Bích Hạnh: Ngọt ngào giọng hát dân ca
7:42', 23/12/ 2005 (GMT+7)

Công việc chính là quân y của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định nhưng Bích Hạnh được nhiều người biết đến nhờ khả năng ca hát. Giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, mang đậm chất dân ca cùng khả năng thể hiện nhiều loại hình nghệ thuật đã giúp Bích Hạnh trở thành ngôi sao sáng của văn nghệ lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định…

Bích Hạnh nhập ngũ năm 1985, nhờ có giọng hát hay nên cô được tuyển vào đội tuyên truyền văn hóa của Tỉnh đội Nghĩa Bình. Vừa mới gia nhập, Bích Hạnh đã khẳng định được tài năng của mình bằng tấm Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân tại Nha Trang. Năm 1987, Bích Hạnh được cử đi học trường Trung học Y tế ở Quảng Ngãi, trong thời gian đi học Bích Hạnh lại đạt được tấm Huy chương Vàng của Hội thi Tiếng hát học sinh sinh viên toàn quốc. Ra trường năm 1990, Bích Hạnh về công tác tại quân y cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định.

Có chất giọng ngọt ngào và truyền cảm nên sở trường của Bích Hạnh là những bài hát mang âm hưởng dân ca, những ca khúc cách mạng truyền thống và đặc biệt là những bài hát về Bác Hồ của nhạc sĩ Thuận Yến như: Miền Trung nhớ Bác (Huy chương Vàng Hội diễn binh chủng thông tin toàn quân), Bác Hồ một tình yêu bao la (giải nhì tiếng hát Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Định), Vầng trăng Ba Đình, Người về thăm quê

Trong một lần về Bình Định và được nghe Bích Hạnh hát Miền Trung nhớ Bác, nhạc sĩ Thuận Yến đã có nhận xét : "Bích Hạnh là ca sĩ hát bài này đạt nhất mà tôi đã từng nghe. Tôi cũng lấy làm tiếc vì nếu giọng ca này được đào tạo bài bản thì sẽ còn vươn tới đỉnh cao hơn nữa…".

Không chỉ thành công ở thể loại nhạc nhẹ, Bích Hạnh còn tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả bằng những vai diễn ca kịch bài chòi. Được sự chỉ dẫn của nghệ sĩ Phan Ngạn (khi ông còn nắm đội tuyên truyền Tỉnh đội), từ chỗ không biết về bài chòi, Bích Hạnh đã dần dần "cảm" được cái "hồn" của loại hình nghệ thuật này. Với chất giọng cùng khả năng diễn xuất tốt, Bích Hạnh bắt đầu gặt hái được huy chương vàng và giải diễn viên xuất sắc nhất trong các hội diễn toàn quân, toàn quốc với Lời ru đất mẹ, Hai ta là chiến sĩ, Đồng đội của ba tôi, Chuyện một con đường, Nỗi đau còn lại… trong đó để lại nhiều ấn tượng nhất với chị chính là vai diễn bà mẹ già trong vở Nỗi đau còn lại.

Bích Hạnh ngâm thơ cũng rất hay nên chị luôn được chọn là giọng ngâm thơ chính trong các đêm thơ của Hội VHNT Bình Định, CLB Xuân Diệu. Có thể kể đến một số bài thơ mà chị đã ngâm rất thành công như: Quê hương (Giang Nam), Vườn xưa (Tế Hanh), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)…

Hoạt động nghệ thuật nhiều như vậy nhưng Bích Hạnh vẫn luôn làm tốt công việc chuyên môn của mình, không những thế chị còn kiêm luôn chức Chủ tịch Hội phụ nữ lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định hơn 10 năm nay. Cô Thiếu tá Bích Hạnh tâm sự: "Hoạt động nghệ thuật làm cho cuộc sống của tôi thêm phong phú hơn, tâm hồn trở nên thanh thản và yêu đời hơn. Được đóng góp sức mình vào sự phát triển của phong trào Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định chính là niềm hạnh phúc và vinh dự lớn cho một người chiến sĩ quân đội như tôi…".

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện quê hương và người ở lại  (22/12/2005)
Chiến sĩ ta đùa trong ca dao  (21/12/2005)
Vẻ đẹp của chữ trong Chữ người tử tù (*)  (20/12/2005)
Tưởng niệm 20 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu  (20/12/2005)
Người giữ lửa cho làng  (19/12/2005)
Phát hiện một tác phẩm điêu khắc đá cổ  (19/12/2005)
Di cảo của nhà thơ Quách Tấn - một thời vang bóng  (18/12/2005)
Trẩy hội Hoa Đà Lạt năm 2005  (18/12/2005)
Tạp bút: Chiếc bè mùa lụt  (18/12/2005)
Tiềm năng lớn, nhưng còn khó khăn nhiều  (16/12/2005)
Người thế vai hoàn hảo  (16/12/2005)
Đọc trường ca "Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân"  (16/12/2005)
Tổng tập Truyện ngắn Việt Nam 1945-2005  (15/12/2005)
Hấp dẫn với 24 giờ phá án  (14/12/2005)
Nghệ thuật tu từ trong đoạn trích "Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều" (*)  (13/12/2005)