Chuyện quê hương và người ở lại
8:54', 22/12/ 2005 (GMT+7)

(Đọc hồi ký "Ở lại với dòng sông" của Nguyễn Trung Tín - Bùi Thị Xuân Mai ghi, NXB  Văn Học, 11-2005)

Trải hơn 60 năm làm cách mạng, gắn bó với quê hương, ông Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định vừa cho xuất bản tập I, hồi ký Ở lại với dòng sông do nhà báo Xuân Mai thể hiện. Tập hồi ký dày hơn bốn trăm trang với 3 chương, gồm: Dấn thân, Ở lạiGiải phóng đã ghi lại một cách chân thực những kỷ niệm sâu sắc của một thời kỳ cách mạng không thể nào quên.

 

Núi Bà - nơi đầy ắp những kỷ niệm trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Ở chương một và hai là những kỷ niệm đầy gian khó về những ngày đầu cách mạng trên quê hương Vĩnh Thạnh. Người đọc sẽ được hiểu thêm về một thời tuổi trẻ của một trong những người lãnh đạo cách mạng trên quê hương Bình Định những ngày đầu đánh Pháp. Ở chương hai còn có hình ảnh Bình Định ngày tập kết 1954 với lòng quyết tâm và niềm tin chiến thắng bao trùm lên quang cảnh người xuống tàu tập kết ra Bắc và người ở lại.

Tác giả được bố trí "Ở lại" và "Lên với đầu nguồn" sống ba cùng với bà con dân tộc Bana, làm những trận "Núi rừng rung chuyển" để có cuộc "Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh", tạo một "bước chuyển quyết định" cho công cuộc đấu tranh đánh Mỹ ở miền Nam thời ấy. Biết bao gian khó, mất mát, hy sinh được tái hiện xen kẽ với những mưu mô thâm độc của kẻ thù và tấm lòng của đồng bào dân tộc miền núi Bình Định với Đảng, với cách mạng.

Nếu hình ảnh Bá Kring (tên gọi của ông Nguyễn Trung Tín thời ấy) gắn liền với cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, thì những cái tên: Nhơn, Nam, hay Nguyễn Trung Tín - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, kiêm Bí thư Thị ủy Quy Nhơn là nỗi kinh khiếp của kẻ thù trong suốt chặng đường "Đồng khởi Khu Đông", tiến đến giải phóng Quy Nhơn, giải phóng Bình Định.

Toàn bộ chương ba là một bản hùng ca về tinh thần yêu nước bất khuất chống ngoại xâm của quân và dân Bình Định. Với độ dài chiếm hai phần ba tập sách, phần này đã được kể lại khá chi tiết về "những ngày đầu đánh Mỹ", những gian khó trong vòng vây kẻ thù ở núi Bà, và hình ảnh một "Khu Đông dậy sóng", vùng lên "Giải phóng" quê hương.

Căn cứ cách mạng được nhắc đến khá nhiều trong tập sách là Núi Bà với những hang đá có sức chứa hàng trăm người, nơi ấy ắp đầy bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu khoảnh khắc mà cái chết và sự sống cứ lẫn lộn từng ngày. Còn có rất nhiều những địa danh, những tên đất, tên làng, tên những con sông ngọn núi, tên những người nông dân chân chất bình dị, tên những đồng chí lãnh đạo mưu lược, thông minh, tên những chiến sĩ vào sinh ra tử và cả tên những con người biến chất trước gian khó hiểm nguy. Tất cả đều được kể lại với thái độ, tình cảm lúc thì da diết nhớ mong, lúc bồi hồi thương cảm, lúc căm giận, xót xa…

Điều ấy thể hiện cách làm việc cẩn trọng và chu đáo của người kể và người thể hiện. Có những đoạn tả về "Khu Đông gạo trắng nước trong", về "Hưng Thạnh và những miền quê thân thương", về rừng sác ven đầm Thị Nại, với "các tầng lá thuôn dày vươn tỏa ra đan kết lại thành mái vòm xanh mát… Cây dựa vào cây làm cho rừng cây chẳng khác bức trường thành, cho ta một ấn tượng mạnh về sự vững chãi như hình ảnh người dân Khu Đông dạn dày sương gió, dũng cảm ngoan cường". (tr 332); đặc biệt là những phút giây "Họa hoằn có những đêm hè im tiếng súng, nằm ở rừng sác nghe tiếng gió chạy đuổi nhau rào rào trong vòm lá; mùi thơm dìu dịu kín đáo thoang thoảng của hoa sú trắng cho ta một cảm giác xao xuyến; và mùi bùn, mùi phù sa ngai ngái cùng tiếng nước vỗ ì oạp… như sóng nước sông Kôn vỗ vào bờ bên lở, lòng tôi lại da diết bồn chồn nỗi nhớ quê hương và càng cháy bỏng ước mơ giải phóng". (trang 332) đã mang lại cho tập sách thêm chất văn, chất trữ tình như một tác phẩm văn học tự thuật đậm vẻ hùng ca.

Nét độc đáo và giá trị lịch sử, giá trị nhân văn của tập hồi ký là những trường đoạn kể về bao tấm gương anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống cho quê hương; về những trận chống càn, những chiếc hầm bí mật gắn liền với mỗi vùng đất, dù miền cao hay miền biển, dù trung du hay đồng bằng… nhưng vẫn chung một tấm lòng thủy chung son sắt với Đảng, với cách mạng.

Ngoài việc "để tạ ơn Đảng, Bác Hồ, đồng bào, đồng chí và tạ ơn cha mẹ đã bảo bọc nuôi dưỡng…" như "lời nói đầu" của tác giả, có thể nói hồi ký "Ở lại với dòng sông" còn là một tác phẩm văn học có giá trị về nhiều mặt.

  • Mai Thìn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chiến sĩ ta đùa trong ca dao  (21/12/2005)
Vẻ đẹp của chữ trong Chữ người tử tù (*)  (20/12/2005)
Tưởng niệm 20 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu  (20/12/2005)
Người giữ lửa cho làng  (19/12/2005)
Phát hiện một tác phẩm điêu khắc đá cổ  (19/12/2005)
Di cảo của nhà thơ Quách Tấn - một thời vang bóng  (18/12/2005)
Trẩy hội Hoa Đà Lạt năm 2005  (18/12/2005)
Tạp bút: Chiếc bè mùa lụt  (18/12/2005)
Tiềm năng lớn, nhưng còn khó khăn nhiều  (16/12/2005)
Người thế vai hoàn hảo  (16/12/2005)
Đọc trường ca "Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân"  (16/12/2005)
Tổng tập Truyện ngắn Việt Nam 1945-2005  (15/12/2005)
Hấp dẫn với 24 giờ phá án  (14/12/2005)
Nghệ thuật tu từ trong đoạn trích "Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều" (*)  (13/12/2005)
Hoa hậu đăng quang  (12/12/2005)