Tiếng trống paranưng nổi lên hòa quyện với tiếng kèn saranai như cuốn hút những bước chân của những chàng trai, cô gái Chăm bước vào những điệu múa uyển chuyển nhịp nhàng, những điệu múa say cuốn, mê hoặc lòng người mang đậm phong cách văn hóa Chăm.
Người Chăm sống tập trung ở duyên hải Nam Trung bộ, nhiều nhất là ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận. Đa phần các điệu múa của người Chăm đều gắn liền với lễ hội, mà lễ hội của người Chăm thì vô cùng phong phú và gần như có quanh năm.
Múa Chăm là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, nhạc cụ chính của múa Chăm gồm trống paranưng, kèn saranai và trống ghinăng. Âm thanh của hai loại trống này cũng đặc biệt khác, bởi nó không mang cảm giác sôi động, dục giã như các loại trống khác mà nó thâm trầm, huyền bí đi sâu vào nội tâm con người.
Vũ điệu múa Chăm thường bắt nguồn từ những động tác lao động, sinh hoạt thường ngày và đều phản ánh những ước vọng của con người trước thần linh, thiên nhiên và cuộc sống cộng đồng. Những điệu múa thể hiện sự cầu mong cho mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh, yên ổn làm ăn và thờ phụng tổ tiên, nhưng cũng có những điệu múa thể hiện ý chí quật cường sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống (múa roi).
Múa Chăm gồm có ba loại. Múa dân gian, còn gọi là múa cộng đồng, thường diễn ra vào các ngày lễ đầu năm, đầu mùa. Những điệu múa đặc trưng là đóa pụ (có nghĩa là đội nước, khi múa, những cô gái đội một cái bình trên đầu - đội đầu là một hình thức vận chuyển phổ biến của người Chăm), múa quạt, múa khăn, múa trống paranưng, múa roi, múa chèo thuyền. Múa chèo thuyền được coi là điệu múa lâu đời nhất của người Chăm, thể hiện sinh hoạt lao động vùng biển của con người.
Múa tôn giáo cũng diễn ra vào dịp lễ tết, nhưng trang trọng hơn, do các cô gái đồng trinh đội lễ vật múa ở đền, bày tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh. Cho đến nay "múa bóng" được coi là mang đậm tính tôn giáo. Dàn nhạc đệm cho múa bóng là hai cái trống paranưng và một chiếc kèn saranai, còn vũ điệu khi múa phô diễn hết vẻ đẹp của con người.
Múa Cung đình hay còn gọi là múa tiên nữ Apsara, điệu múa này ngày xưa chỉ vua chúa mới được thưởng thức. Theo truyền thuyết Apsara là nữ thần của các cung nữ phục vụ các vị thần. Nhiều điêu khắc trên các hệ thống tháp Chăm hiện còn lưu giữ dọc vùng đất Nam Trung bộ đều có những hình tượng mô phỏng vũ nữ Apsara với những đường nét căng tròn, mềm mại, uyển chuyển.
Ngày nay, múa Chăm cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác của Việt Nam đang được phục hồi và lưu giữ, được biểu diễn cho nhiều người cùng thưởng thức, không chỉ trong các dịp lễ hội. Múa Chăm cũng đã dần đi vào đời sống hiện đại, qua những đêm diễn phục vụ khách du lịch-một sản phẩm văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa đa dân tộc Việt Nam cần giới thiệu với bạn bè.
. Theo TTXVN |