Giá trị tiếng cười trong bài ca dao Thằng Bờm
14:20', 29/11/ 2005 (GMT+7)

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, có lẽ ai cũng biết, thậm chí còn thuộc, bài ca dao Thằng Bờm bởi câu chuyện thằng Bờm rất ngộ nghĩnh, đáng yêu!

Mới đọc qua bài Thằng Bờm, người ta hình dung ngay nhân vật chính là một cậu bé ngốc nghếch, dễ bị lừa phỉnh. Trong bài duy nhất chỉ có hai nhân vật là: thằng Bờm và phú ông với hai tính cách hoàn toàn khác nhau. Đầu mối câu chuyện là cái quạt mo của thằng Bờm mà phú ông rất thích. Không những muốn chiếm đoạt cái quạt mo mà phú ông còn muốn châm chọc cái tính khờ khạo của thằng Bờm!

Chúng ta thử xem cuộc đổi chác này ra sao, phú ông có thuyết phục được Bờm lấy cái quạt mo hay không?

Nếu đọc kỹ bài ca dao, chúng ta sẽ thấy nhiều từ ngữ được lặp đi lặp lại. Có năm lần "phú ông xin đổi..." và bốn lần "Bờm rằng Bờm chẳng...". Những điệp ngữ đó cho thấy cuộc đổi chác rất là ngộ nghĩnh, khiến người đọc phải bật cười.

Thằng Bờm

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chíntrâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười!.

Thái độ của phú ông nhiệt tình bao nhiêu thì Bờm lại tỏ vẻ không cần thiết, đủng đỉnh bấy nhiêu. Hết thứ này đến thứ khác (mà toàn những thứ có giá trị lớn gấp ngàn vạn) phú ông đã đưa ra để xin đổi lấy cái quạt mo nhưng rồi phú ông chỉ nhận lấy cái lắc đầu của Bờm.

Vật đổi chác cái quạt mo đầu tiên là "ba bò chín trâu", không được, phú ông lại tiếp tục "ao sâu cá mè", không được, phú ông vẫn không nản lòng mà tiếp tục mặc cả với "bè gỗ lim", rồi lại "chim đồi mồi"... Nhưng tinh ý sẽ thấy, giá trị vật muốn đổi của phú ông càng lúc càng thấp. Thường khi đổi chác người ta hay đem những giá trị thấp ra trước, sau mới đến cái giá trị lớn hơn. Ở đây thì ngược lại. Nhưng tác giả dân gian vẫn để cho Bờm nén cười và chối từ tất cả. Đến khi phú ông xin đổi "nắm xôi", lúc bấy giờ Bờm không thể nhịn được nữa, mới bật ra tiếng cười.

Vì sao Bờm lại cười, phải chăng cười vì cái phi lí trong tư duy của phú ông, cười vì cái vật đem ra đổi chác nó không cân đối về mặt giá trị ? May ra chỉ có nắm xôi mới bằng giá trị cái quạt mo mà thôi.

Bờm không tham, bởi Bờm chẳng có gì ngoài cái quạt mo để bầu bạn nhất là trong những buổi trưa hè. Cái quạt mo dẫu mộc mạc, giản đơn nhưng đầy tình thân thiết, lẽ nào Bờm lại đổi quạt đi.

Bài ca dao Thằng Bờm càng đọc càng thấy sâu sắc là vậy.

Bằng sự tinh tế, tác giả dân gian đã xây dựng nên hình tượng giữa hai con người đối nghịch nhau trong xã hội thật là độc đáo! Cái ngờ nghệch của thằng Bờm làm sao chống lại cái thế lực của phú ông. Thế mà phú ông lại không thể khuất phục thằng Bờm để đổi lấy cái quạt mo.

Ngẫm nghĩ mà khen thằng Bờm !

  • Nguyễn Dũng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Góp bàn mấy giải pháp bảo tồn, chấn hưng văn hóa các dân tộc thiểu số  (29/11/2005)
Văn hóa cồng chiêng - một biểu hiện đặc thù của văn hóa nghệ thuật cổ truyền ở Việt Nam  (28/11/2005)
Thầy Quyền  (28/11/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (27/11/2005)
Phạm Hổ, vào tuổi 80   (25/11/2005)
"Cô lái đò" hát dân ca   (25/11/2005)
Thơ Đào Quý Thạnh, Nguyễn Đình Lương  (25/11/2005)
"Long hổ phá thiên môn" - bộ phim võ hiệp kỳ tình  (25/11/2005)
Bước đầu của tôi  (24/11/2005)
60 năm - một chặng đường di sản  (24/11/2005)
Xuất bản giáo trình về ca kịch bài chòi  (24/11/2005)
Trao bằng công nhận cho 46 di tích lịch sử - văn hóa  (24/11/2005)
Nhớ anh Trần Minh Đại  (23/11/2005)
Thơ về Quy Nhơn quê chồng của một nàng dâu người Hà Nội  (23/11/2005)
Khi con tàu ra đi…  (22/11/2005)