Bài thơ "Gởi Quy Nhơn" dưới đây được trích từ tập thơ mang tên "Mùa lá chín" (NXB Hà Nội, 1996) của chị Nguyễn Thu Hương.
"Quy Nhơn
Thành phố anh yêu
Nhỉnh hơn đồng vàng
Thuở bé anh hay nhét vào túi áo
Mùa đông
Cái đồng vàng tí teo phập phồng trong lồng ngực
Anh lớn lên đi dọc ngang trời đất
Đồng vàng trong anh chỉ còn lại hình hài
Ngày gặp em
Anh lấy nó từ trong ngực áo
Trao em
Và em
Cô bé nghèo nhất thế gian
Bỗng trở nên giàu có vô cùng".
Chị Hương là người Hà Nội gốc. Tôi quen chị khi chị cùng chồng là anh Trần Lê Tuấn - người Vân Canh, Bình Định - đang học khóa 4 tại trường viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội. Căn phòng tập thể nhỏ nhoi nhỉnh hơn 10 mét vuông nhưng đầy ắp tình đồng hương và tình bạn văn chương, là nơi tôi thường đến vào mỗi chiều chủ nhật khi tôi còn học ở thủ đô.
Căn phòng ấy ấm áp hạnh phúc vợ chồng vào những tháng đông giá lạnh, chật chội giọng nói nằng nặng của những người bạn miền Trung. Căn phòng ấy là nơi hình thành những vần thơ về Quy Nhơn - Bình Định của chị Hương. Hiện nay, chị công tác tại báo Gia đình và Xã hội, còn anh là phóng viên báo Nông thôn Ngày nay, đều ở Hà Nội.
Bài thơ như một câu chuyện cổ tích về tình yêu. Câu chuyện ấy bắt đầu từ Quy Nhơn quê chồng của chị. Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp một hình ảnh ví von thật thú vị: "Quy Nhơn/ thành phố anh yêu/ Nhỉnh hơn đồng vàng/ Thuở bé anh hay nhét vào túi áo". Thế là câu chuyện cổ tích bắt đầu.
Thành phố biển Quy Nhơn nhỏ nhoi "nhỉnh hơn đồng vàng" nhưng xinh xắn này cũng đã hơn một lần đi vào tứ thơ rất lạ của Văn Cao: "Một nửa hình con trai/ Ngày/ Lấp lánh sắc cầu vồng/ Một nửa mình trăng/ Đêm/ Nằm nghiêng trên bãi biển".
Cái đồng vàng tí teo là Quy Nhơn ấy luôn phập phồng trong ngực chàng trai trẻ, nuôi dưỡng chàng lớn lên với bao tình đất, tình người và theo anh đi dọc ngang trời đất, để rồi một ngày, chị cảm nhận hạnh phúc vô bờ từ anh: "Ngày gặp em/ Anh lấy nó từ trong ngực áo/ trao em".
Và câu chuyện cổ tích về tình yêu đến hồi kết thúc có hậu: cô bé nghèo nhất thế gian - là chị, như cô Lọ Lem trong cổ tích - khi có được đồng vàng anh trao, chính là cả tấm tình quê hương Quy Nhơn mà bấy lâu anh luôn mang theo, cô gái "Bỗng trở nên giàu có vô cùng".
Quy Nhơn - Đất Mẹ của chồng đã làm chị Nguyễn Thu Hương bỗng trở nên giàu có trong tâm hồn mình, với bao tình cảm… Hóa ra là Mẹ (Đất Mẹ hay Người Mẹ) bao giờ cũng làm cho người tưởng như không thân thiết bỗng trở nên thiết thân hơn, như Xuân Quỳnh đã từng nói: "Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong… Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em".
Nguyễn Thu Hương còn có một bài thơ về "Mùa thu ở Quy Nhơn" cũng ở trong tập thơ trên, với những cảm nhận rất riêng:
"Có một mùa như thế ở Quy Nhơn
Em chầm chậm dưới hàng cây trụi lá
Cuối con đường dẫn ra biển cả
Đôi chim gì tìm tổ đợi sang đông
Lửa chưa tàn trên những cành hoa phượng
Mùa thu trong trên từng cánh hải âu
Những cánh buồm chém vào gió lộng
Biển òa ra ngàn vạn cặp mắt nâu
Áo trắng bay suốt dọc vỉa hè
Chiều gom lại làm ngàn cánh bướm
Lá vàng đi mà anh thì lại đến
Dìu dịu góc trời để thong thả Quy Nhơn
Và hàng cây và biển và anh
Lẫn vào nhau thành mùa thu mới lạ
Em gặp lại thành mùa thu nơi biển cả
Khi từng con sóng trắng xõa trên vai
Em đi trên bờ cát tóc chưa khô
Muối vẫn mặn trên môi như ngàn năm muối mặn
Biển mùa thu chở vào bờ sóng trắng
Đã một mùa như thế ở Quy Nhơn."
|