống như dầu cù là, nhưng hơi dịu hơn.

Bẵng đi nhiều năm, chợt giật mình mỗi khi nhức đầu sổ mũi. "Cao Sao Vàng" đã không còn bên cạnh mình, thay vào đó là loại "dầu Miên" có mùi gắt và theo tôi là chả thơm tho gì cả. Nhưng nó là dầu nóng, có lẽ cũng có tác dụng như dầu cù là, và nhiều người đã tỏ ra "hâm mộ" nó như đã từng sính dùng hay sùng bái các loại "hàng ngoại".

Cái hộp dầu cù là bé nhỏ, cái hộp "cao Sao Vàng" từng một thời nổi tiếng, một thời là niềm tự hào của "hàng Việt chất lượng cao" đã âm thầm biến mất, không để lại bất cứ lý do nào.

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn còn mua được ve dầu "Nhị Thiên Đường", nhưng hộp "cao Sao Vàng" thân thiết mà tôi từng tặng cho một bà mẹ người Nga, tôi không còn biết mua ở đâu nữa.

Thêm một mùa đông "như khách lạ ghé nhà", nhiều lúc chợt ngẩn ngơ dường thiếu một cái gì trong… túi quần. Không phải tiền. Bây giờ, viết báo lai rai cũng có đồng ra đồng vào chứ không đến nỗi bấn như ngày trước. Cái thiếu ấy, có khi lâu lắm mình cũng chả nhận ra. Cho tới lúc chợt nhức đầu sổ mũi, và có người nhắc: sao không xoa dầu cù là? Vâng, nhưng cái hộp dầu con con ấy đã không còn trong túi mình rồi!

  • Thanh Thảo
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bến và cầu  (18/11/2005)
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Thị Cúc  (18/11/2005)
Vén màn một "sự thật tàn bạo"  (18/11/2005)
Đọc lại Xuân Diệu  (17/11/2005)
Vài cảm nhận về một tập thơ tôn vinh nhà giáo  (16/11/2005)
Sân khấu truyền thống: Canh tân và phục cổ  (16/11/2005)
Ấn phẩm văn học Bình Định vào mùa  (16/11/2005)
Thoáng gặp gỡ Chế Lan Viên với Giả Đảo qua bài thơ "Tiếng hát con tàu" (*)  (15/11/2005)
Xuân Diệu vẫn "sống" ở Quy Nhơn  (15/11/2005)
Tác giả Đào Tiến Đạt đoạt giải Nhà nhiếp ảnh của năm  (15/11/2005)
Sao Mai 2005: Đãi "quặng" tìm "sao"  (14/11/2005)
Người viết tiếp kịch thơ "Quần tiên hội"  (14/11/2005)
Nguyễn Mỹ - còn mãi giấc mơ xanh  (13/11/2005)
Trăn trở ở một đoàn hát bội nông dân  (11/11/2005)
Nhiều hơn một tách cà phê  (11/11/2005)