Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư lớn của Trung ương và tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định đã có chuyển biến rõ rệt. Điều đáng mừng là trong đời sống văn hóa tinh thần, những chuẩn mực về chính trị, về tư tưởng đạo đức trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được giữ vững và một số mặt phát triển.
|
Tại một Lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi. Ảnh: V.T
|
Tuy nhiên, trong khi tự hào với truyền thống, khẳng định những tiến bộ đã đạt được, chúng ta cũng không thể phủ nhận những mặt yếu kém thời gian qua. Trong suy nghĩ, trong hoạt động cũng như trong lãnh đạo, quản lý văn hóa, hình như chúng ta vẫn còn chủ quan, lơi lỏng. Âm nhạc, phim ảnh… không lành mạnh đang tràn ngập thị trường đã ảnh hưởng không ít nam nữ thanh niên dân tộc thiểu số. Trong khi đó, những điệu múa, bài hát dân ca, các hoạt động nghệ thuật dân gian lại đang dần dần bị mai một.
Văn hóa - nghệ thuật đồng bào các dân tộc thiểu số như Ba na, Chăm H’roi, H’re ở tỉnh Bình Định rất phong phú và đa dạng. Có những bài roi (chuyện kể), hơamon (sử thi) hát hai, ba ngày chưa hết. Đến những bài hát ru, bài kachoi, kơliêu của người H’re, bài pơ nhông, hri của người Ba na là những khúc hát trữ tình, lắng sâu lòng người; rồi những bài ca về sản xuất, chiến đấu, tình yêu… ngắn gọn, dễ hiểu nhưng tình tứ, ví von, bay bổng, rộn ràng. Những lời ca, điệu hát dân gian đó như một thứ của cải quý giá vẫn nằm im trong lòng đồng bào.
Nói đến tiềm năng hay kho tàng văn hóa, nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số trong tỉnh, phải kể đến tài năng của những nghệ nhân, họ là những cụ ông, cụ bà đã ngoài 60, 70 tuổi, rất giỏi về trí nhớ, vẫn giữ và truyền miệng được những di sản văn hóa quý giá của dân tộc mình cho các thế hệ kế tiếp. Thiết nghĩ, không có những nghệ nhân đó, chúng ta không thể nói đến việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, chấn hưng văn hóa truyền thống được. Các nghệ nhân là vốn quý hiếm của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, họ mất đi là để lại khoảng trống không có gì bù đắp được. Thời gian qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian bỏ công điền dã, sưu tầm, nhưng vẫn chưa thu nhặt được bao nhiêu trong kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ và quý giá đó.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng như ngành văn hóa thông tin cùng với các hội nghề nghiệp xã hội cần có kế hoạch cụ thể tổ chức nghiên cứu, sưu tầm văn hóa - văn nghệ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh một cách khẩn trương, có hệ thống, khoa học, cho cả trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đó có kế hoạch bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ V BCH Trung ương Đảng khóa VIII. Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực nhằm động viên, khuyến khích các nghệ nhân tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, tích cực tuyên truyền và truyền đạt những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình cho con cháu các thế hệ hôm nay và mai sau.
Mặt khác, mặt bằng dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh hiện nay tuy đã được nâng cao rất nhiều nhưng vẫn còn hạn chế. Do đó, cần có kế hoạch trong công tác đào tạo, bồi dưỡng có hệ thống cho những năm trước mắt và lâu dài; có chính sách thỏa đáng nhằm động viên khuyến khích thu hút và tạo nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ là cán bộ các dân tộc thiểu số, từng bước có đủ sức đáp ứng nhu cầu đòi hỏi với sự phát triển của nền văn hóa - nghệ thuật trong tình hình hiện nay.
|
Dệt thổ cẩm, nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số miền núi. Ảnh: V.T
|
Điều đáng quan tâm khác là cần củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống tổ chức mặt trận, các đoàn thể để tham gia tích cực vào các hoạt động chống các hủ tục không lành mạnh, mê tín dị đoan; đồng thời tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa - văn nghệ trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Nâng cao chất lượng hoạt động trong công tác tuyên truyền của các ngành thông tin đại chúng. Thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" để từ đó, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, trong đó có cả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục hoàn chỉnh chữ viết của ba dân tộc Ba na, Chăm và H’re trong tỉnh. Cần có quy định cán bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể công tác trong vùng phải biết nói tiếng dân tộc ở các địa phương đó. Các cháu học sinh là con em các dân tộc đang học trong nhà trường phải được học song ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để biết nói, biết viết chữ dân tộc mình. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của ông cha để lại. Ngoài ra, cũng cần chú ý nâng cao hơn nữa chất lượng của các chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng dân tộc.
|