Đạo diễn truyền hình, nhà báo Trần Minh Đại, tác giả nhiều bộ phim tài liệu truyền hình quen thuộc của VTV như: Đại đội Hồng Gấm, 22 năm 6 tháng, Đất nghèo sinh những anh hùng… vừa từ giã cõi đời để đi vào hư không mãi mãi.
Biết anh Trần Minh Đại đã lâu nhưng mãi đến khi anh vào Quảng Ngãi hồi cuối năm 2002 để làm phim về cuộc hành trình của bức thư kỳ lạ nhất trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ của Đại tá Trần Ngọc Giao, hiện về hưu tại huyện Đức Phổ, tôi mới thật sự quen anh và hiểu anh hơn.
|
Đạo diễn Trần Minh Đại (người đứng thứ 2 mang túi từ phải qua) đang nghe viên quân báo người Mỹ Fred thuyết trình về địa điểm mà ông từng lưu giữ cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm tại sân bay Gò Hội-Đức Phổ, tháng 8-2005. (ảnh: TĐ)
|
Bác Trần Ngọc Giao viết bức thư cho vợ vào tháng 4 năm 1967 tại vùng rừng Trà My tỉnh Quảng Nam. Bức thư ấy, thay vì đến tay vợ ông tại Đức Phổ thì lại lạc sang tận đất Mỹ. Có lẽ trong quá trình chuyển thư, người liên lạc đã bị lính Mỹ sát hại và lấy luôn bức thư ấy. Mãi đến năm 1990, trong chuyến công tác tại Mỹ và ghé thăm một viện bảo tàng - nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật liên quan đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bất ngờ đọc được lá thư này và ông đinh ninh rằng tác giả của bức thư ấy đã hy sinh.
Ông photo bức thư ấy mang về nước và cho đăng báo với một hy vọng mong manh rằng người vợ của tác giả bức thư nọ sẽ nhận được thông tin này. Khi ấy, Đại tá Trần Ngọc Giao đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Quân y 17 Đà Nẵng thì tiếp nhận được thông tin trên qua tờ báo nọ.
Thế mà mãi đến 12 năm sau, cuối năm 2002, nhà văn Nguyễn Quang Sáng mới về được Quảng Ngãi và ghé thăm bác Giao ngay tại Đức Phổ.
Biết được câu chuyện cảm động và hết sức ly kỳ này, đạo diễn Trần Minh Đại đã làm bộ phim tài liệu "22 năm 6 tháng" gây không ít ngạc nhiên cho khán giả. Phim không chỉ đề cập đến quãng thời gian lưu lạc 22 năm 6 tháng trên đất Mỹ của bức thư mà phim còn phản ảnh cuộc trùng phùng đầy cảm động giữa hai người cựu binh - nhà văn Nguyễn Quang Sáng và Đại tá Trần Ngọc Giao.
Với đặc thù của thể loại phim tài liệu truyền hình, việc dựng lại toàn bộ không gian và thời gian sau 22 năm 6 tháng lưu lạc của bức thư là chuyện không hề đơn giản. Ấy thế mà anh Trần Minh Đại đã tái hiện được phần nào chiều kích của câu chuyện cảm động trên để độc giả xem truyền hình có thể nhận ra được sự gian truân của việc tìm về quê hương của bức thư kỳ lạ nọ. Đó cũng là cuộc tìm về đầy nước mắt của hai người lính già đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh.
Câu chuyện thì cảm động nhưng nếu không có tay nghề vững vàng thì không biết lấy hình ảnh đâu để lấp vào khoảng không gian hàng chục ngàn cây số giữa Việt Nam và Mỹ cũng như khoảng thời gian hơn 22 năm lưu lạc của bức thư.
Để đạt được những thành công nhất định khi thực hiện bộ phim này, ngoài vốn sống và sự từng trải sau gần 40 năm cầm máy và làm đạo diễn, anh Trần Minh Đại còn phải là "người trong cuộc" nữa.
Viết về số phận của lá thư ấy cũng là để nói lên số phận của những người lính trong chiến tranh và cũng là số phận của chính mình. Trong quá trình làm phim, tôi mới biết anh Đại từng là phóng viên chiến trường, lăn lộn hầu hết các mặt trận của Khu Năm, mà chủ yếu là địa bàn hai tỉnh Bình Định - Quảng Ngãi. Anh kể tôi nghe có lần anh suýt hy sinh tại ga Lâm Điền (huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) năm 1973 khi quân ta tiến công bọn lính biệt động đang trú quân tại vùng này.
Thời anh Đại về Quảng Ngãi công tác, ở huyện Đức Phổ có đại đội nữ mang tên Hồng Gấm, nổi tiếng trong cả Khu Năm. Anh cùng những nhà báo của Khu Năm đã đi sát mặt trận, ghi lại nhiều hình ảnh cảm động về đại đội nữ anh hùng này. Hôm anh trở lại Trà Câu, huyện Đức Phổ, tôi có dẫn anh đi thăm một số chị nguyên là chiến sĩ của Đại đội Hồng Gấm. Các chị ấy đã không cầm được nước mắt khi gặp lại anh -người phóng viên năm xưa đã không hề chùn bước trước bom đạn của quân thù để theo sát các chị, ghi lại những thước phim nóng bỏng nhất của chiến trường lúc ấy.
Trong các cuộc gặp gỡ với các chị thuộc Đại đội Hồng Gấm cũ, mắt anh Đại luôn nhòe đỏ. Anh khóc cho những người đã từng gắn bó cùng anh nay không còn nữa nhưng cũng chính là khóc cho sự may mắn của mình, khóc cho những đồng đội được trở về sau cuộc chiến nhưng đời sống còn quá nhiều gập ghềnh cơm áo.
Mới đây, tôi lại cùng anh trở lại Phổ Cường - nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng gắn bó trước lúc chị hy sinh. Anh Trần Minh Đại cùng những nhà đạo diễn, phóng viên chiến trường thuộc Tiểu ban Điện ảnh Khu Năm đã trở lại chiến trường xưa sau 30 năm giải phóng. Cả một ký ức trận mạc đã hiện về trong các anh. Gặp lại người xưa, cảnh cũ, anh Đại cùng những đồng đội và đồng nghiệp một thời đã cầm lòng không đậu. Những thước phim mà các anh đã phải đổi bằng máu của mình được ghi tại vùng đất Phổ Cường này, giờ trở thành tài sản vô giá của ngành điện ảnh.
Sau chuyến đi ấy, anh Đại cùng các đồng nghiệp ở Tiểu Ban Điện ảnh Khu Năm lại cho ra mắt bộ phim đầy cảm động, phản ảnh cuộc "tìm về" của viên quân báo người Mỹ Fred Whitehurt - người đã giữ cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm suốt 35 năm qua.
Anh nói với tôi rằng, thế nào rồi anh cũng trở lại Khu V -mảnh đất không phải chôn nhau cắt rốn nhưng lại là một phần máu thịt của đời anh. Trở lại chiến trường xưa là trở lại tuổi thanh xuân đời mình, trở lại để trả món nợ cho đồng đội, đồng chí đã ngã xuống năm xưa, bằng những thước phim của anh. Bao dự định còn đang dở dang thì anh lại ra đi đột ngột, để lại niềm tiếc thương cho bao người.
Tôi vẫn như thấy anh ở đâu đây thật gần với nụ cười hiền lành luôn thường trực trên môi.
|