Tỏa sáng cùng Sao Mai
7:39', 8/12/ 2005 (GMT+7)

Sao Mai 2005 đã đi gần được 2/3 chặng đường. Chưa phải là lúc tổng kết, nhưng từ kết quả của hai đêm chung kết đã diễn ra, chúng ta đã có thể có vài nhận xét bước đầu...

 

      Đêm chung kết Sao Mai dòng nhạc dân gian. Ảnh: VNN

 

* Ba miền, ba đẳng cấp

Nhìn vào cục diện của cả ba miền thì chúng ta dễ dàng nhận thấy ưu thế nghiêng hẳn về các thí sinh miền Bắc bởi tính chuyên nghiệp về kỹ thuật và phong cách biểu diễn.

Ngay từ vòng đầu, có người đã so sánh, nếu ở phía Bắc, đó là buổi "báo cáo tốt nghiệp" của dân nhạc viện, ở miền Trung là buổi "thi đầu vào", thì đêm chung kết khu vực phía Nam là "bài kiểm tra giữa kỳ". Thật vậy, ưu thế nghiêng hẳn về các thí sinh miền Bắc, nhất là ở dòng thính phòng, cổ điển và nhạc nhẹ bởi họ có kỹ thuật tốt và có kinh nghiệm biểu diễn.

Điều dễ nhận thấy nhất ở các thí sinh nhạc nhẹ miền Nam là sự trẻ trung, thiên về hình thức, phong cách đa dạng và đặc biệt là tuổi đời còn rất trẻ. Họ có thừa sự tươi tắn nhưng lại thiếu đi phần quan trọng nhất là sự truyền cảm khi thể hiện bài hát. Kết quả này cũng phản ánh đúng thực tế của "diện mạo" nhạc nhẹ thành phố Hồ Chí Minh khi đã quá thiên về âm nhạc thị trường, thiên về trình diễn mà thiếu cái chiều sâu, sự tinh tế cần phải có.

Ở dòng nhạc thính phòng, hẳn nhiên, với sự vượt trội cả về chất giọng, kỹ thuật và phong cách cùng với bản lĩnh tự tin của Hoàng Thái, Tuấn Anh, Tiến Lợi (khu vực miền Bắc) thì sự bứt phá của các giọng ca hai khu vực miền Nam và miền Trung là hết sức khó khăn. Và quả thật, đêm chung kết đầu tiên dành cho dòng nhạc thính phòng cổ điển, 3 số báo danh sẽ đi đến vòng toàn quốc đều đến từ phía Bắc.

Trong cả 3 dòng nhạc thì dòng dân gian có vẻ "lép" ở cả 3 khu vực bởi có quá ít giọng hát xuất sắc.

Nhìn lại "lịch sử" Sao Mai, chúng ta thấy trừ Thanh Sử, Thanh Thúy của miền Nam, còn lại các giải cao nhất đều thuộc về các thí sinh miền Bắc như Trọng Tấn, Lan Anh, Phương Nga, Hồng Vy, Hoàng Tùng, Ngọc Khuê, Khánh Linh. Họ là những học sinh, sinh viên thanh nhạc của các trường nghệ thuật ở Hà Nội.

* Chọn an toàn thì không bứt phá ?

Sự "nhập nhằng" giữa cổ điển, bán cổ điển, nhạc nhẹ mang âm hưởng dân gian và nhạc nhẹ khiến nhiều thí sinh không biết mình nên chọn bài hát nào. Điển hình như bài Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý đúng ra ở dòng thính phòng nhưng vẫn có thí sinh chọn để thi ở dòng dân gian. Hay một thí sinh khác thi dòng dân gian nhưng lại chọn Sông Lô chiều cuối năm, một bài hát khó có thể xem là mang âm hưởng dân gian.

