Những ai quan tâm tới nền văn học Việt Nam hẳn đều nhận ra điều này: Từ tháng 8-1945 trở lại đây, văn học thiếu nhi đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Góp phần làm nên thành tựu đó không thể không nói tới sự quan tâm của Đảng.
Ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt thì vấn đề sáng tác cho thiếu nhi đã được đặt ra. Một số nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… đã được giao thực hiện nhiệm vụ này. Tô Hoài nhớ lại: "Còn nhớ chúng tôi ra loại sách Kim Đồng bấy giờ vào quãng năm 1951, ở chiến khu Việt Bắc. Các anh Nguyễn Huy Tưởng, anh Hồ Trúc, anh Phong Nhã và tôi thường có những cuộc bàn bạc rất hào hứng về việc viết cho thiếu nhi. Lần nào gặp nhau vẫn sôi nổi chuyện ấy, lo lắng chuyện ấy".
Hòa bình lập lại, miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa vững mạnh. Trong bối cảnh chung đó, văn học cho thiếu nhi càng được quan tâm hơn. Trong các bức thư gửi (các kỳ) Đại hội Hội nhà văn cũng như nhiều Chỉ thị về công tác văn hóa văn nghệ, Đảng ta nhất quán một tư tưởng "văn hóa văn nghệ giữ một vai trò trọng yếu, là một trong những vũ khí sắc bén nhất để giáo dục chính trị, tư tưởng, tình cảm; nâng cao đạo đức, mở rộng kiến thức cho thiếu niên, nhi đồng". Cho nên: "Cần làm cho mọi người hiểu rõ văn hóa văn nghệ là những phương tiện tốt nhất để giáo dục con người phát triển toàn diện; xây dựng nền văn hóa văn nghệ phục vụ thiếu niên nhi đồng phải là một bộ phận quan trọng trong công cuộc phát triển một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa của chúng ta" (Chỉ thị về công tác văn hóa và văn nghệ phục vụ thiếu niên nhi đồng, ngày 30-1-1968).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những cơ sở vật chất cũng như đội ngũ sáng tác văn học cho thiếu nhi được quan tâm xây dựng. Năm 1957, nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập. Tiếp theo đó là sự ra đời của các tờ báo Thiếu niên tiền phong, Nhi đồng, tạp chí Văn nghệ thiếu nhi. Hội nhà văn Việt Nam thành lập Hội đồng văn học thiếu nhi. Viện Văn học cử hẳn một cán bộ chuyên nghiên cứu về văn học cho thiếu nhi. Các cuộc vận động, các trại sáng tác liên tục được tổ chức… trở thành nhân tố kích thích sự sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ. Đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi so với trước cách mạng là rất đông đảo. Hầu hết mọi nhà văn, nhà thơ đều tham gia sáng tác cho các em. Có những tác giả như Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ… đã dành trọn tâm huyết cho lĩnh vực văn học này. Họ trở thành những nhà văn chuyên viết cho các em. Sự lựa chọn thiếu nhi làm đối tượng để lập ngôn của các tác giả này là một nét mới của nền văn học cách mạng. Không chỉ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp cho bộ phận văn học thiếu nhi mà điều này còn thể hiện một cách sinh động sự kết hợp hài hòa giữa ý Đảng và lòng người nghệ sĩ. Nhà văn Phạm Hổ khẳng định: "Đối với tôi, được sống và viết cho các em là cả một hạnh phúc. Tôi thường lấy lòng yêu các em bé của tôi để làm cái thước đo lòng tôi yêu nhân dân, yêu Đảng, yêu con người. Tôi yêu và say mê công việc của tôi". Có thể xem đây là tâm sự của nhiều nhà văn Việt Nam viết cho thiếu nhi. Chính bởi tán đồng, hưởng ứng những tư tưởng văn nghệ của Đảng mà nhà văn khi sáng tạo có được những thuận lợi hơn. Nhờ thế nền văn học thiếu nhi đã chứng kiến sự xuất hiện liên tục những tác phẩm hay. Văn học thiếu nhi như một vườn hoa giàu hương sắc, luôn đem đến cho các em những cảm xúc ngọt ngào, say đắm. Bao thế hệ thiếu nhi đã và đang lớn lên từ những giá trị tinh thần đó.
Điều thú vị là, tư tưởng xây dựng nền văn nghệ phục vụ thiếu niên nhi đồng của Đảng tác động tới toàn xã hội. Không riêng các nhà văn chuyên nghiệp, nhiều cây bút nghiệp dư cũng đã góp sức mình vào lâu đài văn học này. Họ là những An Cương, Nguyễn Ngọc Ký, Đặng Hấn… Nghề nghiệp xã hội tuy có khác nhau nhưng tất cả đều chung một cách thể hiện lòng yêu trẻ thông qua những tác phẩm văn học. Sự hiện diện của những cây bút nghiệp dư này góp phần tạo ra một phong trào xã hội rộng lớn, thường xuyên quan tâm tới văn học trẻ em. Chính điều này cũng đã góp phần làm nảy sinh những cây bút thiếu nhi vang tiếng một thời như Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Nguyễn Hồng Kiên…, đặc biệt là Trần Đăng Khoa. Khi những em thiếu niên này có thơ đăng báo, cả xã hội đã cùng tìm mọi cách để chăm chút, nâng đỡ các tài năng. Không thể phủ nhận mặt ưu việt này của xã hội. Sâu xa, mọi mối quan tâm đều là sự thể hiện tấm lòng của Đảng đối với thiếu nhi, những người - như Hồ Chủ tịch nói - sẽ quyết định tương lai của đất nước.
Hiện nay, văn học cho thiếu nhi vẫn là một trong những mối quan tâm đặc biệt của Đảng. Có nhiều cơ hội và lắm thách thức đối với sự phát triển của bộ phận văn học này. Tuy nhiên, từ những thành tựu, những kinh nghiệm đã có, nhất định văn học thiếu nhi sẽ lớn lên, mạnh khỏe, cứng cáp và đáng yêu.
. Lê Nhật Ký |