Công chúng Bình Định với nghệ thuật tuồng
10:33', 5/2/ 2005 (GMT+7)

Nói đến nghệ thuật Tuồng (vẫn thường gọi là hát bội hay hát bộ) là nói đến môn nghệ thuật sân khấu lâu đời nhất của dân tộc ta, được nhiều thế hệ nghệ sĩ giữ gìn và vun bồi. Nổi lên có Đào Duy Từ được coi là Tiền Tổ (người có công khơi dựng nghiệp Tuồng) và Đào Tấn được tôn vinh làm Hậu Tổ nghệ thuật Tuồng, đã "nâng nghệ thuật Tuồng từ hình thái sân khấu dân gian lên hình thức sân khấu cung đình và bác học".

Cảnh trong vở San Hậu do Nhà hát Tuồng Đào Tấn biểu diễn (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Bằng phương pháp cách điệu hóa hiện thực với những quy tắc hoàn chỉnh, nghệ thuật sân khấu Tuồng đã tạo nên những trình thức khá độc đáo mang tính tượng trưng, ước lệ cao, giúp sân khấu Tuồng tái hiện cuộc sống được tập trung, cô đọng và đậm nét hơn. Rồi từ khi có đường lối của Đảng, lĩnh vực Văn hóa - Văn nghệ (trong đó có nghệ thuật sân khấu truyền thống) được chú trọng phục hồi, phát huy và nâng tầm vị trí xã hội.

Trong các yếu tố làm cho nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc được Bảo tồn và Chấn hưng đến hôm nay thì yếu tố Công chúng (người xem - khán giả) là yếu tố vô cùng quan trọng không thể thiếu vắng, không thể ngoài cuộc. Ở bài viết này, xin được giới thiệu đôi nét về Công chúng Bình Định với nghệ thuật Tuồng qua ca dao, hò vè. Đó là sự yêu quý đến ham mê của người Bình Định, xem nghệ thuật tuồng như một món ăn đặc biệt bổ dưỡng tinh thần.

Không biết từ bao giờ, xuất phát ở đâu, trong dân gian Bình Định đã có những câu ca dao, hò vè được lan truyền:

Tai nghe trống Chiến

Không khiến cũng đi

Nghe dục trống Chầu

Đâm đầu mà chạy

Nghe trống Chiến trỗi lên biết là có hát Tuồng thì không cần ai mời, ai bảo cũng đi xem. Tiếng trống Chầu giục giã, thôi thúc người ta phải đâm đầu mà chạy để khỏi lỡ buổi xem Tuồng.

Có người thì lại mê Tuồng đến mức quên cả chuyện gia đình:

Hát bội làm tội người ta

Bỏ cửa bỏ nhà cũng vì hát bội

Và nếu biết hát, biết diễn Tuồng thì đó sẽ là một sản phẩm để người con thuyết phục người mẹ khó tính và chắc rằng mẹ cũng thích điều đó thì con mới nói ra:

Má ơi đừng đánh con đau

Để con hát Bộ, làm đào má coi

Ở trường hợp khác:

Trồng trầu thả lộn dây tiêu

Con mê hát Bội, mẹ liều con hư.

Nghe câu ca này, có thể mỗi người nghĩ theo mỗi khía cạnh. Chúng tôi thì nghĩ về khía cạnh tích cực là hát bội rất hấp dẫn, bởi hấp dẫn nên mới mê. Cũng phải thôi, không những thường dân mà ngay cả các hàng quan lại cho đến vua chúa (như Tự Đức) cũng mê hát bội, tham gia vào những việc làm cho hát bội hưng thịnh (dưới thời triều Nguyễn).

Rất đông công chúng Bình Định mê xem hát Tuồng không chỉ để thưởng thức nghệ thuật đơn thuần mà còn thể hiện sự am hiểu, biết phân biệt cái đúng cái sai, chỗ hay chỗ dở.

Bài "Vè xem Hát Bội" sau đây là một dẫn chứng:

Nghe dục trống Kỳ

Rủ nhau mà đi

Đến làm chật chỗ

Lúc này không ngộ (hay)

Mới đánh đầu tuồng

Chạy thẳng vô buồng

Thấy hai chú tướng

Tướng này không sướng

Không bằng tướng kia

Ai dìa thì dìa (về)

Tui coi tới sáng

Mà không chỉ biết bình phẩm nghệ thuật, họ còn nhớ cả những hình tượng biểu diễn của từng nhân vật trong tuồng (được liên tưởng thông qua bài tả cảnh người ghiền thuốc phiện đang nằm hút hít):

Tay cầm gươm bạc như Triệu Tử huơ đao

Miệng ngậm ống như Trương Phi ngậm tửu (rượu)

Mắc liếc đèn như Lưu Bị nhìn sao

Cẳng (chân) tréo hoe như Khổng Minh ngồi xem sách.

Yêu quý - ham mê nghệ thuật Tuồng làm cho số đông trong công chúng Bình Định trở nên "sành điệu". Họ thuộc làu nhiều tuồng tích, thậm chí cả ý tứ văn chương; biết rõ nghệ sĩ, nghệ nhân nào diễn giỏi vai Đào, Kép, Lão, Tướng, Nịnh hoặc Hề trong vở nào; biết vị nào là chức Chánh ca, Phó ca, Đội, Nhưng, Bầu; một số cá nhân, tổ chức đã thành những "mạnh thường quân" thực sự của nghệ thuật Tuồng.

Chẳng vậy mà phong trào Tuồng ở Bình Định rất mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng: có thời kỳ có tới trên 60 đội Tuồng hành nghề khắp mọi nơi (vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa dân dã), nhiều nghệ nhân nổi tiếng một vùng. Nghệ thuật Tuồng luôn được thỉnh mời hát đình, hát miễu, hát án (cầu ngư), hát lễ… đã trở thành một tập tục văn hóa thiêng liêng từ xưa cho đến bây giờ. Ấy cũng là một số trong những điều để chúng ta hiểu vì sao Bình Định được mệnh danh là "chiếc nôi của nghệ thuật Tuồng".

Thực tiễn cho thấy: Công chúng Bình Định với nghệ thuật Tuồng là mối quan hệ sinh - dưỡng, là nguồn cổ vũ hữu hiệu cho những người làm nghề, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật dân tộc. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp, đáng được khích lệ và cần được lưu truyền.

. Theo Đào Duy Kiền

(Tạp chí Văn hóa Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lopez và Anthony song ca tại lễ trao giải âm nhạc Grammy  (04/02/2005)
Câu đối, thơ chúc Tết kháng chiến của Bác Hồ  (04/02/2005)
Dạ hội "Mừng Đảng, mừng Xuân Ất Dậu 2005"  (03/02/2005)
Nhiều nghệ sĩ hải ngoại trở về Việt Nam  (02/02/2005)
Gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân  (01/02/2005)
Đi hội xuân  (01/02/2005)
Thư pháp ngày xuân  (31/01/2005)
Mùa xuân nhớ khúc đồng dao  (31/01/2005)
Tết sớm  (31/01/2005)
Hoa mai, linh hồn của mùa xuân đất Việt  (31/01/2005)
Góp sắc cho Xuân  (31/01/2005)
Mùa xuân mùa hoa cải  (31/01/2005)
Phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu văn học  (31/01/2005)
Bức tranh gà dân gian  (31/01/2005)
Giọt nước mắt chảy ngược  (30/01/2005)