Cái lý đáng yêu của chàng trai Mông đi tìm vợ
14:59', 26/12/ 2005 (GMT+7)

1. Trong trí nhớ về những bài thơ thời sinh viên mà mình hằng thích thú, tôi luôn cảm thấy thú vị với Bài ca anh chàng độc thân. Đó là một sáng tác của nước ngoài, xây dựng trên những lập luận của một chàng trai về việc vì sao anh ta quyết định suốt đời sống độc thân. Tác phẩm ấy như sau:

Sống độc thân cũng chán

Mơ nghĩ các cô luôn

Sau một đêm trăn trở

Tôi quyết định lấy vợ

Lấy vợ, nhưng lấy ai

Là điều tôi suy nghĩ

Các cô gái có nhiều

Nhưng mà không vừa ý

Lấy cô đẹp sau này

Lo cô ta nhiều bạn

Lấy cô xấu về nhà

Trước sau rồi cũng chán

Những cô giàu, thông minh

Lại hay kiêu, hợm mình

Còn lấy cô ngu ngốc

Thì ôi, buồn phát khóc

Vì sao phải lấy vợ

Ừ vì sao không cần

Thế là tôi quyết định

Suốt đời sống độc thân

Hôn nhân, theo cách nói của người phương Tây là đi tìm một nửa còn lại của đời mình. Những ai tìm được thì hạnh phúc, còn nhầm lẫn tất lâm vào bất hạnh, khổ đau. Thế cho nên, khi tính cuộc vuông tròn, con người ta không thể hời hợt mà phải "dò cho đến ngọn nguồn lạch sông".

Nói như vậy để thấy sự đắn đo, suy tính của anh chàng trong Bài ca anh chàng độc thân kia là có cơ sở. Chỉ có điều, sau những lý lẽ, người ta thấy có cái gì đó ích kỷ, thiếu thực tế. Chàng trai đã không thể tìm lấy một nguyên cớ đẹp đẽ để hòa hợp với cuộc đời…

2. Gần đây, tôi được đọc bài thơ Tìm vợ của Dương Thuấn, một nhà thơ người Tày. Trong bài thơ này, Dương Thuấn đã kể cho bạn đọc nghe câu chuyện anh bạn người Mông đi tìm vợ. Anh hãy còn trẻ (hai mươi tuổi), tìm vợ nhờ đến sự giúp đỡ của bà mối.

Ở quê tôi có anh bạn người Mông

Hai mươi tuổi mối dắt đi tìm vợ

Lần đầu đến hỏi một cô gái trẻ

Anh chê rằng, cô gái ấy môi chì

Lần thứ hai hỏi một cô lỡ thì

Anh bảo cô này làm anh hay nghĩ

Lần thứ ba hỏi một cô giàu có

Anh bảo chẳng màng tiền của nơi đó

Lần thứ tư hỏi một cô gái góa

Anh vội gật đầu nói ngay đồng ý

Rằng thích lấy cô có hai con nhỏ

Nhà sàn rộng muốn nhiều người về ở

Đến tết được xem bọn trẻ chơi khăng…

Bài thơ của Dương Thuấn có sự gần gũi với Bài ca anh chàng độc thân cũng gây cho người đọc không ít thú vị. Theo chân bà mối, chàng trai người Mông lần lượt diện kiến với nhiều cô gái khác nhau. Qua các lần gặp thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba, anh ta đều lắc đầu. Kẻ thì anh ta chê "môi chì", kẻ thì là gái "lỡ thì" và người thì lại ngại sự "giàu có"…

Người đọc dễ nghĩ rằng, cứ đà này, anh ta sẽ không tránh khỏi cảnh "cơm niêu nước lọ" như anh chàng bên trời Tây kia thôi. Nhất là khi mối đưa anh ta đến gặp "cô có hai con nhỏ".

Xưa nay, người đời vốn không xem chuyện "trai tơ lấy gái nạ dòng" là mối lương duyên. Dư luận xã hội chẳng đã từng mỉa mai: "Trai tơ lấy gái nạ dòng - Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu" đó sao!

Khả năng chàng trai hai mươi tuổi lấy người phụ nữ có hai con nhỏ về làm vợ là khó xảy ra. Nhưng thật bất ngờ, trước đối tượng này, chàng trai Mông thuận lòng nhanh chóng. Cái lý của anh ta thật giản dị:

Nhà sàn rộng có nhiều người về ở

Đến tết được xem bọn trẻ chơi khăng 

Tìm vợ suy cho cùng là đi tìm cuộc sống hạnh phúc trong mối tương giao thân ái giữa con người với con người. Chàng trai Mông sẵn cái ý ấy nên anh ta thật táo bạo khi chọn cho mình một người bạn đời có hoàn cảnh như vậy. Tâm hồn Mông thật khoáng đạt, bao dung và giàu tình thương yêu con trẻ. Chắc chắn trong căn nhà sàn rộng rãi của anh ta sẽ đầy ắp tiếng nói cười hạnh phúc.

Bài thơ Tìm vợ của Dương Thuấn đã có được một cái tứ thật độc đáo. Nó thêm một lần nữa cho ta thấy, con người có vô vàn lý do để đến với nhau. Nhưng hạnh phúc thực sự chỉ có ở những lý do mang tính nhân văn…

  • Lê Nhật Ký
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Biển và tôi" lên sóng truyền hình trong dịp Tết Bính Tuất  (25/12/2005)
Bài ca Giáng sinh ra đời như thế nào ?  (23/12/2005)
Sân khấu ca nhạc 2005: Sân chơi nhiều, ngôi sao ít  (23/12/2005)
Thơ Thạch Bi Sơn, Huỳnh Đình Minh  (23/12/2005)
Bích Hạnh: Ngọt ngào giọng hát dân ca  (23/12/2005)
Chuyện quê hương và người ở lại  (22/12/2005)
Chiến sĩ ta đùa trong ca dao  (21/12/2005)
Vẻ đẹp của chữ trong Chữ người tử tù (*)  (20/12/2005)
Tưởng niệm 20 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu  (20/12/2005)
Người giữ lửa cho làng  (19/12/2005)
Phát hiện một tác phẩm điêu khắc đá cổ  (19/12/2005)
Di cảo của nhà thơ Quách Tấn - một thời vang bóng  (18/12/2005)
Trẩy hội Hoa Đà Lạt năm 2005  (18/12/2005)
Tạp bút: Chiếc bè mùa lụt  (18/12/2005)
Tiềm năng lớn, nhưng còn khó khăn nhiều  (16/12/2005)