Nghệ sĩ Nguyễn Hân: Thành công đến từ lòng yêu nghề
9:23', 9/12/ 2005 (GMT+7)

Không có thế mạnh là giọng hát như các diễn viên gạo cội khác của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, nhưng điểm nhấn trong phong cách trình diễn Nguyễn Hân chính là khả năng diễn xuất tốt cùng những động tác vũ đạo mạnh mẽ. Ưu điểm này cùng với lòng yêu nghề, ham mê học hỏi đã dẫn bước cho Nguyễn Hân tìm đến thành công…

 

Nghệ sĩ Nguyễn Hân (bên trái) trong vai chánh mật thám ở vở tuồng "Sáng mãi niềm tin".

 

Là con trai của Bầu Sa - một bầu hát nổi tiếng ở đất tuồng Phước An- nên từ lúc 10 tuổi, Nguyễn Hân đã được cha mình đào tạo để dẫn dắt vào nghề hát bội. Những năm tháng đi hát phong trào giúp cho Nguyễn Hân trưởng thành rất nhanh trong nghệ thuật. Năm 22 tuổi, anh được tuyển vào làm diễn viên của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

Sở trường của nghệ sĩ Nguyễn Hân là đóng những vai kép rằn, tướng rằn, vai nịnh, yêu đạo. Điển hình như vai Châu Thương trong tuồng "Cổ Thành" (đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan các trích đoạn Tuồng, Chèo hay toàn quốc 1993). Trong vai diễn này, Nguyễn Hân đã biết phát huy thế mạnh của mình là các động tác vũ đạo kết hợp với lời tuồng để làm nổi bật tính cách nhân vật, qua đó thể hiện thành công hình ảnh một tên tướng cướp vừa ngạo mạn vừa hết sức hung bạo, dữ dội. Hay như vai diễn chánh mật thám trong vở "Sáng mãi niềm tin" (Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp 1990), bằng trình độ diễn xuất điêu luyện, Nguyễn Hân đã lột tả được bộ mặt tráo trở cũng như những thủ đoạn xấu xa của gã tay sai thực dân Pháp.

Đặc biệt, Nguyễn Hân cũng đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả với những vai nịnh lớn, những vai diễn gian thần thuộc loại mực thước trong nghệ thuật tuồng như: Tạ Thiên Lăng trong vở "Sơn Hậu", Triệu Văn Hoán trong vở "Ngọn lửa Hồng Sơn"… Trải qua 27 năm gắn bó với sân khấu chuyên nghiệp, Nguyễn Hân đã đúc kết được kinh nghiệm: "Để thành công và gắn bó lâu dài với nghề đòi hỏi người diễn viên phải luôn giữ được ngọn lửa đam mê trong lòng mình. Chính sự đam mê, lòng yêu nghề sẽ khiến người diễn viên luôn có ý thức tự rèn luyện để nâng cao trình độ nghệ thuật của bản thân…".

Ngoài công việc chính là diễn viên, từ năm 1990 đến nay, Nguyễn Hân còn tích cực tham gia giảng dạy cho các lớp tuồng ở Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định. Không chỉ chuyên giảng dạy về vũ đạo, tài năng và kinh nghiệm của Nguyễn Hân còn được anh phát huy ở những giờ dạy hóa trang, dạy vai mẫu. Những kiến thức mà thầy giáo Nguyễn Hân truyền đạt đã góp phần tạo nên nền tảng vững chắc để bao thế hệ diễn viên tiến bước trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. "Gìn giữ nghệ thuật truyền thống là nghĩa vụ của những người hoạt động nghệ thuật như tôi. Chính vì vậy, tôi luôn dạy học sinh bằng tất cả trách nhiệm của mình để thế hệ sau có thể nên hình, nên vóc…" - Nguyễn Hân tâm sự.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đoàn tuồng Ánh Dương và đoàn tuồng Hà Thanh cùng đoạt giải xuất sắc  (09/12/2005)
Tỏa sáng cùng Sao Mai  (08/12/2005)
Mai xuân và kiểng nghệ thuật của Bình Định sẽ gây ấn tượng  (07/12/2005)
Khúc nhạc lòng  (07/12/2005)
Khai mạc Liên hoan SKTTKC tỉnh Bình Định lần thứ VI - 2005  (07/12/2005)
Đời thừa (*) - Một tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao  (06/12/2005)
Khôi phục trò đánh bài chòi trong dịp Tết  (05/12/2005)
Lời quê chắp nhặt…  (04/12/2005)
Đào Tiến Đạt đoạt danh hiệu "Nhà nhiếp ảnh năm 2005"  (02/12/2005)
Tôi đi chợ  (02/12/2005)
"Mộng bá vương" lên truyền hình  (01/12/2005)
Thơ Văn Trọng Hùng  (01/12/2005)
Phim 24h phá án: Kẻ thù không xa lạ  (30/11/2005)
Giá trị tiếng cười trong bài ca dao Thằng Bờm  (29/11/2005)
Góp bàn mấy giải pháp bảo tồn, chấn hưng văn hóa các dân tộc thiểu số  (29/11/2005)