Tìm trong Không gian cội nguồn (*)…
15:11', 30/12/ 2005 (GMT+7)

Nguyễn Quốc Hùng là người "trót vay dáng dấp cội nguồn". Cũng thật dễ hiểu, bởi tác giả sinh thành và lớn lên trên một mảnh đất đẫm đầy huyền tích của một xứ sở đã qua bao thăng trầm hưng phế của lịch sử. Trên mảnh đất ấy, đọng lại trong bóng thời gian, những đền tháp, những chuyến xe thổ mộ, và cả trong những hoài nhớ không nguôi của mỗi con người. Tác giả vay mượn từ nguồn cội quê hương làm mạch ngầm nuôi dưỡng và cũng là chất liệu cho sáng tạo, chắt chiu lại, thành Không gian cội nguồn (tên phòng tranh của Nguyễn Quốc Hùng vừa được khai mạc tại trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh hôm 26-12).

 

          "Chămpa huyền thoại và hiện thực 4" - sơn dầu.

 

27 tác phẩm, nhiều chất liệu nhưng tụ lại trong phòng tranh vẫn là ba mảng chủ đề: Chăm pa huyền thoại và hiện thực; phong cảnh quê hương, đất nước; và một mảng khác, tạm gọi là hiện thực đời sống hôm nay. Trong đó, mảng thứ ba thể hiện một sự cố gắng bứt phá của tác giả, ít nhất là trong đề tài, thể hiện mong muốn tiếp cận những vấn đề từ mạch nguồn đời sống hôm nay. Nhưng ngay cả như vậy thì mạch nguồn ấy vẫn được nhìn qua lăng kính của một con người thấm đẫm tâm thức cội nguồn. Hãy xem Trên sân ga, Kéo thuyền… có chút gì đó ám ảnh, từ những dáng người, từ màu trời ngả xám. Có khác chăng, ấy là Điểm sáng Khu Kinh tế Nhơn Hội nhưng bức tranh này dường như còn quá ôm đồm chi tiết. Do vậy, có phần hơi rối và chưa thể hiện rõ chủ đề. Hẳn nhiên, đi vào những chủ đề như vậy không phải là sở trường của Nguyễn Quốc Hùng.

Và Nguyễn Quốc Hùng đã ở lại, bằng Không gian cội nguồn. Những ngọn tháp cổ trên gam màu ngả tím như hoài niệm; những phong cảnh quê hương có chút gì man mác, như gợi nhớ, như yêu thương. "Gom cả chiều tháp cổ"- tự dưng trong đầu tôi bật lên câu thơ ấy khi đứng trước những Chăm pa huyền thoại và hiện thực 1, 2, 3, 4. Không gian, vừa là thực đấy, lại vừa như là mơ đấy, hiện hữu đấy mà lại như đắm chìm trong quá vãng. Và để tái hiện không gian cội nguồn như vậy, hẳn nhiên tác giả của nó vận dụng bút pháp khá hoạt. Có thể, nó không đúng với cái nhìn hiện thực của mắt thường, nhưng lại đúng với hiện thực của tâm hồn người.

 

                                    "Thiếu nữ" - acrylic.

 

Và không gian cội nguồn, hẳn nhiên là một "kênh" riêng của Nguyễn Quốc Hùng, có thể tạo thành một phong cách riêng của tác giả. Nhưng chính ở đây, ta lại hơi thấy tiếc khi bắt gặp những sự lặp lại, tác giả dường như vẫn chưa tự vượt được chính mình, dù có lúc đã cố chọn cho mình một hướng đề tài khác để tiếp cận. Lại thêm, đôi lúc, ta như bắt gặp trên một vài không gian tranh một sự dang dở, như mới chỉ dừng lại ở những phác thảo. Tác giả chưa đi đến tận cùng cảm xúc, chưa đi đến tận cùng của những sáng tạo. Đó là chưa nói đến chuyện, ngay cả khi "trót vay dáng dấp cội nguồn" thì điều người thưởng lãm mong muốn vẫn là tác giả phải biết đứng trên dáng nét cội nguồn ấy để vươn tới những gì cao hơn, xa hơn… 

Không gian cội nguồn đánh dấu chặng đường 5 năm hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Quốc Hùng nhưng xem ra chặng đường ấy vẫn chưa bứt lên được từ Không gian của tôi (tên triển lãm cá nhân của Nguyễn Quốc Hùng vào năm 2000).  

  • Lê Viết Thọ 

(*) Không gian cội nguồn - triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Hùng, tại trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, mở cửa từ ngày 26-12.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhạc sĩ Chung Thế Nghiệp: "Lặng nghe mùa xuân về"  (30/12/2005)
Thơ Trần Quang Khanh  (30/12/2005)
Đắc Kỷ Trụ Vương  (30/12/2005)
Giao lưu, giới thiệu sáng tác trẻ  (29/12/2005)
Khởi công trùng tu và tôn tạo di tích tháp Dương Long  (29/12/2005)
"Hạt mưa rơi bao lâu" đoạt giải tại LHP Ấn Độ  (28/12/2005)
Không gian cội nguồn: Huyền thoại và hiện thực  (28/12/2005)
Phục hồi thành công vở Diễn Võ Đình của Đào Tấn  (27/12/2005)
Hình tượng người tù trên con đường chuyển lao  (27/12/2005)
Khai mạc phòng tranh Không gian cội nguồn của họa sĩ Nguyễn Quốc Hùng  (27/12/2005)
Cái lý đáng yêu của chàng trai Mông đi tìm vợ  (26/12/2005)
"Biển và tôi" lên sóng truyền hình trong dịp Tết Bính Tuất  (25/12/2005)
Bài ca Giáng sinh ra đời như thế nào ?  (23/12/2005)
Sân khấu ca nhạc 2005: Sân chơi nhiều, ngôi sao ít  (23/12/2005)
Thơ Thạch Bi Sơn, Huỳnh Đình Minh  (23/12/2005)