Một gió bụi, một tài hoa
15:14', 9/12/ 2005 (GMT+7)

Trong Phóng cuồng ca, Tuệ Trung Thượng Sĩ (1253-1313) có câu: "Lạc ngô lạc hề bố đại lạc - Cuồng nghê cuồng hề phổ hóa cuồng" (Vui cái vui của ta chừ, cùng dòng túi vải - Ngông cái ngông của ta chừ, khuyên giáo thập phương). Cái sự túi thơ bầu rượu kèm các khái niệm vui và ngông của người xưa, không loại trừ cả những nhà xuất thế, và cũng không chỉ của riêng thơ đất Việt.

Đằng đẵng trong văn học sử như thế rồi, bây giờ hành trang nồng đượm ý vị Đông phương ấy, ở tính chất và mức độ khác nhau thỉnh thoảng vẫn còn mắc trên đôi vai của những thi sĩ nhận thi ca làm gồng gánh tử sinh của đời mình.

Nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên ở Tân Thanh chân mây góc biển, một làng quê heo hút của Bình Định "làng cõng trên lưng ba đèo gió cát", là một trong những thi sĩ còn mang ít nhiều hương vị ấy, qua bất tận những năm tháng ngao du. Không ai biết anh đã chọn thơ hay thơ đã chọn anh. Có lẽ, cả hai. Nửa thế kỷ cuộc đời với hơn ba chục năm thơ túi rượu bầu, những chặng đườg thơ của anh đã ghi dấu bằng: "Thắp lại niềm tin" (1974), "Chim không đường bay" (1975), Cỏ đầu truông (1989), "Cách nhau tiếng hú" (2000), "Thăm thẳm bụi đường (2003), mà không ai yêu mến thơ ca ở đất này lại không thuộc lòng những câu vào hàng tuyệt bút của anh: "Nắng nung rẫy cát khoai sùng - Con ăn lót dạ một vùng quê hương", "Con gà trống thiến đã già - Cất lên tiếng gáy sao mà trẻ thơ", "Qua nhà em thổi sáo tre - Thổi hơi nghèn nghẹn lá me rầu rầu", "Bẻ lau phất một ngọn cờ - Chạy theo mây trắng làm thơ thuộc lòng"…

Và họ cũng không thể không thuộc lòng bóng dáng một kiếp người vừa lầm lũi vừa hiên ngang trên những nẻo đường, bất kể nắng mưa bão bùng, nhiều khi không cả một bếp lửa le lói giữa ngày đông. Ngao du. Vâng, cuộc ngao du ấy gần gũi với khái niệm tìm kiếm. Tìm kiếm cái việc hái trong giá rét những cảm xúc ấm áp của sự chở che, cời trong than tàn tro lạnh những giọng điệu của sự nhen nhúm và nhặt nhạnh trong ồn ã sôi động những tiếng thầm thì. Trái tim nồng men say ấy luôn rất tâm đắc ý niệm về cuộc "Huyền đồng" của Đạo Đức Kinh (Lão Tử).

Nếu chọn một thi sĩ Bình Định cả đời quên thân vì mỗi một sự thơ, coi thơ là trên hết thảy mọi giá trị trên đời, cái tên Khổng Vĩnh Nguyên không khó tìm sự đồng thuận ở xứ sở này. Trong cõi thơ Việt, nửa đầu thế kỷ XX có Hàn Mặc Tử, nhà thơ ngước dâng lên trăng sao bao nét chữ quay cuồng như máu vọt, nửa cuối thế kỷ XX có Bùi Giáng, nhà thơ cúi xuống thân tặng chuồn chuồn và châu chấu.

Khổng Vĩnh Nguyên mến phục họ như đã từng mến phục bao thi hào thi bá đông tây kim cổ. Nhưng không chỉ có thế. Anh còn yêu cả Đạo của Vật lý, Lượng tử và Hoa sen, những tác phẩm khoa học cho thấy lộ trình của khoa học phương Tây hiện đại được nhìn nhận là bắt gặp những trực cảm của phương Đông cổ đại. Suy cho cùng, anh đã đồng cảm sâu sắc với mọi tâm hồn thi sĩ, dù họ không làm thơ hoặc xuất phát điểm của họ khác với hành trình thơ của anh.

Nhưng có hề chi, giữa bầu thiên văn rộng lớn muôn trùng, Nguyên muốn đồng hành với cõi lượng vô biên của tình thương và sáng tạo. Để mong ước tìm một lối bước cho riêng mình.

