Ca khúc "Mùa xuân" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn:
Nồng nàn hơi thở mùa xuân
10:45', 7/2/ 2005 (GMT+7)

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có nhiều điều lạ trong cuộc sống và trong sáng tác âm nhạc. Phải nói anh bôn ba nhiều. Quê thì ở Hưng Yên nhưng anh lại được sinh ra ở Phnôm Pênh, Campuchia.

18 tuổi, anh chàng Phạm Văn Thành (tên khai sinh của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn) hăng hái tham gia kháng chiến trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Được học âm nhạc không bao nhiêu nhưng Thành rất ham sáng tác và tự rèn luyện nghề nghiệp cũng như tích lũy vốn kiến thức âm nhạc qua dòng nhạc dân gian. Chỉ ba năm sau, năm 1963, bài hát Qua sông và cái tên Phạm Minh Tuấn đã được trình làng, và được công chúng đón nhận.

Lời dự báo của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong bài hát Qua sông đã trở thành hiện thực. Hàng triệu người nghe đến nay vẫn nhớ lời ca đầy tính lạc quan của chiến sĩ giải phóng quân náo nức vào mặt trận:

Thuyền em, thuyền em rẽ sóng sang sông

Em đưa đoàn quân giải phóng qua sông ra chiến trường…

Rồi mai đây làng quê ta bừng sáng đón anh về mừng chiến thắng reo vang

Có thể nói bài hát Qua sông là tác phẩm tiêu biểu mở đầu cho phong cách âm nhạc đầy lạc quan và độc đáo về hình tượng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Và chính bài hát này nằm trong chùm 3 ca khúc ông được giải thưởng văn học-nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965).

Sau này nhạc sĩ còn có những ca khúc hay có sức truyền bá rộng rãi như: Bài ca không quên, Đường tàu mùa xuân, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Mùa xuân từ những giếng dầu, Đất nước, Khúc ca đảo yến… Trong đó Bài ca không quên, sáng tác trong phim cùng tên đã đem lại vinh quang lớn cho ông qua giọng hát lừng danh Cẩm Vân và nhiều ca sĩ tên tuổi khác.

Tuy nhiên, mỗi khi mùa xuân đến người ta lại nhớ nhiều đến những bài hát về mùa xuân của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn như Đường tàu mùa xuân, Mùa xuân từ những giếng dầu, Mùa xuân… với một hơi thở nồng nàn âm hưởng xuân. Trong đó phải kể đến ca khúc Mùa xuân phỏng thơ của nữ thi sĩ Hồng quân Liên xô (cũ) là Êlêna Sưpơman. Bài thơ viết về chiến tranh, với hình tượng người chiến sĩ gắn liền với hình ảnh mùa xuân. Bài hát được diễn tả trong một khúc thức tự do với một sự xúc động mãnh liệt:

Một mai anh chiến thắng trở về. Đôi vai gầy và đôi mắt sâu.

Tóc đã điểm bạc. Làn da nay rám màu sương gió.

Ca từ tiếp theo đã cho biết nguyên nhân vì đâu mà người chiến sĩ như thế:

Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa

Kịch tính đã xảy ra, và ca khúc diễn tả thật tài tình khoảnh khắc này:

Em nhận ra anh và từ đấy em nhận ra anh

không phải trong thơ không phải trong mơ

Em chồm dậy chạy đến rồi khóc

Và kết đoạn là hình ảnh trong sáng, làm nổi bật hình tượng người chiến sĩ và bóng dáng của mùa xuân:

Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím

Và anh nói tặng em mùa xuân….

Bài hát đã thể hiện được kịch tính và cao trào của âm nhạc Phạm Minh Tuấn.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thủy chung với dòng nhạc của mình ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng. Nhạc sĩ là một trong những người tiêu biểu cho lớp nghệ sĩ trọn vẹn cống hiến sự nghiệp của mình cho cách mạng dân tộc. Đối với thế hệ trẻ, nhạc sĩ truyền đạt sâu sắc những cảm xúc nồng nàn qua những sáng tác về Tổ quốc, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và những ước mơ hướng tới một tương lai tươi sáng.

Nhạc sĩ đã nhận được nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

. Thùy Dung

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu đối ứng khẩu của Bác Hồ hồi nhỏ  (06/02/2005)
Một công ty Mỹ mua bản quyền "Mê thảo - Thời vang bóng" với giá 52.000 USD  (05/02/2005)
Công chúng Bình Định với nghệ thuật tuồng  (05/02/2005)
Lopez và Anthony song ca tại lễ trao giải âm nhạc Grammy  (04/02/2005)
Câu đối, thơ chúc Tết kháng chiến của Bác Hồ  (04/02/2005)
Dạ hội "Mừng Đảng, mừng Xuân Ất Dậu 2005"  (03/02/2005)
Nhiều nghệ sĩ hải ngoại trở về Việt Nam  (02/02/2005)
Gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân  (01/02/2005)
Đi hội xuân  (01/02/2005)
Thư pháp ngày xuân  (31/01/2005)
Mùa xuân nhớ khúc đồng dao  (31/01/2005)
Tết sớm  (31/01/2005)
Hoa mai, linh hồn của mùa xuân đất Việt  (31/01/2005)
Góp sắc cho Xuân  (31/01/2005)
Mùa xuân mùa hoa cải  (31/01/2005)