Lời quê chắp nhặt…
9:53', 4/12/ 2005 (GMT+7)

Cầm trên tay tuyển "Thơ tình lục bát" (Nhiều tác giả - Đặng Quốc Khánh và Lê Bá Duy tuyển chọn - NXB Đà Nẵng 2005), tôi lần giở những trang tâm tình, như được gặp những gương mặt thơ khắp mọi miền đất nước. Thời gian kết đọng thành bao kỷ niệm, để cất lên thành tiếng ngọt ngào thương mến trong điệu thơ đậm hồn dân tộc.

Từ cái nôi ân tình dân dã, đã biết bao người tìm về với lục bát để ngỏ nỗi niềm. Nhưng để làm được một tuyển tập đầy đặn thì quả là không dễ khi sức lực và thời gian có hạn, khi những người biên tập cũng chỉ xuất phát từ tình yêu với lục bát lời quê.

Niềm riêng mở ngỏ, còn chút gì đọng lại chăng? Ngày xưa cụ Nguyễn Tiên Điền viết khúc đoạn trường nàng Kiều, cũng chỉ dám khiêm tốn:

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh

Có lẽ những người làm tuyển cũng không tham vọng có những bài thơ "để đời", chỉ cốt qua vần điệu lục bát để có một chốn giãi bày tâm sự mà thôi. Bốn mươi ba tác giả, mỗi người bốn bài, một giọng lục bát, bao nhiêu miền đời, bao nhiêu kỷ niệm cứ thế hiện lên: điệu buồn phương Nam, điệu ru Bắc bộ, điệu lý lơi miền Trung, tình yêu, tình bạn, tình quê hương đất nước, chuyện đời, chuyện mình…

Cảm động hơn cả và có lẽ cũng thích hợp với âm điệu lục bát là những bài thơ viết về quê hương, bởi lẽ bản thân thể thơ này vốn đã mang sẵn chút hương đồng gió nội, với hồn quê thơm thảo:       

Sông thơ lơi lả câu cười

Bước quê cuối đất cùng trời… vẫn quê

(Phan Thành Minh)

Người-nhà-quê có sẵn trong tâm thức của những người thơ khi tìm về cùng lục bát. Ý thức cội nguồn rất mạnh trong mỗi tâm hồn Việt Nam làm nên những lời đắng đót thương chốn quê nghèo, nhớ dáng người quê lam lũ để thành lời ân hận xót xa khi trải kiếp ly hương, ly nông. Có những lời thật thấm thía:

Mất tháng mười, ngóng tháng ba

Đáy đồ giáp hạt, sân nhà nắng hong

Một đời hết cấy lại trồng

Đầu mùa gieo, cuối vụ không gặt gì…!

(…)

Chừ cơn túng khó qua rồi

Khói hương xúm xít nhau ngồi… nhớ cha!

(Ngày giỗ - Nguyễn Đức Dũng)

Ký ức còn hằn nguyên vết cơn lũ, còn nao nao tiếng quê đậm đà tình cố xứ, một đường quê thân thuộc… Tôi chợt nhận ra một điều, trong tuyển tập này có biết bao người đã trải qua cảnh đất khách quê người, nỗi niềm ly hương đọng lại bao vần thơ lắng buồn ký ức. Để có người phải khát khao: "Tôi đi mót lại một chiều/Gió mơn cành trúc, cánh diều tung cao" (Nguyễn Văn Hóa). Có phải vì thế mà tình yêu trong tập thơ này cũng ám ảnh bao nhiêu dang dở, muộn màng, cái "tình trong giây phút mà thành thiên thu" (Xonnê D'Arve)?

Thơ tình lục bát không có nhiều tứ mới, nhưng tình thơ nhiều bài đã đạt đến độ chín, có sự trải nghiệm của thời gian đời người, của thú đau thương hằn sẹo. Có người thuộc thế hệ những năm 30 vẫn cứ nồng nàn tiếc một lời ru: "Thôi đành! Em của người ta/Riêng lời ru ấy vẫn là của anh (Đặng Phúc Hải); hay có những vần tình tứ gợi nhắc ca dao: "Còn duyên buôn quế bán hồi/Hết duyên lá bưởi nhóm phơi ngoài đồng…" (Nguyễn Khôi).

