|
Tượng vua Quang Trung tại Nhà bảo tàng Tây Sơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt |
Vào những năm cuối của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước đã nở rộ một mùa trường ca. Hữu Thỉnh với Đường tới thành phố, Trần Mạnh Hảo với Đất nước hình tia chớp, Thanh Thảo với Những người đi tới biển, Nguyễn Khoa Điềm với Mặt đường khát vọng. Những bản trường ca hào hùng ấy đã góp vào sự hoành tráng và hoàn chỉnh của nền thơ chống Mỹ cứu nước.
Sau 1975 đến nay, trường ca thưa thớt dần. Bản trường ca Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, NXB Quân đội nhân dân, xuất hiện cuối năm 2005 này như một dấu hiệu tốt đẹp.
Bản trường ca có 8 chương với 1.303 câu thơ, viết về người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Trở lại một đề tài cũ, nhưng Nguyễn Thanh Mừng đã chọn một cách thể hiện mới. Anh không viết về những sự kiện, những chiến công hiển hách vang dội của Quang Trung mà hướng về việc miêu tả thể hiện quan niệm, ý tưởng, tâm hồn của người anh hùng.
Chỗ thành công trước hết của bản trường ca là nhà thơ đã đặt hình tượng người anh hùng trong mối quan hệ với lịch sử. Nơi xuất thân là mảnh đất địa linh nhân kiệt, hội lưu của rất nhiều nền văn hóa. Từ mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân người anh hùng với lịch sử dân tộc, Quang Trung xuất hiện như một yêu cầu của lịch sử. Trong mối quan hệ ấy, nhà thơ lý giải sự hình thành nhân cách, phẩm chất của người anh hùng.
Một thành công nữa, trong khi diễn tả phẩm chất nhân cách của người anh hùng, bậc đế vương nhà thơ đã đặt hình tượng trong mối quan hệ giữa sự bình thường và phi thường. Là một con người như bao con người, Nguyễn Huệ với tình yêu xứ sở, người thân, với bạn bè ngày thơ ấu, với người vợ ở quê nhà tự thuở hàn vi "Em nụ cười trong veo và bàn chân lấm láp; Em niêu cơm gạo cà đung; Bát canh chua me đất". Nhưng là người anh hùng bậc đế vương thì "Tri âm tâm hồn "là những đứa con của mẹ Âu Cơ" "An Tiêm ở cùng ta". Là con người muốn "giải mã càn khôn; Bằng chính bàn tay của người cày ruộng Phương Nam". Là người làm thay đổi sơn hà bằng "đi qua bão bùng, đi qua chiến trận". Rồi thề hẹn cùng nhau xây đạo lớn; Trong tro tàn hồi sinh cuộc trái hoa" với một tầm nhìn rộng lớn về Tổ quốc về văn hóa từ "cành thiên tuế của Đền Hùng" đến Tổ quốc trong mỗi con người:
Tổ quốc hình quản bút
Trong ngực con nhà văn
Tổ quốc hình kiếm cung
Trong lòng con nhà võ
Tổ quốc hình bông lúa
Trong mắt người nông dân
Rồi Tổ quốc mở ra bừng lên với bao hy vọng trong những ngày mai. Nhà thơ đã khái quát một cách tài tình: "Ngần này là nước bao sông; Là mây bao núi gió giông bao trời; Nhặt trong nguồn lấp bể vùi; Một người mà chỉ thế thôi, một người".
Là một con người phi thường với tình yêu ý tưởng lớn lao như thế về Tổ quốc dân tộc nhưng trong tâm hồn vẫn lưu giữ những dấu vết của nơi chôn nhau cắt rốn. Từ ngôn ngữ "quen với giọng sương ngàn gió suối". Giữa mùa đào Thăng Long vẫn thấy trong lòng đồng hiện "rừng mai đa cảm Quy Nhơn". Ở nơi ngai vàng, bệ ngọc mà trong thâm sâu của tâm hồn vẫn giữ "bùn ruộng thôn trang"; với tép, bèo, cua, ốc... Cũng chính vì thế mà nhà vua luôn luôn nuôi dưỡng một tình thương sâu sắc với nhân dân "Long bào trên mình vua; Thành chăn nệm cho người đói rét".
Từ việc phát hiện, miêu tả những mối quan hệ có tính chất biện chứng, bản trường ca vừa làm nổi lên những phẩm chất cao đẹp, lớn lao của người anh hùng, vừa lý giải một cách hợp lý sự hình thành của nhân cách, vừa tạo được nét riêng và sự khái quát chung của hình tượng. Trong bản trường ca, nhà thơ đã sử dụng rất nhiều thể thơ. Thể thơ tự do, phóng khoáng, bay bổng. Thể thơ 7 chữ trang trọng, cổ kính. Thể thơ lục bát thấm thía lắng sâu. Thể thơ năm chữ gọn gàng chắc khỏe... góp phần tạo nên sự đa thanh phức điệu, và sự luân chuyển sinh động cho bản trường ca dài. Tuy đôi đoạn hơi triền miên theo cảm xúc nhà thơ, nhưng nhiều chương, nhiều đoạn, nhiều câu thơ đọc rồi không thể quên. Kiểu như:
Lúa dân thơm giữa ruộng vua
Nghìn trùng nắng, nghìn trùng mưa, nghìn trùng
Thật hay và cũng rất Nguyễn Thanh Mừng.
|