Văn hóa cồng chiêng - một biểu hiện đặc thù của văn hóa nghệ thuật cổ truyền ở Việt Nam
15:26', 28/11/ 2005 (GMT+7)

Thế là, cùng với vịnh Hạ Long, quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể cố đô Huế, phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, nhã nhạc cung đình Huế, thì văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vừa được UNESCO công nhận (ngày 25-11-2005) là di sản văn hóa thế giới thứ 7 ở nước ta.

 

Người Jơ Rai thường biểu diễn cồng chiêng khi tổ chức các lễ hội có đâm trâu cúng thần.

 

Trong tiến trình lịch sử của các nền văn hóa, nhiều loại hình nghệ thuật được nảy sinh và phát triển rồi suy tàn để nhường chỗ cho loại hình nghệ thuật khác mới hơn. Đó là quy luật chung. Thế nhưng vẫn có những loại hình nghệ thuật đã vượt ra ngoài quy luật chung ấy, tồn tại với thời gian, chứng minh sức sống của nó trước bao dời đổi của tạo vật và thời gian. Cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng chính là một trong những trường hợp hiếm hoi đó.

Cồng chiêng thực sự có mặt trong mọi lễ hội, thâm nhập vào đời sống của tất cả cộng đồng dân tộc Tây Nguyên: tâm thức, tín ngưỡng, sinh hoạt… Nghệ thuật cồng chiêng xuất hiện từ rất xa xưa nhưng còn tồn tại đến ngày nay. Văn hóa cồng chiêng vốn tồn tại ở các nước vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Thế nhưng ở Việt Nam, và nhất là ở các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng dường như còn giữ vai trò âm nhạc và xã hội vốn có từ thưở xa xưa.

Nghệ thuật cồng chiêng ở ta cùng trong dòng chảy của văn hóa Đông Sơn. Do đó nghệ thuật cồng chiêng, một mặt có những nét tương đồng với nghệ thuật này ở một số dân tộc Đông Nam Á, mặt khác lại có những nét riêng, mà theo các nhà nghiên cứu, không ở đâu nghệ thuật cồng chiêng lại có trình độ phát triển như vùng Tây Nguyên của Việt Nam.

Hầu như tất cả các dân tộc ở Tây Nguyên đều có dàn cồng chiêng riêng của mình, song nổi trội hơn cả là Ê Đê, Bah Nar, Jơ Rai, Xơ đăng, Hrê, Mạ, Chăm Hơ roi…

Cồng chiêng ở đây như một tồn tại sống động, hằng ngày rất được đồng bào các dân tộc yêu mến, gìn giữ. Nó như là máu thịt của đồng bào Tây Nguyên. Thật khó mà tìm thấy một sinh hoạt lễ hội nào mà không có âm thanh của cồng chiêng gióng lên.

Vì sao cồng chiêng lại có một vị trí quan trọng, một sức bền với thời gian và sức cuốn hút lớn như thế?

Trước hết sinh hoạt cồng chiêng gắn liền với lễ nghi, phong tục, tín ngưỡng, nghĩa là với nền văn hóa nghệ thuật cổ truyền và đặc thù của mỗi dân tộc. Đó chính là chức năng xã hội và biểu tượng tín ngưỡng của cồng chiêng.

Chức năng xã hội của cồng chiêng thể hiện ở điểm: cồng chiêng là nhạc cụ chủ yếu trong đời sống dân tộc, nó có mặt hầu hết trong các lễ hội, những sinh hoạt trọng thể của người dân: cầu mưa, cầu an, cơm mới, lễ thành niên, lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ chiến thắng…

Theo tín ngưỡng của bái vật giáo, trong mỗi chiêng cồng đều có thần (yang chinh, yang chênh). Chiêng càng cổ xưa, càng to lớn, đầy đặn thì càng thiêng và sức mạnh của thần càng lớn. Người nào có nhiều chiêng không chỉ là giàu có vì của cải mà hơn thế, là người có sức mạnh, uy quyền thần thánh, người ấy là bạn của thần chiêng.

