Khôi phục trò đánh bài chòi trong dịp Tết
7:41', 5/12/ 2005 (GMT+7)

Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, mỗi năm Tết đến, xuân về, nhân dân ta thường tổ chức các trò chơi dân gian, trong đó có trò chơi đánh bài chòi rất được nhiều người ham thích và hưởng ứng.

Cách tổ chức trò chơi đánh bài chòi như sau: Trên một khoảnh đất rộng hoặc trên sân đình, sân trường học, dựng 9 chòi nho nhỏ gồm một chòi trung ương nằm giữa và 8 chòi ở hai bên, mỗi bên 4 chòi đối diện nhau. Sân khấu ở giữa có dựng một ống tre đựng thẻ dán các con bài. Người chơi ngồi trên chòi.

Chú Hiệu, tức người phát và hô tên thẻ bài thì ở giữa sân khấu. Có thể một hoặc nhiều chú Hiệu càng tốt. Người ta thường dùng bộ bài tam cúc gồm 27 cặp để chơi. Tất cả các con bài đều dán trên thẻ tre, mỗi thẻ dán một con. Bộ bài được chia làm hai phần bằng nhau về số lượng và giống nhau về tên các con bài; một phần chân thẻ được nhuộm đỏ, phần kia nhuộm xanh.

Đem một phần (xanh hay đỏ) chia cho 9 chòi, mỗi chòi 3 thẻ bài; phần kia đem cắm vào ống tre ở giữa sân khấu. Mỗi thẻ bài đều có tên như nhất Nọc, nhì Nghèo, ba Gà, tứ Tượng, ngũ Dít, lục Chạng, thất Vung, bát Bồng, cửu Điều… Ông Ầm, Bạch Huê, Đổ Ruột…

Những người đánh bài chòi đều phải đóng một số tiền bằng nhau do ban tổ chức quy định. Trong 9 phần tiền của 9 chòi, dành một phần bỏ xâu, 8 phần còn lại chia làm 8 ván chơi. Sau khi phát xong thẻ bài cho 9 chòi chơi thì tiếng trống kèn nổi lên. Chú Hiệu đến rút thẻ bài nơi ống tre, theo tiếng kèn, nhịp trống, chú hô một câu có ý nghĩa khớp với con bài rút được, vừa hô vừa làm điệu bộ.

Ví như rút được con ba Gà thì chú hô: "Mình vàng bận áo mã tiên, Ngày ba bốn vợ, tối nằm riêng một mình", hay thẻ nhì Nghèo thì hô: "Ngày thường thiếu áo, thiếu cơm, Đêm nằm không chiếu, lấy rơm làm giường. Dù dơi, dép bướm chật đường, Màn loan, gối phượng ai thương thằng nghèo?".

Hô xong câu vè, chú Hiệu mới xướng tên con bài. Chòi nào có con bài giống tên con bài chú Hiệu xướng thì đánh hai tiếng mõ lốc cốc, chú Hiệu đem bài đến trao. Chòi nào ăn đủ ba con bài là tới thì đánh một hồi mõ. Chú Hiệu mang khay tiền và cờ đuôi nheo xanh đỏ đến trao cho chòi thắng cuộc cắm cờ trước chòi.

Xong, chú lại đến từng chòi thu thẻ bài cũ, phát thẻ bài mới để tiếp tục chơi ván khác. Mỗi chú Hiệu phải thuộc một vài trăm câu vè đã đặt sẵn nhằm bảo đảm rút được con bài nào thì hô câu vè thích hợp. Chú Hiệu nào hô hay, điệu bộ duyên dáng, hấp dẫn thì được người chơi bài và người xem thưởng tiền.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta vẫn sử dụng cách đánh bài chòi cũ, nhưng các câu hô của chú Hiệu thì được cải biên theo nội dung mới như cổ vũ tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm nghĩa vụ tòng quân, phục vụ tiền tuyến, nộp thuế nông nghiệp, đi dân công, học bình dân học vụ, bài trừ mê tín dị đoan, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng đời sống mới…

Thiết nghĩ, ngày nay nếu ta tổ chức trò chơi đánh bài chòi trong dịp Tết có cải tiến về bộ bài và những câu hô mang tính giáo dục thì đây là một hình thức vui chơi giải trí lành mạnh mang tính tuyên truyền văn nghệ thấm sâu lòng người đem lại hiệu quả cao.

  • Anh Nguyễn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lời quê chắp nhặt…  (04/12/2005)
Đào Tiến Đạt đoạt danh hiệu "Nhà nhiếp ảnh năm 2005"  (02/12/2005)
Tôi đi chợ  (02/12/2005)
"Mộng bá vương" lên truyền hình  (01/12/2005)
Thơ Văn Trọng Hùng  (01/12/2005)
Phim 24h phá án: Kẻ thù không xa lạ  (30/11/2005)
Giá trị tiếng cười trong bài ca dao Thằng Bờm  (29/11/2005)
Góp bàn mấy giải pháp bảo tồn, chấn hưng văn hóa các dân tộc thiểu số  (29/11/2005)
Văn hóa cồng chiêng - một biểu hiện đặc thù của văn hóa nghệ thuật cổ truyền ở Việt Nam  (28/11/2005)
Thầy Quyền  (28/11/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (27/11/2005)
Phạm Hổ, vào tuổi 80   (25/11/2005)
"Cô lái đò" hát dân ca   (25/11/2005)
Thơ Đào Quý Thạnh, Nguyễn Đình Lương  (25/11/2005)
"Long hổ phá thiên môn" - bộ phim võ hiệp kỳ tình  (25/11/2005)