Thế giới nhân vật Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân thuần một loại tài hoa tài tử, trong số đó nổi bật là Huấn Cao bởi ông không chỉ là nghệ sĩ tài hoa mà còn là người có khí phách hiên ngang, thiên lương trong sáng.
|
Nhà văn Nguyễn Tuân |
Nói riêng về phương diện tài hoa, Huấn Cao có tài viết chữ. Qua lời quản ngục, Huấn Cao "viết chữ rất nhanh và rất đẹp", chữ ông "đẹp lắm, vuông lắm". Nhưng đẹp như thế nào nhà văn không miêu tả. Có nhận xét rằng: "Nhà văn không chú ý mấy đến tài viết chữ của ông Huấn mà dùng lối vẽ mây nẩy trăng nói như Kim Thánh Thán, đề cao phẩm cách hiếm có của ông Huấn Cao bằng cách tả lòng trọng nghĩa liên tài của viên quản đốc đề lao". (Nguyễn Tuân về tác gia và tác phẩm - Tái bản lần thứ 2 - NXBGD năm 2000, tr 24).
Nhận xét ấy e còn phiến diện khi cho rằng "nhà văn không chú ý mấy đến tài viết chữ của ông Huấn". Nếu vậy liệu Huấn Cao có còn khiến quản ngục phải ngưỡng mộ? Ở đây, Nguyễn Tuân đã miêu tả thái độ quản ngục tức là dùng thủ pháp "vẽ mây nẩy trăng" để tả cái đẹp của chữ Huấn Cao.
Lúc nhận được phiến trát, bề ngoài quản ngục lệnh cho viên thơ lại chuẩn bị buồng giam để cầm giữ Huấn Cao nhưng tâm hồn thì dậy lên những đợt sóng cảm xúc tiếc thương, kính phục nên nghĩ cách làm cho "ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại". Nhà văn miêu tả cuộc đấu tranh nội tâm của quản ngục - cuộc đấu tranh giữa con người công cụ của chế độ ngục tù với con người say mê cái đẹp, có "tấm lòng biệt nhỡn liên tài".
Nguyễn Tuân để quản ngục đối diện với ngọn đèn leo lét nơi nhà giam và dõi theo những biến đổi trên gương mặt. Từ hình ảnh "ngục quan ngồi bóp thái dương", "bộ mặt tư lự" đến khi "cây đèn nến vơi lần mực dầu", quản ngục "lấy que hương khêu thêm một con bấc" thì ta thấy hiện ra gương mặt như "mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ". Con người say mê cái đẹp đã chiến thắng con người công cụ. Và quản ngục đã xử sự với Huấn Cao trên tư thế ấy. Nó cắt nghĩa những hành động lạ lùng nếu xét trên tư cách quản ngục: làm trái với phong tục nhận tù mọi ngày, dâng rượu với đồ nhấm cho kẻ tử tù, đến tận buồng giam để xem Huấn Cao cần gì "sẽ cố gắng chu tất".
Khi bị ông Huấn xua đuổi với câu nói đầy khinh bạc, quản ngục không những không giận mà còn lễ phép "xin lĩnh ý" và cơm rượu lại có phần hậu hơn trước. Cho đến khi nhận được công văn của quan Hình bộ Thượng thư thì nỗi hốt hoảng vì sắp sửa mất "một báu vật trên đời" khiến quản ngục phải thổ lộ niềm mơ ước được chơi chữ Huấn Cao với viên thơ lại. Và quản ngục đã được toại nguyện.
Như vậy, khi nhà văn miêu tả thái độ quản ngục đâu chỉ để đề cao phẩm cách mà còn nói sự cuốn hút của thư pháp Huấn Cao đối với quản ngục. Phải chăng đấy là cách để Nguyễn Tuân miêu tả cái đẹp của chữ người tử tù?. Chính cái đẹp ấy đã tạo nên "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có" - cảnh cho chữ. Ở cảnh này, cái đẹp đã lên ngôi, đã tạo nên những đổi thay kì diệu. Kẻ tử tù trong gông cùm, xiềng xích trở thành người nghệ sĩ tự do sáng tạo cái đẹp còn quản ngục và thầy thơ lại trở thành những kẻ tri âm. Qua sự đổi thay ấy, Nguyễn Tuân không chỉ diễn tả sức cuốn hút mãnh liệt mà còn nói được sự tác động sâu xa của cái đẹp. Chỉ có điều đọc hết "Chữ người tử tù" ta vẫn không biết chữ ông Huấn đẹp như thế nào dù biết rằng rất đẹp. Cách làm của Nguyễn Tuân gợi nhớ đến câu thơ Tô tiểu muội vịnh râu ông anh Tô Đông Pha:
Tìm nửa ngày trời không thấy miệng
Bỗng nghe tiếng nói phát từ râu
Ta biết họ Tô râu rất rậm nhưng rậm như thế nào thì mọi người hãy tưởng tượng lấy…
(*) Giảng dạy trong chương trình văn học lớp 11. |