Những chuyện "lạc dòng" như thế này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của các thí sinh. Bởi nếu có giọng dân ca, chỉ cần chọn đúng chất, chưa cần đến kỹ thuật điêu luyện thì đã có tác dụng rồi. Chẳng hạn, thí sinh Hồ Phàm (Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội) ban đầu đăng ký dòng nhạc nhẹ ở khu vực miền Bắc và không lọt được vào đêm chung kết khu vực, nhưng khi anh trở về quê đăng ký khu vực miền Trung với dòng dân gian sở trường thì anh không những lọt vào đêm chung kết khu vực miền Trung mà còn lọt vào chung khảo toàn quốc.

Điều đáng nói là nhiều thí sinh chọn giải pháp "an toàn", những bài hát quen để biểu diễn và do vậy, thật khó để tạo được dấu ấn. Hơn thế, khi mà sự mới lạ, sáng tạo chưa trở thành tiêu chí quan trọng nhất của giải thì hẳn nhiên cũng khó tìm thấy sự bứt phá.

* Để Sao Mai tỏa sáng

Đêm chung kết dành cho dòng hát thính phòng vào ngày 26-11 đã minh chứng rằng sự kiên trì, cùng các biện pháp hữu hiệu với các thí sinh sẽ giúp Sao Mai tỏa sáng. Các thí sinh được tập trung trước một tuần tại khách sạn La Thành là một việc "chăm sao" rất đúng. Một tuần để thí sinh tiếp xúc với các giáo viên thanh nhạc như Quang Thọ, Ngọc Lan... tập hát với giàn nhạc và chỉnh trang thẩm mỹ đầu tóc cùng trang phục biểu diễn với các nhà thời trang chuyên nghiệp. "Ba chàng ngự lâm" được tìm ra trong đêm chung kết hát thính phòng này, Nguyễn Tuấn Anh và Hoàng Thái đã thực sự khẳng định thế mạnh sinh ra các giọng hát hay của vùng mỏ Quảng Ninh. Đào Tiến Lợi (Hà Nội) thì chững chạc trong thể hiện, biết khai thác tính hoành tráng của tác phẩm.

Ngay sau khi đêm chung kết dòng thính phòng kết thúc, 8 thí sinh dòng nhạc dân gian đã vào cuộc. Các thí sinh đã được tập luyện dưới sự hướng dẫn của các giảng viên khoa Thanh nhạc - Nhạc Viện Hà Nội. Một tuần tập luyện đã mang đến hiệu quả tích cực trên sân khấu. Sự nổi trội của hai giọng hát miền Trung là Trần Quang Hào và Nguyễn Thanh Yên đã mang lại bất ngờ. Hai giọng hát này thể hiện thành công hai ca khúc khó là Mái đình làng biển (Nguyễn Cường) và Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc) và đã vào tốp đoạt điểm cao nhất đêm chung kết dòng âm hưởng dân ca.

  • Thạch Trung (tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mai xuân và kiểng nghệ thuật của Bình Định sẽ gây ấn tượng  (07/12/2005)
Khúc nhạc lòng  (07/12/2005)
Khai mạc Liên hoan SKTTKC tỉnh Bình Định lần thứ VI - 2005  (07/12/2005)
Đời thừa (*) - Một tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao  (06/12/2005)
Khôi phục trò đánh bài chòi trong dịp Tết  (05/12/2005)
Lời quê chắp nhặt…  (04/12/2005)
Đào Tiến Đạt đoạt danh hiệu "Nhà nhiếp ảnh năm 2005"  (02/12/2005)
Tôi đi chợ  (02/12/2005)
"Mộng bá vương" lên truyền hình  (01/12/2005)
Thơ Văn Trọng Hùng  (01/12/2005)
Phim 24h phá án: Kẻ thù không xa lạ  (30/11/2005)
Giá trị tiếng cười trong bài ca dao Thằng Bờm  (29/11/2005)
Góp bàn mấy giải pháp bảo tồn, chấn hưng văn hóa các dân tộc thiểu số  (29/11/2005)
Văn hóa cồng chiêng - một biểu hiện đặc thù của văn hóa nghệ thuật cổ truyền ở Việt Nam  (28/11/2005)
Thầy Quyền  (28/11/2005)