Đam San (Sử thi Đam San) được miêu tả là một "tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn nhiễu vai mang nải hoa" và uy quyền "danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nói..." vì nhà Đam San có "chiêng hàng trăm đã mua, cồng hàng ngàn đã sắm."

 

Múa cồng chiêng vui hội được mùa của đồng bào Mơ Nông (Đắc Lắc).

 

Với tín ngưỡng này, đồng bào tin rằng, tiếng chiêng là "ngôn ngữ" mà thông qua đó, đồng bào dân tộc nói chuyện với thần thánh, với các lực lượng siêu nhiên, với tổ tiên. Cũng ý nghĩa trên, khi xưa, buôn làng nào thua trận phải nộp cho kẻ thắng trận toàn bộ chiêng cồng của buôn làng mình.

Nghệ thuật cồng chiêng rất đa dạng, phong phú không những về mặt tiết tấu mà còn ở các mặt giai điệu, hòa âm, nghệ thuật trình tấu kết hợp với nhảy múa dân gian. Bài bản cồng chiêng được sáng tác dành riêng cho từng lễ hội hay sinh hoạt nào đó, và không lẫn lộn, đã làm nghệ thuật cồng chiêng thêm đa dạng. Ví dụ, người ta không dùng bài cồng chiêng đánh trong đám cưới vào lễ hội đâm trâu hay ngược lại.

Sức diễn cảm của các bài bản cồng chiêng khá rõ nét. Chiêng tang lễ chậm rãi, thánh thót; chiêng cưới vui nhộn; chiêng đâm trâu thúc giục, trầm hùng… Thêm nữa mỗi dân tộc một tính cách, một tâm hồn được lột tả đầy đủ trong ngôn ngữ cồng chiêng. Giai điệu tuyệt đẹp của chiêng A-ráp Jơ Rai, ngân nga trầm hùng của chiêng Bah Nar, mạnh mẽ dữ dội của chiêng Ê Đê, vui tươi rộn ràng là chiêng Xơ Đăng, Ka Dong, thủ thỉ, âm u là chiêng Mơ Nông, Mạ…

Cồng chiêng có từ ngàn xưa, là một yếu tố bền vững, cấu thành trên cơ sở văn hóa nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Chúng ta có quyền nói đến một thứ văn hóa: văn hóa cồng chiêng trong dòng chảy văn hóa Việt từ ngàn xưa đến tụ hội hôm nay…

Và hôm nay, nó lại hòa vào dòng chảy chung của đại dương văn hóa thế giới qua việc UNESSCO tôn vinh văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa thế giới.

  • Trần Xuân Toàn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thầy Quyền  (28/11/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (27/11/2005)
Phạm Hổ, vào tuổi 80   (25/11/2005)
"Cô lái đò" hát dân ca   (25/11/2005)
Thơ Đào Quý Thạnh, Nguyễn Đình Lương  (25/11/2005)
"Long hổ phá thiên môn" - bộ phim võ hiệp kỳ tình  (25/11/2005)
Bước đầu của tôi  (24/11/2005)
60 năm - một chặng đường di sản  (24/11/2005)
Xuất bản giáo trình về ca kịch bài chòi  (24/11/2005)
Trao bằng công nhận cho 46 di tích lịch sử - văn hóa  (24/11/2005)
Nhớ anh Trần Minh Đại  (23/11/2005)
Thơ về Quy Nhơn quê chồng của một nàng dâu người Hà Nội  (23/11/2005)
Khi con tàu ra đi…  (22/11/2005)
Trao giải thưởng Đào Tấn cho Giáo sư Trần Văn Khê  (22/11/2005)
Phong trào văn hóa văn nghệ ở vùng cao Hoài Ân  (22/11/2005)