Nhà thơ Thanh Thảo đề tựa cho Cỏ đầu truông: "Đọc thơ Khổng Vĩnh Nguyên, tôi lại nhớ làng quê mình. Và tôi buồn. Cái buồn của tôi của bạn, của những người đọc đổ ngược vào thơ anh, đâm ra thơ anh như buồn hơn. May mắn là chúng ta còn biết buồn trước cảnh quê hương mình".

Nhà thơ Trúc Thông viết về Khổng Vĩnh Nguyên: "Khổng Vĩnh Nguyên tự nhận tôi người con của thiên nhiên nên thơ anh chảy trôi rất thiên nhiên, những hồn nhiên buồn và vui của anh làm ta đến phát thèm, những cảm bắt thiên nhiên của anh khơi gợi không thể không mê được… Nhiệm vụ Khổng Vĩnh Nguyên lớn và nặng hơn nhiều vì nhân loại đã sang thế kỷ XXI cùng những khát vọng không cũ kỹ của thơ".

Khổng Vĩnh Nguyên làm nhiều thơ, trong đó có thể không ít bài hay nhưng cũng có những bài chưa tạo sự đồng tình cho bạn đọc. Nhưng cái phần tạo nên một Khổng Vĩnh Nguyên tài hoa đã hé lộ, định dạng. Nó đem đến không ít cảm thông, những chia sẻ chân cảm, như những bông hoa sáng giữa gió bụi đường trường. Anh đã đạt giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn do UBND tỉnh Bình Định trao tặng đợt II (1996-2000).

Người ta nói Khổng Vĩnh Nguyên làm thơ cả khi ăn, khi trò chuyện, khi tranh luận, khi đi đường… Nhưng với tinh thần đã nói ở phần trên thì ngay cả trong lúc ngủ, nếu có phép mầu bê giấc mơ của anh đặt lên trang giấy, cũng chẳng có gì ngoài Thơ. Anh tôn thờ một chữ Thơ viết hoa với đầy đủ ý nghĩa hồn nhiên và lịch lãm từ khi nó phôi thai cho đến bây giờ, giữa trái tim loài người.

  • Nguyễn Thanh Mừng

 

Thơ Khổng Vĩnh Nguyên:

 

Màu nâu pha gió

Màu nâu pha gió trong hồn

Anh đi nhổ mạ bên cồn cát bay

Bữa nay cát lấp ruộng cày

Làm nông không rảnh vài ngày thăm em

 

 

Phong lan

Vì em theo gió bay xa

Vì anh lỡ hẹn mùa hoa trên ngàn

Giờ em ẩn kiếp phong lan

Giờ anh góa bụa trần gian đi tìm

 

 

Huyền âm vang vọng

Đem thân làm cuộc ngao du

Hồn thơ qua đỉnh sa mù pháp không

Bàn chân đo sóng biển Đông

Huyền âm vang vọng núi sông im lìm

 

 

Qua nhà em

Qua nhà em thổi sáo tre

Thổi hơi nghèn nghẹn lá me rầu rầu

Lạnh lùng em ngó gì đâu

Núi xa nín lặng cúi đầu anh đi

 

 

Rót rượu mời trăng

Thiền sư rót rượu mời trăng

Mời sông biển cạn vết hằn núi cao

Mời luôn ngọn gió hôm nào

Về vui tự tánh dạt dào vô vô

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoa dã quỳ  (09/12/2005)
Nghệ sĩ Nguyễn Hân: Thành công đến từ lòng yêu nghề  (09/12/2005)
Đoàn tuồng Ánh Dương và đoàn tuồng Hà Thanh cùng đoạt giải xuất sắc  (09/12/2005)
Tỏa sáng cùng Sao Mai  (08/12/2005)
Mai xuân và kiểng nghệ thuật của Bình Định sẽ gây ấn tượng  (07/12/2005)
Khúc nhạc lòng  (07/12/2005)
Khai mạc Liên hoan SKTTKC tỉnh Bình Định lần thứ VI - 2005  (07/12/2005)
Đời thừa (*) - Một tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao  (06/12/2005)
Khôi phục trò đánh bài chòi trong dịp Tết  (05/12/2005)
Lời quê chắp nhặt…  (04/12/2005)
Đào Tiến Đạt đoạt danh hiệu "Nhà nhiếp ảnh năm 2005"  (02/12/2005)
Tôi đi chợ  (02/12/2005)
"Mộng bá vương" lên truyền hình  (01/12/2005)
Thơ Văn Trọng Hùng  (01/12/2005)
Phim 24h phá án: Kẻ thù không xa lạ  (30/11/2005)