Đời thừa (*) - Một tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao
10:22', 6/12/ 2005 (GMT+7)

 Nhà văn Nam Cao

Đời thừa là tác phẩm gắn với những trăn trở của Nam Cao - cây bút hiện thực luôn đấu tranh vượt lên chính mình. Cốt truyện xoay quanh những xung đột nội tâm của nhà văn Hộ - một người luôn ý thức tình trạng "sống thừa" trong sự nghiệp văn chương và trong đời sống gia đình.

Đề tài người trí thức nghèo trong xã hội cũ ở các tác phẩm của Nam Cao luôn đặt trong cái nhìn đầy suy tư về thiên chức nghệ sĩ, về xung đột giữa cái đẹp với đời thường cơm áo gạo tiền. Suy cho cùng, những vấn đề của tác phẩm đã vượt qua ý nghĩa phê phán xã hội thông thường hướng tới một ám ảnh dường như trở thành định mệnh với người nghệ sĩ: cái nghèo và sáng tạo nghệ thuật.

Nhân vật Hộ đã chia sẻ cảm xúc ấy với Từ - vợ anh: "… tôi mê văn quá nên mới khổ. Ấy thế, mà tuy khổ thì khổ thật nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi". Cái khổ - hiểu theo cách của người nghệ sĩ sáng tạo, không nằm ở những giá trị vật chất ("hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất" và "Đói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng").

Điều Nam Cao muốn nhấn mạnh trong Đời thừa chính là chỗ đứng của người nghệ sĩ giữa cuộc đời. Nghệ sĩ cũng là con người, với những nhu cầu vật chất thiết thân và những mối quan hệ ràng buộc: gia đình, xã hội. Khi Hộ phải điên người lên xoay tiền nuôi vợ con, Nam Cao đã để cho nhân vật nghĩ đến một giải pháp thỏa hiệp: "Ta đành phí đi một vài năm để kiếm tiền. Khi Từ đã có một số vốn con để làm ăn". Nhưng trong sáng tạo, thỏa hiệp đồng nghĩa với đánh mất mình, và Hộ đã phải trả giá khi đón nhận những đứa-con-tinh-thần èo uột. Lời sỉ mắng Hộ dành cho chính mình thật thấm thía: "Sự  cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồ. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện!". Suy nghĩ ấy đặt vào hoàn cảnh hiện nay hẳn làm không ít người phải giật mình.

Xung đột gay gắt âm thầm của nhân vật đã bùng nổ thành đoạn cao trào khi Hộ gặp hai người bạn văn giữa lúc đang nghĩ đến nghĩa vụ của một ông chủ gia đình tốt. Tột cùng của khát vọng chưa thành đã làm nên phát ngôn đầy hứng khởi khi Hộ vì chuyện văn chương, quên hẳn vợ con,… đỏ tai, giộng một cái vỏ chai bia xuống mặt bàn khẳng định: "Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn (…) làm cho người gần người hơn" và cụ thể hóa một cách bốc đồng: "Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu!". Đó là nhu cầu tự khẳng định chính đáng. Nhưng trớ trêu thay, nhân vật lại tự phủ định chính mình ngay sau đó bằng hành động đánh đuổi vợ con ra khỏi nhà, chà đạp lên chính nguyên tắc tình thương của mình.

Nam Cao đã gửi vào Đời thừa rất nhiều suy tư của người nghệ sĩ chân chính trước cuộc sống. Khi kết thúc tác phẩm bằng giọt nước mắt ân hận của Hộ và vòng tay ôm chồng dịu dàng của Từ - khoảnh khắc "người gần người hơn", phải chăng nhà văn muốn đưa ra một cảnh tỉnh của cuộc sống với tâm hồn nghệ sĩ; đồng thời nhà văn cũng hướng về người đọc, mong tìm thái độ bao dung cho những con người luôn phải đối mặt với bi kịch của khát vọng… Ý nghĩa Tuyên ngôn nghệ thuật là thế chăng?

  • Trần Hà Nam

(*) Giảng dạy trong chương trình văn học lớp 11

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khôi phục trò đánh bài chòi trong dịp Tết  (05/12/2005)
Lời quê chắp nhặt…  (04/12/2005)
Đào Tiến Đạt đoạt danh hiệu "Nhà nhiếp ảnh năm 2005"  (02/12/2005)
Tôi đi chợ  (02/12/2005)
"Mộng bá vương" lên truyền hình  (01/12/2005)
Thơ Văn Trọng Hùng  (01/12/2005)
Phim 24h phá án: Kẻ thù không xa lạ  (30/11/2005)
Giá trị tiếng cười trong bài ca dao Thằng Bờm  (29/11/2005)
Góp bàn mấy giải pháp bảo tồn, chấn hưng văn hóa các dân tộc thiểu số  (29/11/2005)
Văn hóa cồng chiêng - một biểu hiện đặc thù của văn hóa nghệ thuật cổ truyền ở Việt Nam  (28/11/2005)
Thầy Quyền  (28/11/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (27/11/2005)
Phạm Hổ, vào tuổi 80   (25/11/2005)
"Cô lái đò" hát dân ca   (25/11/2005)
Thơ Đào Quý Thạnh, Nguyễn Đình Lương  (25/11/2005)