Một số nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ba na
10:7', 16/2/ 2005 (GMT+7)

Với đồng bào Ba na, ngoài cồng chiêng còn có một số nhạc cụ truyền thống được làm bằng những chất liệu đơn sơ của núi rừng nhưng nó mãi gắn bó với đời sống tinh thần, mang đậm nét văn hóa cộng đồng và âm vang của núi rừng.

Đàn Tơ rưng của người Ba na

* Đàn Tơ rưng: Có 2 loại, nếu đàn đơn thì được ghép từ 12 đến 14 thanh lại với nhau, còn đàn đôi thì ghép theo từng cặp thanh; đàn đôi có từ 24 đến 28 thanh, vật liệu ghép đàn là cây nhơn hoặc cây lồ ô, nếu dùng cây nhơn thì có độ cứng và âm thanh tốt hơn. Trên tất cả các thanh một đầu được bịt kín, đầu kia được vót nhọn và mỗi thanh có độ dài, ngắn khác nhau để phát ra những âm thanh tương ứng. Với âm thanh vui nhộn của tiếng đàn Tơ rưng bà con thường sử dụng để đệm theo bài ca mỗi khi trai tráng trong làng tập trung tại nhà rông đánh đàn này để vui chơi. Đàn Tơ rưng có hai người đánh, một đánh nhịp, còn người kia đánh theo từng nốt nhạc. Khi sử dụng nếu ở tư thế đứng thì treo ngang, các thanh ngắn hướng về phía người đánh, nếu ngồi đánh thì đàn được treo cao hơn đầu người từ 30 đến 40 cm. Hiện nay đàn Tơ rưng là nhạc cụ phổ biến ở các làng đồng bào Ba na.

* Đàn Hơ đâng: Là loại đàn 1 dây được làm bằng cây nhơn, trên ống có gắn 5 "mắc mèo" để điều chỉnh âm thanh, dây kéo được làm bằng trái sầm. Dù chỉ có một dây nhưng nhờ thao tác điều chỉnh liên tục tại các mắc nên âm thanh phát ra từ đàn Hơ đâng rất phong phú. Đây là nhạc cụ mang đậm nét trữ tình thường được bà con sử dụng vào lúc gà gáy, khi dậy sớm nấu cơm để chuẩn bị lên nương; họ mượn tiếng đàn lúc trầm lúc bổng trong không gian còn yên tĩnh để thể hiện tình cảm của mình. Các đôi trai gái thường gửi gắm tình cảm qua loại nhạc cụ này.

Đàn Bầu của người Ba na

* Đàn Bầu: Được làm bằng những quả bầu rỗng ruột gắn vào một thanh nứa, trên thân có đặt nhiều nốt điều chỉnh, tùy độ ngắn, dài của đàn bà con có thể sử dụng từ 2 đến 12 dây khác nhau. Đây là nhạc cụ cá nhân, chủ yếu dùng để giải trí trong gia đình. Các mí (mẹ) ru con ngủ bằng tiếng đàn này; khi đi tắm bên bờ suối các bạn trẻ thường mang theo đàn bầu chơi như để tận hưởng hết thú vị của dòng nước mát tự nhiên. Ở các làng gần như nhà nào cũng có đàn bầu; già trẻ, gái trai ai cũng sử dụng được.

* Đàn Blơn Khơn: Trong những ngày mùa, thời gian bà con có mặt trên nương rẫy nhiều hơn ở nhà, đàn Blơn Khơn được mang theo tạo ra những âm thanh đều đều, làm vơi nỗi nhọc nhằn khi lao động. Về hình thức thì loại đàn này gần giống như đàn Tơ rưng, nhưng cấu tạo chỉ có 6 thanh và được ghép bằng cây Tai mang hoặc cây Mang Cái (còn gọi là cây Hơ Lía). Đàn Blơn Khơn chỉ cần 1 người đánh, tiếng đàn vang xa, nên còn được bà con sử dụng để đuổi các loài chim muông, thú rừng đến phá hoại cây trồng; nhất là mùa lúa chín. Đàn được treo ở các bờ nương, góc rẫy, tiếng đàn như thôi thúc nhịp sống và lao động của dân làng.

Những nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ba na đơn sơ, mộc mạc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo của người Ba na.

. Thái Bình Trọng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thời sự Văn nghệ  (15/02/2005)
Nam Sơn - người đặt nền móng cho hội họa Việt Nam  (15/02/2005)
Con gà và triết lý sống của người Việt  (14/02/2005)
Mùa xuân đầu tiên  (13/02/2005)
"Xuân và tuổi trẻ" của nhạc sĩ La Hối  (12/02/2005)
Đa thanh tiếng gà   (08/02/2005)
Nồng nàn hơi thở mùa xuân  (07/02/2005)
Câu đối ứng khẩu của Bác Hồ hồi nhỏ  (06/02/2005)
Một công ty Mỹ mua bản quyền "Mê thảo - Thời vang bóng" với giá 52.000 USD  (05/02/2005)
Công chúng Bình Định với nghệ thuật tuồng  (05/02/2005)
Lopez và Anthony song ca tại lễ trao giải âm nhạc Grammy  (04/02/2005)
Câu đối, thơ chúc Tết kháng chiến của Bác Hồ  (04/02/2005)
Dạ hội "Mừng Đảng, mừng Xuân Ất Dậu 2005"  (03/02/2005)
Nhiều nghệ sĩ hải ngoại trở về Việt Nam  (02/02/2005)
Gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân  (01/02/2005)