Đến 26-11-2005 này, nhà thơ Phạm Hổ bước vào tuổi 80. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Phạm Hổ đã tạo được cho mình một sự nghiệp văn chương phong phú, nhiều giá trị. Ông cũng là một nhà văn rất nặng tình với quê hương.
Nói tới Phạm Hổ, trước hết và căn bản là nói tới một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Hồi kháng chiến chống Pháp, hoạt động ở vùng Nam Trung Bộ, Phạm Hổ đã làm sách Hoa kháng chiến cho thiếu nhi. Những tác phẩm đầu tay của ông thường được nhắc đến là Em Tre, Sáng trăng kể chuyện…
|
Từ phải qua: Tác giả Lê Nhật Ký, nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và nhà giáo Châu Minh Hùng tại nhà riêng của nhà thơ Phạm Hổ năm 2004 |
Hòa bình lập lại, Phạm Hổ tập kết ra Bắc và hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực văn nghệ. Với tinh thần của người nghệ sĩ cách mạng, ông hưởng ứng chủ trương của Đảng, tự nguyện trở thành nhà văn chuyên viết cho các em. Ông thường tâm sự: "Đối với tôi, được sống và viết cho các em đó là cả một niềm hạnh phúc. Tôi thường lấy lòng yêu các em bé của tôi để thể hiện lòng tôi yêu Đảng, yêu nhân dân…".
Bằng tài năng và tâm huyết, ông đã đóng góp cho nền văn học thiếu nhi nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị. Đến nay, ông đã có gần 20 tập thơ, hơn 50 truyện cổ tích, truyện dài, 3 vở kịch… viết cho thiếu nhi. Nhiều tác phẩm của ông được giảng dạy trong nhà trường, được nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích.
Những thành công ở mảng văn học thiếu nhi khiến chúng ta ít để ý tới mảng sáng tác cho người lớn của Phạm Hổ. Ở mảng sáng tác này, ông có non 10 tập thơ và văn. Tuy không có sự thành công đồng đều và nổi trội nhưng không ít những tác phẩm của ông vẫn để lại ấn tượng sâu sắc nơi tâm trí bạn đọc.
Nói đến ông, nhiều người vẫn thường hay nhắc đến bài thơ Những ngày xưa thân ái. Bài thơ này ông viết vào năm 1950 khi đang hoạt động trên chiến trường liên khu V. Tứ thơ được xây dựng từ một tình huống oái ăm của chiến tranh: "Đêm nay gặp hắn/ Tôi bắn hắn rồi". "Hắn" là ai? Là người bạn học thời thơ ấu với biết bao tình thân ái: "Hai đứa tôi/ Sách vở cặp chung/ Áo quần nhàu giấc ngủ/ Song song bước nhỏ chân trần/ Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn/ Nón rộng thòng quai/ Trong túi hộp diêm nhốt dế".
Tuổi thơ êm đẹp ấy đã không đủ sức đưa hai người bước tiếp trên một con đường. "Hắn bỏ làng theo giặc, mấy năm nay". Chiến tranh đã đẩy hai người vào thế đối nghịch, loại trừ. Bởi thế, kết cục của cuộc gặp đêm nay là "tôi bắn hắn", rồi cúi xuống nhìn mặt hắn mà khóc cho thời ấu thơ. "Hắn nằm trên bờ ruộng/ Không phải hắn thuở xưa/ Tôi cúi nhìn mặt hắn/ Khóc hắn thời ấu thơ".
Bài thơ viết bằng một giọng kể đầy cảm xúc, có sức lay động lòng người rất lớn. Không một chút lộng ngôn nhưng bài thơ đủ sức mạnh tố cáo tội ác của chiến tranh.
Xa quê đã nhiều năm, Phạm Hổ rất mong được ít nhất một lần trở về nơi đã cho ông tài năng nghệ thuật và những cảm hứng sáng tạo. Trong sáng tác của ông có khá nhiều bài thơ, truyện ngắn viết về mảnh đất và con người Bình Định. Đọc những sáng tác đó dễ nhận ra tâm hồn ông giàu rung cảm trước những nhọc nhằn, những nỗi khổ của con người quê hương.
Ông cũng đã bằng cách này hay cách khác giới thiệu với bạn đọc gần xa những vẻ đẹp tâm hồn Bình Định mà đặc biệt ở đó là sự nhân hậu. Trong ký ức của ông luôn lấp lánh hình dáng những con người quê hương xứ sở. Khi nhà thơ gặp được một "vật gợi nhớ " là lập tức ký ức ùa về thiết tha, cháy bỏng.
Bài thơ Dáng đi Bình Định là một trường hợp như thế.
Tôi bỗng nhận ra cái dáng đi Bình Định
Trên một người đang rảo bước trước tôi
Cái dáng đi khó mà vẽ được
Càng khó hơn khi miêu tả bằng lời
Chút gì đó như siêu hình, bí ẩn
Nhưng tôi vẫn tin là tôi đoán đúng, thế thôi!
Có phải nó phảng phất dáng đi của bà tôi
Sáng sáng đội rau răm lên chợ
Phảng phất dáng đi của má tôi
Ra chuồng lợn phía sau, xem thử gà đã nở
Hay của những anh chị xóm giềng đi tát nước bờ mương
Hay của các anh dân quân Nhơn Hậu, Nhơn Hưng
Hay của các ông thầy dạy tuồng Gò Bồi, An Thái…
Cái dáng đi lặng thầm vững chãi
Của các nghĩa quân xưa theo Người Anh Hùng áo vải
Gợi chút gì thâm u rừng núi An Khê
Chút gì rất vui như rừng dừa Tam Quan đón gió chiều về
Chút gì hồn nhiên như những người dân chài sống bên biển sóng
Chút gì hoang sơ của những Tháp Chàm: Cánh Tiên, Cánh Nhạn…
Người đi trước tôi, bỗng rẽ một đường quanh rồi biến hẳn
Bây giờ, tôi chỉ còn thấy cái dáng đi Bình Định yêu thương
Trên cái bóng của chính tôi đang di động trên đường…
(1996)
Tình yêu quê hương là một thứ tình cảm cao quý của con người. Ở Phạm Hổ, tình cảm đó đã đạt đến độ sâu sắc, và không ít lần thăng hoa trên đôi cánh của nghệ thuật ngôn từ. Những sáng tác về quê hương đã trở thành một phần đặc sắc trong gia tài nghệ thuật của ông.
Đã vào tuổi 80, tuy thường xuyên bị bệnh tật hành hạ nhưng Phạm Hổ vẫn không buông bút. Năm ngoái, khi tôi cùng bạn đồng nghiệp Châu Minh Hùng, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đến thăm ông tại nhà riêng ở Hà Nội, ông đang cặm cụi làm thơ xuân. Bài thơ Ý nghĩ đầu xuân sau đó đăng trên báo Nhân Dân số Tết lúc đó đang ở dạng bản thảo:
Núi sinh ra để cao
Biển sinh ra để rộng
Sông sinh ra để dài
Hoa sinh ra để đẹpCon người để yêu thương
Không gian có, để vô tận
Thời gian có, để nghĩ suy
Trái đất là cuộc sống
Ngày đêm
Con người nâng trái đất trên tay
Mồ hôi, tiếng hát nên cây, nên nhà.
Đó là những vần thơ được chắt lọc qua năm tháng, giàu tính triết lý mà vẫn hồn hậu, yêu thương. Khi viết những dòng mừng sinh nhật ông, chúng tôi không khỏi thầm mong ông tiếp tục sáng tạo nên những vần thơ giàu tình yêu thương cuộc đời…
|