Nghệ Sĩ Kim Cúc:
"Cô lái đò" hát dân ca
14:20', 25/11/ 2005 (GMT+7)

Năm 1984, với vai diễn cô lái đò trong hoạt cảnh "Chuyến đò nhanh", Kim Cúc đã đoạt huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân ở Đà Nẵng. Từ đó cho đến nay, Kim Cúc vẫn tiếp tục là "cô lái đò" đưa biết bao thế hệ học sinh tìm đến bến bờ dân ca…  

Nghệ sĩ Kim Cúc đang trình bày bài "Lý vọng phu" trong liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc trên sóng phát thanh toàn quốc lần thứ I-1998.

Thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ người cha là nghệ sĩ Tuồng Hề Công (Trịnh Đào Công) nên ngay từ thời còn học phổ thông, Kim Cúc luôn là "ngôi sao" trong các cuộc thi văn nghệ của trường. Năng khiếu này ngày càng được bồi đắp và phát triển trong những năm Kim Cúc theo học ngành Sân khấu truyền thống Dân ca - Bài chòi tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa- Nghệ thuật Nghĩa Bình. Là một trong những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của khóa I cùng với Hoài Huệ, Hồ Thu... nhưng trong khi những người bạn đồng môn của mình về công tác tại đoàn Ca kịch Nghĩa Bình thì Kim Cúc được trường quyết định giữ lại để làm công tác giảng dạy.  

Từ năm 1984 đến nay, Kim Cúc là giáo viên giảng dạy môn Nghệ thuật Sân khấu cổ truyền cho các lớp Dân ca bài chòi từ khóa II đến khóa V và môn hát Dân ca cho chuyên ngành Sư phạm âm nhạc, văn hóa quần chúng ở nhiều khóa học. Cô giáo Kim Cúc luôn được giới chuyên môn đánh giá cao bởi sự cống hiến nghệ thuật đầy tính sáng tạo trong công tác giảng dạy.

Nói về công việc của mình, Kim Cúc cho biết: "Tôi luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu để có đóng góp thật nhiều hơn nữa cho công tác đào tạo thế hệ trẻ. Là người giáo viên, tôi chỉ có một tâm nguyện là các em sinh viên sau khi ra trường sẽ có được việc làm theo đúng ngành học của mình…". Với tinh thần làm việc đầy trách nhiệm và nhiệt huyết đó, năm 2004, Kim Cúc đã được đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Hiệu phó trường Trung học Văn hóa- Nghệ thuật Bình Định.

Tài năng dân ca của Kim Cúc không chỉ được phát huy trong công tác đào tạo mà nó còn tỏa sáng trong những liên hoan nghệ thuật mà cô tham gia. Có chất giọng ngọt ngào cùng khả năng diễn xuất tốt, sở trường của Kim Cúc là diễn những vai bi có tính chất nội tâm. Chính sở trường này đã giúp cho Kim Cúc đoạt huy chương Vàng chuyên nghiệp đầu tiên vào năm 1985, với vai diễn cô sinh viên Tuyết -một người con gái luôn mang tâm trạng chán nản vì cuộc đời có nhiều uẩn khúc- trong vở "Đứa con tội lỗi".

Bộ sưu tập huy chương của Kim Cúc còn tiếp tục "lấp lánh ánh vàng" qua các liên hoan như: Liên hoan Tiếng hát miền biển toàn quốc năm 1982 (huy chương Vàng đơn ca), Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc các trường VHNT năm 1994 (huy chương Bạc đơn ca và huy chương Vàng tam ca), Hội diễn NTQC toàn quốc năm 1997 (huy chương Bạc đơn ca và huy chương Vàng tam ca), Liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc trên sóng phát thanh toàn quốc lần thứ nhất năm 1998 (huy chương Vàng đơn ca)…

Ngoài ra, Kim Cúc còn tích cực tham gia hoạt động ở Chi hội sân khấu Bình Định (là Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), dàn dựng chương trình dân ca cho các phong trào nghệ thuật quần chúng, dạy hát dân ca trên sóng Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Định.

"Tuy dân ca đang ở vào thời điểm khó khăn nhưng nó vẫn sẽ mãi là niềm đam mê của cả cuộc đời tôi. Bằng hoạt động nghệ thuật của bản thân, tôi hi vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống…", Kim Cúc tâm sự.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ Đào Quý Thạnh, Nguyễn Đình Lương  (25/11/2005)
"Long hổ phá thiên môn" - bộ phim võ hiệp kỳ tình  (25/11/2005)
Bước đầu của tôi  (24/11/2005)
60 năm - một chặng đường di sản  (24/11/2005)
Xuất bản giáo trình về ca kịch bài chòi  (24/11/2005)
Trao bằng công nhận cho 46 di tích lịch sử - văn hóa  (24/11/2005)
Nhớ anh Trần Minh Đại  (23/11/2005)
Thơ về Quy Nhơn quê chồng của một nàng dâu người Hà Nội  (23/11/2005)
Khi con tàu ra đi…  (22/11/2005)
Trao giải thưởng Đào Tấn cho Giáo sư Trần Văn Khê  (22/11/2005)
Phong trào văn hóa văn nghệ ở vùng cao Hoài Ân  (22/11/2005)
Múa Chăm - một đặc trưng của văn hóa Chăm  (21/11/2005)
"Dầu cù là đây!", dầu cù là đâu ?  (20/11/2005)
Bến và cầu  (18/11/2005)
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Thị Cúc  (18/11/2005)