Thế hệ sinh khoảng 40, 50 tập hợp đông đảo trong tập thơ này, khá nhiều người là hội viên các hội VHNT, hội viên hội nhà văn các tỉnh. Cấu tứ, hình tượng tỏ ra khá chắc tay, "có nghề". Mà cũng lạ, tuổi đã làm ông, làm bà rồi mà vẫn ngọt đến thế! Hóa ra, lục bát cũng dễ làm say người lắm. Hãy thử nghe: "Thương người bỏ hẹn, quên thề/Đành đam mê, cứ đam mê… nỗi buồn (Từ Khánh Phượng); "Tặng em một đóa dã quỳ/ Nửa vần thơ đắng lỡ thì trắng tay" (Đặng Quốc Khánh)…

Độ tuổi này cũng có những suy ngẫm nhân sinh sâu sắc nhất, cảm hứng mở ra từ một trang Kiều, một cuộc tao phùng bên chén rượu đời, một bước ngoặt cuộc đời. Thì ra lục bát cũng là nơi con người có thể bình thản chiêm nghiệm chính mình: "Đò đưa sang bến đã nhiều/ Tuổi cao sức mỏi tay chèo, tay bơi/Đường chiều thăm thẳm mù khơi/ Vườn rau hoa kiểng vui đời về hưu" (Phạm Văn Luận); "Ta đem thương nhớ ra hong/ Phơi khô ký ức để đong thật đầy" (Nguyễn Một)…

Sung sức và nồng nàn nhất vẫn là những cây bút đã qua ranh giới "tam thập nhi lập" để bước vào độ tuổi "tứ thập nhi bất hoặc". Những lời thơ đằm thắm nhất, lả lướt nhất và cũng nhiều sầu thương hờn giận nhất là ở tuổi này, có lẽ trong số họ còn bao người đang yêu, đã đôi lần nếm vị đắng nên thèm biết bao vị ngọt hạnh phúc…

Tôi chợt nhớ một ý kiến "Thơ là một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu", không thể nhớ rõ là của ai nhưng quả là rất đúng khi được gặp mảng thơ những người cùng thế hệ với mình. Và chợt giật mình khi đã mạo muội đưa ra những lời phán xét thơ của các bậc cha chú, đàn anh. Để không khỏi có cảm giác mình thật dài dòng và… vô duyên!

Điều chưa ưng ý ở tập thơ có lẽ là còn thiếu vắng nhiều "bóng hồng", nên không khỏi chạnh lòng nghĩ đến cảnh ngồi đọc thơ tình cho nhau mà chỉ trơ ra mấy anh đàn ông e chừng cũng… suông cả thơ đi! Cứ như cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy - Thạch Thảo nói "Lời yêu chưa đủ ngát say ngõ tình", để mà mong…

Nhưng thôi, nói nữa làm gì, khi đa mang cùng với thơ, với tình thì lúc nào trái tim lại chịu nằm yên. Nên thơ cứ mải miết đi tìm bóng hình tri kỷ giữa đời này. Neo đậu bến tình lục bát, liệu những con-thuyền-thơ xuyên Việt có nhận ra nhau?

  • Trần Hà Nam
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đào Tiến Đạt đoạt danh hiệu "Nhà nhiếp ảnh năm 2005"  (02/12/2005)
Tôi đi chợ  (02/12/2005)
"Mộng bá vương" lên truyền hình  (01/12/2005)
Thơ Văn Trọng Hùng  (01/12/2005)
Phim 24h phá án: Kẻ thù không xa lạ  (30/11/2005)
Giá trị tiếng cười trong bài ca dao Thằng Bờm  (29/11/2005)
Góp bàn mấy giải pháp bảo tồn, chấn hưng văn hóa các dân tộc thiểu số  (29/11/2005)
Văn hóa cồng chiêng - một biểu hiện đặc thù của văn hóa nghệ thuật cổ truyền ở Việt Nam  (28/11/2005)
Thầy Quyền  (28/11/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (27/11/2005)
Phạm Hổ, vào tuổi 80   (25/11/2005)
"Cô lái đò" hát dân ca   (25/11/2005)
Thơ Đào Quý Thạnh, Nguyễn Đình Lương  (25/11/2005)
"Long hổ phá thiên môn" - bộ phim võ hiệp kỳ tình  (25/11/2005)
Bước đầu của tôi  (24/11/2005)