|
Bìa cuốn hồi ký Quách Tấn |
Nhà thơ Quách Tấn là một trong 4 nhà thơ nổi tiếng của "Bàn thành tứ hữu" ở đất Bình Định những năm nửa đầu thế kỷ 20. Cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, ông đã để lại cho đời những tác phẩm văn học quí giá. Nhân kỷ niệm 13 năm ngày mất của ông (1910-1992), chúng ta hãy cùng đến với những tác phẩm của nhà thơ "Mùa cổ điển", ngay trong ngôi nhà của ông ở 12 Bến Chợ - Thành phố Nha Trang.
Một buổi sáng lất phất mưa, trong ngôi nhà nhỏ nơi phố chợ đông đúc, ít ai biết được đây đã từng là nơi gặp gỡ tâm giao của 4 nhà thơ thời tiền chiến và nhiều văn nhân thủa ấy. Thắp nén hương thơm tưởng nhớ nhà thơ Quách Tấn, tưởng như thấy nụ cười hiền hậu của ông trước cuộc đời chìm nổi. Ẩn hiện trong sương khói thời gian, ký ức còn lại là những lời thơ, hương trầm "mùa cổ điển". Nhà dẫu chật nhưng con cháu vẫn trân trọng dành riêng một căn phòng thờ cúng và lưu giữ những tác phẩm của ông.
Quách Tấn sinh năm 1910, ở Tây Sơn - Bình Định, nhưng hơn nửa đời người ông gắn với Nha Trang - Khánh Hòa, nơi đã đi vào tác phẩm Xứ Trầm hương quen thuộc. Sinh thời, Quách Tấn kính trọng cụ Phan Bội Châu, lại được Tản Đà dìu dắt, và có những người bạn thơ tâm huyết như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Nguyễn Đình. Vì vậy, khi ông đi xa, con cháu ông để những người xưa kề cận bên ông trong căn phòng tưởng niệm.
Vẫn còn đây hình ảnh của ông cùng cây mận trước nhà, những bức ảnh, bức tranh và dòng thư pháp… của anh em, bạn hữu tặng ông. Ông Quách Giao - con trai thứ hai của nhà thơ Quách Tấn kể về ngôi nhà đã gắn bó với cuộc đời nhà thơ và nhiều kỷ niệm văn chương. Năm 1935 từ Đà Lạt xuống, hai năm sau ông mua ngôi nhà này. Lúc đó ông Quách Giao được 3 tuổi. Ngôi nhà đã trải qua rất nhiều kỷ niệm văn học, sử học. Thi sĩ Tản Đà đã từng đến ở. Từ năm 1938 trở về sau, đây là nơi tụ họp của 4 nhà thơ gọi là "Bàn thành tứ hữu" ở Bình Định. Đó là Quách Tấn và ba người bạn Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan. Ngoài ra, có những nhà thơ khác ở đây nhiều là Bích Khê. Những nhà thơ từ Bắc vào Nam đến đều được quách Tấn tiếp đón niềm nở.
Ông Quách Giao trầm ngâm bên "Trường Xuyên tứ bảo" - 4 kỷ vật quí của gia đình. Mỗi vật đều gợi nhớ về nỗi niềm, về tình cảm của người đã xa. Trường Xuyên là hiệu của Quách Tấn, còn 4 vật quí mà nhà thơ lưu giữ là quyển sách Tô Văn Trung và Lữ Đường Thi, khúc sừng tê giác do nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hiến Lê tặng năm 1973. Cả 3 chiếc lá mận trước sân nhà bay vào phòng giấy khi ông viết hồi ký "Bóng ngày qua" năm 1973, đến đúng đoạn về cây mận 3 nhành. Cây mận lúc đó đã bị chết do ảnh hưởng của chất khai quang của Mỹ…
Riêng quyển Tô Văn Trung và Lữ Đường Thi còn nguyên những dòng chữ của nhà thơ. Quách Tấn đặc biệt quí bộ sách Tô Văn Trung. Trải qua những năm tản cư thời đánh Pháp, di chuyển Bình Định, Nha Trang, ông vẫn mang theo mình. Vậy mà đến năm 53, vì nhà nghèo, vợ bệnh, ông đau lòng phải bán bộ sách gồm 20 quyển, chỉ chuộc lại được một quyển làm kỷ niệm.
