Đọc truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân hẳn chúng ta nhớ câu nói sau đây của bà cụ Tứ với người con trai: "Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem… ".
Hoàn cảnh rộng của câu nói trên là nạn đói năm 1945. Đó là một sự kiện khủng khiếp trong lịch sử đời sống dân tộc. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận: "Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kì, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói". Trong tác phẩm của mình, Kim Lân cũng đã miêu tả cảnh "người chết như ngã rạ", đâu đâu cũng có thể bắt gặp mùi chết chóc. Người đang sống thì cũng lắt lay…
Hoàn cảnh hẹp của câu nói là bữa cơm gia đình Tràng với sự hiện diện của người "vợ nhặt". Gọi là bữa cơm nhưng kỳ thực chỉ có "một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo". Rau, cháo ít ỏi nên ngay sau đó bà cụ Tứ phải bổ sung thêm món "chè khoán" (cháo cám) mà mới ăn một miếng, Tràng đã cảm thấy "đắng chát và nghẹn bứ trong cổ".
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, con người ta thường dễ buông xuôi bất lực "mặc cho con tạo xoay vần". Theo đó, con người ta hoặc là im lặng, hoặc là ca thán số phận. Bà cụ Tứ đã không làm như vậy. Bà vẫn nhen nhóm ước mơ về tương lai. Câu nói của bà với Tràng chất chứa biết bao hy vọng trong đó. Bà mong có tiền để mua lấy đôi gà và tin rằng, chẳng mấy chốc sẽ có một đàn gà. Cuộc sống gia đình bà sẽ đổi thay theo sự sinh sôi đó. Cần thấy rằng, ước mơ của bà cụ Tứ có cơ sở từ thực tế đời sống. Ta là một nước nông nghiệp thiên về trồng trọt. Chăn nuôi, do khí hậu thời tiết nên phát triển rất hạn chế. Ngày trước, người nông dân chỉ giới hạn trong phạm vi chăn nuôi nhỏ. Chính thực tế này đã làm nảy sinh ở người nông dân khát vọng có gia súc, gia cầm đàn đàn lũ lũ. Không phải ngẫu nhiên mà hai bức Gà đàn và Lợn đàn của dòng tranh Đông Hồ được người nông dân yêu thích, trở thành những bức tranh Tết tiêu biểu. Ấy vì chúng nói được cái khát vọng giản dị mà lớn lao của người nông dân hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Theo "quán tính văn hóa truyền thống" đó, bà cụ Tứ cũng đã xây đắp ước mơ của mình từ một đôi gà. Nhưng còn điều này nữa: mẹ con bà là dân ngụ cư, ruộng vườn không có nên nuôi lấy đôi gà là phù hợp hơn cả.
Đôi gà trong ước mơ của bà cụ Tứ giữa những ngày nạn đói hoành hành đã thể hiện được một khía cạnh tốt đẹp trong đời sống tinh thần của người nông dân Việt Nam. Nền tảng văn hóa nông nghiệp đã giúp cho họ có được nhận thức tích cực về sự vận động của đời sống. "Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, khó ba đời… ". Lời tâm tình của bà cụ Tứ với con đã thể hiện được triết lý sống của người Việt. Đó chính là triết lý sống lạc quan, tin tưởng vào ngày mai.
Từ câu chuyện đôi gà ước mơ của bà cụ Tứ, chúng ta không thể không nhắc đến bài ca dao Mười cái trứng.
Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn tháng khốn tháng nạn
Đi vay, đi dạm được một quan tiền
Ra chợ kẻ Diên mua con gà mái về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Còn ba trứng nở ra ba con:
Con diều tha
Con quạ bắt
Con cắt lôi
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây
Bài ca dao gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Nhân vật trữ tình của bài ca gặp đầy rủi ro, tai họa. Nhưng không những không than phận khó, nhân vật trữ tình còn thể hiện một niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống: "Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây".
Lời nói của bà cụ Tứ, bài ca dao Mười cái trứng… là những biểu hiện sinh động cho triết lý lạc quan của người Việt xưa nay.
Phát hiện và miêu tả điều này, nhà văn đã tự làm giàu thêm giá trị nhân đạo cho ngòi bút của mình.
. Lê Nhật Ký |