Thơ thiếu nhi viết nhiều về hình tượng con Gà. Từ hình tượng này, mỗi nhà thơ sẽ có những cách thể hiện riêng. Chỉ mỗi tiếng kêu không thôi mà ta đã bắt gặp một thế giới đa thanh.
Phổ biến là những tiếng kêu tự nhiên quen thuộc: "chiếp chiếp" của Gà con, "cục tác"/ "tục tục" của Gà mái mẹ, "ò…ó…o" của Gà trống.
Nhưng thú vị hơn là những âm thanh tự nhiên đó, qua cảm nhận của các nhà thơ đã trở thành những "tiếng nói" mang một ý nghĩa xã hội nhất định nào đó. Hãy bắt đầu bằng việc quan sát bài thơ sau đây:
Có kẻ lách vào vườn
Trưa hè yên ả quá
Nắng tưới vàng vườn cây
Chợt cành lá lay lay
Chuối quạt tàu phành phạch
Chim kêu vang lách chách.
Có kẻ lách vào vườn
Lúc người đang ngủ ngon.
Mái hoa bèn vỗ cánh
Hô: - cảnh giác! cảnh giác!
Trống cồ dướn cổ lên
Gào: - đuổi bắt! đuổi bắt!
Vện già nghếch cao đầu
Hỏi dồn: - đâu? đâu? đâu?
Mèo vàng phóng một lèo
Khản giọng: - theo! theo! theo!
Vịt bầu chạy té tát
Kêu ồn lên: - phạt! phạt!
Lát sau lại yên ả
Cả lũ nhe răng cười:
Bị mắc lừa cơn gió!
Bài thơ trên đây của tác giả Phạm Đình Ân miêu tả cảnh các con vật đuổi bắt thủ phạm phá hoại vườn rau. Mỗi con bằng tiếng nói riêng của mình đã thể hiện một cách sinh động tinh thần "hiệp đồng tác chiến" cao. Có thể nói, tác giả Phạm Đình Ân đã khéo xử lý tiếng kêu của các con vật, trong đó có Mái hoa và Trống cồ khiến cho bài thơ thêm phần thú vị.
Tuy nhiên, tác giả "Có kẻ lách vào vườn" chưa phải là người đầu tiên miêu tả tiếng kêu của các con vật theo cách này. Trước đó, các nhà thơ như Phạm Hổ, Huy Cận… đã làm. Cả hai nhà thơ này đều chú ý tới tiếng kêu của Gà mái khi đẻ trứng.
Con Gà mái của Phạm Hổ nhờ siêng năng kiếm ăn "đi cùng, đi khắp - cái chân bới nhanh - cái mỏ nhặt gấp " nên có nguồn trứng vô tận. Gà mái tự hào:
Hôm qua một quả
Hôm nay một quả
Mai lại đẻ thêm
Ngày kia đẻ tiếp
Đẻ hoài "không hết!"
"Không hết! Không hết!"
(Gà đẻ)
Còn con Gà mái của nhà thơ Huy Cận lại tràn đầy "tinh thần hợp tác". Tiếng kêu của Gà mái vì thế là tiếng gọi bầy đàn chung sức xây dựng cuộc sống mới:
Gà mái giục luôn:
Hợp tác! Hợp tác!
Đẻ trứng cho tròn
Đừng bới tung rác!
(Mỗi sớm mai về)
Liên quan đến Gà mái xin nói thêm trường hợp bài thơ "Khi gà con ra đời" của Trần Mạnh Hảo. Bài thơ có đoạn như sau:
Gà mẹ mừng: giục giục
Nghe rõ Gà con kêu
Tiếng chào đời ra trước
Chú Gà con ra sau
Biết bao yêu thương, mong chờ trong tiếng kêu " giục giục" đó.
Những trường hợp trên cho thấy: chỉ một tiếng Gà mà người viết cho thiếu nhi đã có lắm "ngả đường" sáng tạo. Nhờ thế, những sự vật quen thuộc qua ngòi bút nhà thơ vẫn cứ khiến cho các em biết bao điều mới lạ.
. Lê Nhật Ký
|