Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, một số địa phương ở Bình Định có các lễ hội vui xuân. Sau đây là một số lễ hội (LH) mùa xuân được tổ chức vào dịp Tết Ất Dậu này…
|
Hầm Hô ngày Tết |
1. Khai màn cho những hội xuân trên đất Bình Định chính là hội chợ Gò (thị trấn Tuy Phước - Tuy Phước). Chợ Gò chỉ họp mỗi năm một phiên, vào mùng một Tết. Theo chuyện dân gian thì mùa hè năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh cho quân đánh chiếm Quy Nhơn. Mùa xuân năm Canh Thìn (1800) hai dũng tướng của nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh đem ba vạn quân vào Quy Nhơn. Quân Tây Sơn trấn giữ và tiến công trên cả hai mặt trận, nhiều lần đánh lui thủy quân của địch vốn được trang bị bằng tàu thuyền và khí giới phương Tây. Trong đội quân vây thành và trấn giữ cửa biển Quy Nhơn này, chủ yếu là người Đàng Ngoài vào. Để cổ vũ tinh thần quân sĩ nguôi đi nỗi nhớ nhà, hai võ tướng đã cho tổ chức hội vui xuân trong ba ngày Tết. Địa điểm được chọn là gò đất nằm sát núi Trường Úc bên bờ sông, địa thế đẹp, ở khoảng giữa Thị Nại lên thành Hoàng Đế, tiện cho quân sĩ cả hai nơi đến chơi hội.
Ngày nay, đi hội chợ Gò, vẫn là một phong tục đẹp đầu năm của người dân quanh vùng. Đi một vòng quanh chợ, chịu một tuổi mới, với bao ước nguyện và hy vọng. Mua một vài món đồ, thường là mua trầu cau, chính là để cầu lấy cái may mắn đầu năm. Bên cạnh những hàng quán bán - mua nhộn nhịp, bạn sẽ được tham dự vào một chương trình hội náo nhiệt. Sau các tiết mục ca nhạc, võ dân tộc, là những màn thi múa lân đặc sắc. Thu hút nhất vẫn là trò chơi đậm chất dân gian như: múa lân, chọi gà, đập niêu… Cũng xin mách bạn, ngay sau hội chợ Gò, vào chiều mùng 2 Tết, bạn có thể về xã Phước Hòa dự hội đua thuyền trên sông Gò Bồi.
2. Nói đến những LH xuân trên đất Bình Định hẳn chúng ta sẽ nhớ ngay đến LH Đống Đa. LH được tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng hàng năm tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Năm nay, không phải là năm chẵn nên LH được tổ chức đơn giản hơn nhưng không kém phần long trọng. Tuy nhiên, ngoài việc trẩy hội vào sáng mồng 5 Tết, cảm nhận không khí mùa xuân đang về với dòng người nô nức vào Bảo tàng Quang Trung, bạn hãy đến dự lễ vào mồng 4 Tết. Dự lễ dâng hương, thành kính tưởng niệm ba anh em Tây Sơn, trầm ngâm bên cây me cũ, bến trầu xưa, đó chẳng là lúc tâm hồn ta đang trở về với mạch nguồn tâm thức dân tộc. Lại nữa, lắng lòng mình, dõi theo từng cử chỉ cúng tế đầy tôn kính của các bô lão làng Kiên Mỹ, nghe lời văn tế, bạn sẽ thấy kính phục xiết bao trước những người dân bình thường ấy. Chính họ, với lòng tự hào và tôn kính những người anh hùng quê hương, bằng cách này hay cách khác giữ gìn và lưu truyền hình ảnh đẹp đẽ về những người con yêu dấu của quê hương mình.
3. Ngày mùng 5 Tết, bạn đừng quên ghé dự LH kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đèo Nhông- Dương Liễu (Phù Mỹ). Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu năm 1965 là một mốc son sáng chói đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang khu 5 và mở đầu một kỷ lục mới về tiêu diệt sinh lực địch của quân và dân Bình Định. Ngay từ chiều mùng 4 Tết (12-2), tại di tích Đèo Nhông- Dương Liễu đã có triển lãm trưng bày bộ ảnh lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, thành tựu 30 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng những hình ảnh về chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu. Cũng trong chiều và tối mùng 4 Tết, sẽ diễn ra thi đấu bóng chuyền và biểu diễn nghệ thuật tuồng. Sáng mùng 5 Tết, sau nghi thức lễ dâng hương, múa rồng, múa lân sẽ là phần hội với các hoạt động văn hóa - thể thao như chương trình văn nghệ chủ đề Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng chiến thắng vinh quang, biểu diễn võ thuật, giao lưu tìm hiểu về lịch sử chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, các trò chơi dân gian như đập ấm, đẩy gậy, đấu vật, kéo co và các cuộc thi đấu thể thao: đá cầu, bóng chuyền, đấu cờ tướng…
|
Hội Xuân chợ Gò |
4. Cùng thời gian với LH Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, vào sáng mùng 5 Tết, sẽ diễn ra LH kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đồi 10 tại di tích Đồi 10 (xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn). Ngoài mít - tinh kỷ niệm cùng một chương trình văn nghệ chào mừng, được chú ý nhiều là giải việt dã truyền thống mang tên Vượt đồi 10 do huyện Hoài Nhơn tổ chức. 17 xã, thị trấn trong huyện sẽ tham gia giải việt dã này. Mỗi vận động viên các đoàn đều mang theo một lá cờ Tổ quốc, có giải riêng cho người mang cờ về đích trước.
5. Ra Tết, bạn cũng đừng quên ghé thăm một số LH dân gian được tổ chức trong tháng Giêng. Đó là vía Chùa Ông (An Nhơn) vào ngày 12 tháng Giêng, vía Bà ở Nhơn Phong (An Nhơn) vào hai ngày 16 và 17 tháng Giêng; tổ nghề dệt Phương Danh (An Nhơn) vào 21 tháng Giêng; LH làng rèn Phương Danh (Đập Đá - An Nhơn) tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch tưởng nhớ đến vị tổ nghề Đào Giả Tượng…
Sau những tháng ngày tất bật suốt một năm, hãy đến với những lễ hội xuân, để được sống trong không gian cộng cảm cộng đồng. Mùa xuân đã sang, hội xuân đã mở, mời bạn...
. Lê Viết Thọ |