Phong trào văn hóa văn nghệ ở vùng cao Hoài Ân
8:1', 22/11/ 2005 (GMT+7)

Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn là 3 xã vùng cao của huyện Hoài Ân, có 2 dân tộc Ba na và H’re với gần 3.000 người sinh sống ở 12 làng. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc riêng được lưu giữ và chuyển giao qua nhiều thế hệ.

 

Tiết mục "Hạt lúa vàng" do Đội VNQC xã Bok Tới biểu diễn tại Hội diễn VNQC toàn huyện 2005.

 

Nổi bật trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao Hoài Ân là các lễ hội nông nghiệp như lễ ăn mừng làng mới, lễ xây dựng nhà rông, lễ cúng bến nước, lễ khai rẫy, lễ ăn cốm lúa mới, lễ ăn trâu cầu phúc, lễ về nhà mới, lễ cưới, lễ đặt tên con, lễ bỏ mả… Kho tàng văn hóa dân gian trù phú với các loại hình dân ca, dân vũ, hát hơmon, kể khan, hát caliêu-cachoi, múa xoang…; các loại nhạc cụ dân tộc làm từ chất liệu gỗ, đá, kim loại như cồng chiêng, đàn Pơlơnkhơn, đàn Tơrưng, đàn Pơren, sáo Pơlía, kèn Hơ đâng…

Các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, xây dựng nhà sàn, nhà rông, xây dựng tượng nhà mồ - một nét kiến trúc, mỹ thuật độc đáo rất riêng của đồng bào dân tộc bản địa. Người trong vùng rất ham thích giao lưu văn hóa văn nghệ (VHVN) với các dân tộc anh em trong cộng đồng. Đây chính là điểm quan trọng và hiệu quả nhất để xây dựng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, xây dựng bản làng và gia đình văn hóa.

Mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện và trang thiết bị tổ chức các hoạt động VHVN, song với tinh thần "dám nghĩ dám làm" thông qua các phương pháp đa dạng của hoạt động văn hóa thông tin, chính quyền và nhân dân 3 xã vùng cao Hoài Ân đã có nhiều cố gắng xây dựng mỗi làng một đội văn nghệ quần chúng (VNQC) có từ 10 đến 15 thành viên, hoạt động dưới hình thức "cây nhà lá vườn", tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, tiết mục văn nghệ để phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, tết rất hiệu quả.

8/12 làng hình thành và duy trì hoạt động 8 đội cồng chiêng, thường xuyên giao lưu biểu diễn tạo được sự đam mê cho nhiều thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, hàng chục lễ hội dân gian được nhân dân tham gia tổ chức trên cơ sở loại bỏ các yếu tố lạc hậu như thời gian tổ chức lễ hội rút ngắn hơn, cúng bái rườm rà, uống rượu say sưa giảm dần; các yếu tố tích cực trong các lễ hội được phát huy, các hoạt động vui chơi giải trí, VHVN, TDTT, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng cuộc sống mới… được các cấp chính quyền và nhân dân quan tâm.

Các lễ hội dân gian được các làng tổ chức có chọn lọc; ngày hội VHTT các xã vùng cao trong huyện được các xã luân phiên đăng cai tổ chức có nội dung phong phú hấp dẫn, lôi cuốn nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Nổi bật có xã Bok Tới được đánh giá là đơn vị nhiều năm liền duy trì và phát triển phong trào VHVN mạnh của huyện.

Anh Đinh Xuân Á - Chủ tịch UBND xã Bok Tới cho biết: "Hát, múa, đánh cồng chiêng là những cái đã thấm sâu vào máu thịt của nhân dân trong vùng nên tổ chức xây dựng phong trào có nhiều thuận lợi. Để duy trì, tổ chức phong trào có hiệu quả xã đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắm trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, dụng cụ phương tiện và tạo mọi điều kiện có thể để đội VNQC của xã hoạt động".

Còn anh Đinh Văn Hay - Phó Chủ tịch xã Ân Sơn thì vui mừng: "Từ khi xã có nhà văn hóa, được ngành VHTT hỗ trợ mua sắm trang thiết bị âm thanh, thì hoạt động phong trào VHVN trong xã được tổ chức tốt hơn, nơi đó trở thành điểm đến của nhiều người, nhất là thanh thiếu nhi".

Đặc biệt vai trò tích cực của già làng, trưởng bản, các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, các hội đoàn thể (Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi…) ở các xã, thôn, bản và từng gia đình cá nhân đóng góp tinh thần, vật chất là các yếu tố làm cho hoạt động phong trào ở đây duy trì và phát triển.

Ở vùng cao, điều kiện để nhân dân được xem các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp rất hạn chế, phương tiện nghe nhìn trong nhân dân còn thiếu thốn, thì việc duy trì và tổ chức các hoạt động VHVN tại chỗ đã tạo được môi trường tốt cho việc tập hợp quần chúng, tạo được một sân chơi bổ ích để nhân dân có điều kiện vừa là người tham gia sáng tạo VHNT vừa là người thưởng thức sản phẩm VHNT ấy. Từ đó, những giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền và phát huy có hiệu quả nhất. Hơn thế nữa, qua mỗi lần tham gia hội thi, hội diễn, giao lưu VHVN, tổ chức hội làng thì tính tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết cộng đồng được nhân lên, việc tiếp cận thông tin thực hiện chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế, xã hội được nhanh hơn, góp phần làm cho mọi phong trào thi đua ở địa phương đạt hiệu quả cao.

  • Hà Hoài Ân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Múa Chăm - một đặc trưng của văn hóa Chăm  (21/11/2005)
"Dầu cù là đây!", dầu cù là đâu ?  (20/11/2005)
Bến và cầu  (18/11/2005)
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Thị Cúc  (18/11/2005)
Vén màn một "sự thật tàn bạo"  (18/11/2005)
Đọc lại Xuân Diệu  (17/11/2005)
Vài cảm nhận về một tập thơ tôn vinh nhà giáo  (16/11/2005)
Sân khấu truyền thống: Canh tân và phục cổ  (16/11/2005)
Ấn phẩm văn học Bình Định vào mùa  (16/11/2005)
Thoáng gặp gỡ Chế Lan Viên với Giả Đảo qua bài thơ "Tiếng hát con tàu" (*)  (15/11/2005)
Xuân Diệu vẫn "sống" ở Quy Nhơn  (15/11/2005)
Tác giả Đào Tiến Đạt đoạt giải Nhà nhiếp ảnh của năm  (15/11/2005)
Sao Mai 2005: Đãi "quặng" tìm "sao"  (14/11/2005)
Người viết tiếp kịch thơ "Quần tiên hội"  (14/11/2005)
Nguyễn Mỹ - còn mãi giấc mơ xanh  (13/11/2005)