Giải đi sớm (*) và Chiều tối (*) là hai bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh được sáng tác trong thời gian Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trong mạch cảm hứng tự họa, Giải đi sớm và Chiều tối là hình tượng người tù trên con đường chuyển lao.
Trong thời gian bị bắt, Bác thường bị dẫn đi từ hết nhà lao này đến nhà tù nọ. "Quảng Tây giải khắp mười ba huyện - Mười tám nhà lao đã ở qua" (Đến cục chính trị chiến khu IV). Trung bình mỗi ngày, người tù Hồ Chí Minh phải di chuyển hơn 50 km nên hiện lên trong Giải đi sớm và Chiều tối là một người tù luôn đối mặt với thử thách.
Nỗi khổ đầu tiên của Bác là bị giải đi từ rất sớm. "Gà gáy một lần đêm chửa tan", thời gian mới quá nửa đêm, người tù đã phải "cất bước trên đường thẳm". Quãng thời gian về sáng vốn là lúc con người đang ngủ ngon, bị dựng dậy, chuyển đi thật chẳng dễ chịu chút nào. Đã có lúc, vì trời tối, Bác "trượt chân nhỡ bước sa vào hố". Còn trong trường hợp Giải đi sớm, thử thách đến với người tù là thời tiết khắc nghiệt. Những trận gió thu thổi thốc vào mặt người tù, rét buốt. "Rát mặt đêm thu trận trận hàn".
Một ngày chuyển lao của Bác thường kéo dài tới tận tối. "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không" (Chiều tối). Chiều tối là thời điểm cuối của một ngày. Theo lẽ tự nhiên, đó là lúc con người và vạn vật có nhu cầu được nghỉ ngơi sau một ngày vận động mệt nhọc. Con chim đã về rừng tìm chỗ ngủ, áng mây lẻ loi đang trôi về phía chân trời… Có gì ẩn chứa trong hình ảnh cánh chim và chòm mây kia? Hẳn là một tâm sự, một mong mỏi được dừng chân. Con người ta mỗi khi là nạn nhân của những hành động trái lẽ tự nhiên thường phẫn nộ và ca thán. Bác có phẫn nộ nhưng không than khóc số phận. Trái lại, Người đã vượt lên, chịu đựng và chiến thắng. Là thân phận người tù nhưng Bác xem mình là "chinh nhân" đang chủ động trên con đường chiến đấu. Ý thơ "nghênh diện thu phong trận trận hàn" một phần nào đó cho thấy bản lĩnh vững vàng, chất "thép" Hồ Chí Minh.
Hình tượng người tù Hồ Chí Minh trong Giải đi sớm và Chiều tối còn là hình tượng một người nghệ sĩ. Bác có quan điểm rất rõ ràng: "Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng/ Vui say ai cấm ta đừng/ Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu" (Trên đường đi). Bỏ qua những trạng thái buồn bực có thể có, Bác hướng tâm hồn mình ra với thế giới thiên nhiên, với cuộc sống con người. Hành động hướng ngoại này đã giúp Bác có được những niềm vui say. Trước hết, đó là cái vui say với cảnh ban mai. Người như cảm nhận được cái hơi ấm của vũ trụ đang lan toả. Người tù phút chốc hóa thành một nghệ sĩ, rộng mở tâm hồn giao hòa với thiên nhiên đất trời.
Tâm hồn Bác cũng có những phút giây nồng ấm trong cảm xúc về cuộc sống con người. Hai câu cuối bài thơ Chiều tối là tình cảm của Bác đối với người dân miền sơn cước. "Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng". Hình ảnh người con gái xay ngô, chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình hiện ra trong câu thơ thật đẹp. Đó là cái đẹp của một đời sống giản dị, thuận lẽ tự nhiên. Lò than, lửa đã cháy lên như một tín hiệu của sự sống không bao giờ ngừng nghỉ.
Thơ Bác luôn có sự vận động của hình tượng từ bóng tối ra ánh sáng. Sự vận động đó đã phản ánh tâm hồn Bác, tấm lòng Bác, dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn luôn tin yêu và hướng về cái đẹp của cuộc sống. Phong cách sống này làm nên giá trị nhân văn cho những vần thơ Hồ Chí Minh.
(*) Giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12.
|