Cùng với 4 kỷ vật trên, chiếc rương da cổ dùng để dựng sách đã gắn bó với Quách Tấn từ năm 1941 cũng là một vật được gia đình giữ lại đến ngày nay. Con cháu của nhà thơ giữ gìn và sắp xếp thứ tự những di cảo của ông để lại cho đời. Đó là những bản thảo viết tay, trong đó có bản thảo tập thơ Mùa cổ điển cùng bút tích của các nhà thơ Bích Khê, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình… xuất bản năm 1941, và hàng chục tập bản thảo khác.
Ông Quách Giao - người con trai thứ hai của Quách Tấn không chỉ giữ gìn cẩn thận những tác phẩm của ông mà cả những bài báo, tập sách viết về người cha kính yêu. Cùng với gần 20 tập thơ, văn đã xuất bản từ năm 1939 đến 2003, vẫn còn 25 tập thơ và trên 40 tập văn của Quách Tấn chưa xuất bản.
|
Quách Tấn và những người bạn. |
Không nhiều người biết rằng, ông đã dành trọn tấm lòng yêu kính đối với Bác Hồ qua những bản dịch thơ tập Nhật ký trong tù và những bài thơ bằng chữ Hán của Bác, từ những ngày miền Nam chưa giải phóng. Tiến sĩ Mai Quốc Liên đã trân trọng đưa 73 bản dịch vào tập Hồ Chí Minh thơ toàn tập, xuất bản năm 2000. Nhà thơ Quách Tấn đã đi xa chúng ta 13 năm nhưng những gì ông để lại luôn là những tác phẩm văn học có giá trị. Làm thế nào để những di cảo của ông đến được với công chúng yêu văn học- luôn là mong muốn lớn nhất của gia đình và những người yêu mến thơ văn và con người Quách Tấn.
Là người con luôn kề cận và sưu tập những tác phẩm của cha, nay đã bước vào tuổi thất thập, ông Quách Giao luôn tâm nguyện dành hết thời gian còn lại để làm thế nào in gần hết tác phẩm của cha mình. Đó là tập hồi ký Bóng ngày qua (mới chỉ in được 4/20 quyển), là các thi thoại, công trình nghiên cứu về Đào Tấn và tuồng Bình Định v.v... Trong năm 2006 sắp tới, ông sẽ in 500 bài thơ tuyển chọn qua hơn 2000 bài thơ của Quách Tấn. Đó là những tư liệu quí để chúng ta có thể hiểu thêm về một thời văn chương tiền chiến, về dịch thuật, địa chí và cuộc đời thơ văn của nhà thơ từng được gọi là "sứ giả của đời Đường, đời Tống" (chữ của nhà phê bình Hoài Thanh).
Mưa dứt, nắng đã lên. Bên ngoài xôn xao hàng quán. Chợ Đầm - Thành phố Nha Trang đang buổi trưa. Bến Đình và mặt nước đầm xưa, trước nhà ông không còn nữa nhưng mỗi tập thơ, mỗi trang bản thảo đều gợi nhớ về một nhà thơ trang nghiêm và cẩn trọng, tinh tế trong từng chữ, từng lời. Rùa vàng thủa nào trong bộ tứ linh "Long, Lân, Qui, Phụng" - hình ảnh của Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên như vẫn còn mãi với dòng thơ Việt. "Duyên trần đã tỉnh chiêm bao, còn nghe bước sóng ra vào bến xưa." Nhớ tới ông, nhớ tới Mùa cổ điển, Xứ Trầm hương, Nước non Bình Định, Bóng ngày qua và tấm lòng của một nhà thơ với non nước ân tình.
. Theo VietNamNet
|