Khi con tàu ra đi…
10:13', 22/11/ 2005 (GMT+7)

Kín đáo và trữ tình, Thạch Lam nhẹ nhàng bước chân vào nền văn xuôi Việt Nam với một phong cách mới. Ông không lãng mạn đến bồng bột như các nhà văn Tự lực văn đoàn, cũng không hiện thực đến trần trụi như các nhà văn hiện thực phê phán. Tác phẩm của ông, một dòng chảy khác, ung dung đi giữa hai lối rẽ của hai dòng văn học ấy.

Đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ (*), Nguyễn Tuân có lời nhận xét khá tinh tế: "Truyện ngắn Hai đứa trẻ có một hương vị thật man mác. Nó gợi lên một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng gióng lên một cái gì còn ở tương lai... Nơi cái thế giới quan của đôi trẻ ở một góc phố quê, hình ảnh đoàn tàu và tiếng còi tàu đã thành một thói quen của cảm xúc và của ước vọng".

Sự thật, truyện ngắn Hai đứa trẻ ám gợi hơn nhiều. Ám gợi về một không gian của buổi giao thời nửa cũ nửa mới. Ám gợi về kiếp người bé nhỏ mong manh giữa dòng đời đang xao động. Cái hương vị man mác trữ tình của tác phẩm không đưa người đọc chơi vơi trong ảo ảnh mà nằng nặng một mối thương đời. Quá khứ và tương lai đối với những con người bé nhỏ ở đây cứ hiển hiện mà mông lung, gần gũi mà xa cách.

Làng quê của một thời vẫn còn đó với dãy tre trước mặt "cắt hình rõ rệt trên nền trời", nhưng vời vợi với âm vang "văng vẳng tiếng ếch nhái... ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ thổi vào". Chợ với không khí đô thị đã thành hình nhưng chỉ là cái "chợ chiều đã vãn" với "mùi âm ẩm bốc lên", những gian hàng cỏn con và những con người bé nhỏ chập chờn như những cái bóng bên cạnh những ngọn đèn dầu, những đốm lửa leo lét.

Hình như Thạch Lam muốn cụ thể hóa cái không gian trữ tình trong thơ Huy Cận: "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều" nhưng với ý đồ lôi kéo cái ảo giác siêu hình kia về với cái hữu hình xác thực: những con người nghèo khổ nơi phố huyện đang đối diện với thân phận sống dở chết dở của mình. Họ đã sống trong một thế giới tranh tối tranh sáng, cố sống mòn mỏi sao cho qua hết một kiếp người.

Cảnh đợi tàu có thể là một ước mơ lãng mạn đấy: mơ tưởng về một tương lai đổi đời, vươn tới "một thế giới khác", với cái tôi trí thức là lý tưởng tự do giải phóng, nhưng với những con người bé nhỏ cái ước mơ ấy như một thói quen đi tìm cảm giác lạ của vô thức. Hình ảnh đoàn tàu như một đối lập tương phản với hiện thực cuộc sống nơi phố huyện. Nó mang lại một thế giới âm thanh "dồn dập", "rầm rộ" của "tiếng xe rít mạnh vào ghi", "tiếng còi tàu rít lên" khác hẳn với giai điệu âm thanh dằng dặc, trầm lắng và não nề của tiếng trống thu không "từng tiếng một", tiếng ếch nhái "kêu ran" ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi "vo ve", tiếng lá bàng "khẽ rụng", tiếng đàn bầu "run bần bật" trong đêm. Nó chói lên một thứ ánh sáng mạnh mẽ của "các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường" khác hẳn với những ngọn đèn dầu, những đốm lửa huyền hoặc, ảm đạm xưa nay.

Trong cái không gian rạo rực âm thanh và ngập tràn ánh sáng ấy là những "toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng kền lấp lánh và các cửa kính sáng", khác hẳn với cái nghèo nàn của gian hàng dán đầy giấy nhật trình của chị em Liên, chiếc chõng tre ọp ẹp của mẹ con chị Tý và manh chiếu rách thảm thương của bác Xẩm. Người dân phố huyện nhìn tàu như một niềm hưng phấn khi được chiêm ngưỡng hình ảnh của một thế giới văn minh hiện đại giàu có và sang trọng, nhưng xét đến cùng nó chỉ là một thứ bánh vẽ cho những người nghèo khổ. Mơ tưởng mãi rồi trở thành một thói quen: đêm đêm nhìn tàu một lần trước giờ đi ngủ. Thế thôi. Những con người bé nhỏ ở đây còn biết làm gì hơn vì có bao giờ họ được thoát ra khỏi cái ao đời quẩn quanh của mình.

Thạch Lam không thích xung đột, tác phẩm của ông không có cái kịch tính quen thuộc của loại hình truyện ngắn. Ông chỉ tạo dựng nên một thế giới nghệ thuật của màu sắc, âm thanh. Vì thế, Hai đứa trẻ vừa có cái quyến rũ thi vị của cảm giác lại vừa oằn nặng bao nhiêu nỗi đau của cuộc đời.

Khi con tàu mang ánh sáng văn minh ra đi, như một thứ tương lai mơ hồ, những con người bé nhỏ và nghèo khổ phải ở lại với chính mình. Lặng lẽ và mơ màng. Âm thầm và chịu đựng... Cứ thế hết kiếp này sang kiếp khác.

  • Châu Minh Hùng

(*) Giảng dạy trong chương trình văn học lớp 11.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao giải thưởng Đào Tấn cho Giáo sư Trần Văn Khê  (22/11/2005)
Phong trào văn hóa văn nghệ ở vùng cao Hoài Ân  (22/11/2005)
Múa Chăm - một đặc trưng của văn hóa Chăm  (21/11/2005)
"Dầu cù là đây!", dầu cù là đâu ?  (20/11/2005)
Bến và cầu  (18/11/2005)
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Thị Cúc  (18/11/2005)
Vén màn một "sự thật tàn bạo"  (18/11/2005)
Đọc lại Xuân Diệu  (17/11/2005)
Vài cảm nhận về một tập thơ tôn vinh nhà giáo  (16/11/2005)
Sân khấu truyền thống: Canh tân và phục cổ  (16/11/2005)
Ấn phẩm văn học Bình Định vào mùa  (16/11/2005)
Thoáng gặp gỡ Chế Lan Viên với Giả Đảo qua bài thơ "Tiếng hát con tàu" (*)  (15/11/2005)
Xuân Diệu vẫn "sống" ở Quy Nhơn  (15/11/2005)
Tác giả Đào Tiến Đạt đoạt giải Nhà nhiếp ảnh của năm  (15/11/2005)
Sao Mai 2005: Đãi "quặng" tìm "sao"  (14/11/2005)