"Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận"…
9:32', 22/2/ 2005 (GMT+7)

Từ Quy Nhơn lên Gò Bồi, cùng nhau đi trên một chuyến xe, nhà thơ Huy Cận nói với tôi rằng đất này đã gắn bó với ông từ thuở hoa niên, qua người bạn "song đôi" Xuân Diệu. Điều này thì bất cứ ai quan tâm đến phong trào Thơ Mới, đến văn học Việt Nam hiện đại đều biết.

Nhà thơ Huy Cận (người thứ 4 bên trái sang, hàng trước) chụp hình lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Xuân Diệu

Nhưng người ta ít ngờ tới rằng khi bước vào ngõ nhà cũ Xuân Diệu, đã hơn nửa thế kỷ đi qua, Huy Cận vẫn còn nhớ cây mận ở chỗ nọ, khóm tường vi ở chỗ kia, cái giếng nước hồi ấy ra sao dưới những cành khế tím… Điều này đã được minh xác bởi các bậc cao niên ở địa phương trong nụ cười và ánh mắt cảm kích trọng thị. Ngồi với ông bên bến sông Tùng Giản một buổi sáng năm 1995, trước cuộc lễ nghi dành cho việc khánh thành nhà lưu niệm thi sĩ Xuân Diệu, tôi nhận ra sự tinh tế vẫn thường hằn trong người thơ, khi ông bất chợt nhắc đến một kỷ niệm, một nỗi niềm còn canh cánh bên lòng. Tôi nói với ông rằng trước 1975, ông là thi sĩ hiếm hoi mà Bùi Giáng xem là thiên tài, là "cõi miền huyền bí nhất của tinh thể Đông phương", ông hồn nhiên sinh động hẳn lên xác nhận rằng ông có đọc, có biết ý kiến đầy thịnh tình ấy. Ông cũng chia sẻ với tôi khi tôi nói về những cảm nhận mặc khải, ở đó cái to tát của nỗi "sầu vũ trụ" được hiện thân qua một trong những tâm sự ông đã chuyển tải cuối Lửa thiêng: "Hỡi ai đó có nhớ lòng Huy Cận/ Gọi gió trăng có thỏ thẻ lời trên/ Rất thương yêu xin nhớ gọi giùm tên/ Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu".

Ấy thế mà cũng đã mười năm rồi. Mười năm, trong đó năm nào tôi cũng gặp ông trong các cuộc họp, khi Hà Nội, khi thành phố Hồ Chí Minh, cũng trò chuyện đôi điều và nhất thiết không thể thiếu sự hỏi han về nhà lưu niệm Xuân Diệu, và về thơ, nhất là thơ lục bát. Ông bày tỏ sự quan tâm đến xứ sở Quang Trung bằng những lời lẽ chân tình, rằng nhất thiết ông sẽ có thơ về đề tài này. Và ông đã giữ đúng lời hứa, ông đã gửi cho tôi hai bài thơ để in Văn nghệ Bình Định số xuân kỷ niệm 215 năm chiến thắng Đống Đa. Một bài về Đô đốc Bùi Thị Xuân, một bài về Ngọc Hân công chúa. Hồi đầu năm 2004, gặp ông ở Hà Nội, ông có cho tôi biết những sáng tác trên ông viết vào một đêm cuối thu, trong Bệnh viện Hữu Nghị. Tôi cũng cho ông biết không khí của đêm kỷ niệm 18 năm ngày mất thi sĩ Xuân Diệu do UBND huyện Tuy Phước, Hội VHNT và Sở VHTT tổ chức trang trọng tại Gò Bồi hồi cuối tháng 12-2003. Ông phấn chấn bảo rằng ông rất nhớ Gò Bồi, nhớ Bình Định và rất trân trọng tình cảm của địa phương dành cho Xuân Diệu cũng như dành cho ông, và hy vọng sẽ có dịp trở về vùng đất từng thao thức trong ký ức thời trai trẻ. Hồi cuối thế kỷ XX, ông có bảo với tôi rằng ông sẽ sống cho đến ngày kỷ niệm ngàn năm Thăng Long 2010. Qua đến gần đây, ông vẫn xác nhận mong ước trên một cách thành thực, hồn hậu.

Ai cũng biết, tấm lòng và bầu nhiệt huyết của Huy Cận dành cho thơ là không bao giờ phai nhạt. Hồi Lửa thiêng chuẩn bị ra đời, từ 1940, Xuân Diệu nhận định: "Đời xưa có một người thi sĩ lành như nước suối ngọt, hiền như cái lá xanh; gần chàng người ta cảm nghe một nỗi hòa vui, như đứng giữa thiên nhiên, tâm hồn thơ thới". Tiếp xúc với ông trong những năm tháng cuối đời, hầu như tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác Xuân Diệu mô tả buổi ban đầu. Nói như Hoài Thanh, "Có lẽ thi nhân trong cuộc viễn du đã có lần nhác thấy cái xa thẳm của thời gian và không gian, có lẽ người đã nghe trong hồn hơi gió lạnh buốt từ vô cùng đưa đến" hay nói như Xuân Diệu, "Linh hồn Huy Cận là một linh hồn trời đất", ta bắt gặp ở Huy Cận một hồn thơ mang niềm xưa vạn kỷ, trong bốn phương chiều kích vô bờ. Trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất, tôi gặp Huy Cận tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong phát biểu đầu xuân tại Hội nghị, nhà thơ Huy Cận đáp từ lời chào mừng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, bằng những vần thơ ứng tác chan chứa tình cảm.

Bây giờ đã sắp bắt đầu cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ III. Cùng với bao nhiêu tinh anh của thơ Việt, hồn thơ Huy Cận sẽ mãi trường tồn cùng non sông đất nước, tuy giới hạn của đời người đã phân định cho ông ở tuổi 87, lúc 20 giờ 53 phút ngày 19-2-2005. Trong cảm thức lịch sử rạt rào tình cảm đất nước, dân tộc, cách mạng và văn chương trong nội dung Ngày thơ Việt Nam lần này, tiếng thơ Huy Cận chắc chắn sẽ vẫn không thôi xao động. Như ông đã từng khái quát về tư thế Việt: "Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật: sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa".

Xin kính cẩn dâng lên một nén hương. "Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận…"

. Nguyễn Thanh Mừng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (21/02/2005)
Vĩnh biệt nhà thơ Huy Cận   (21/02/2005)
Sự quan tâm của Đảng đối với văn học cho thiếu nhi   (20/02/2005)
Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào 23-2  (18/02/2005)
Cổ nhơn: Trò chơi dân gian và trí tuệ  (18/02/2005)
Người vận chuyển (Transporter)  (18/02/2005)
ABBA lại xuất hiện trước công chúng  (17/02/2005)
Bản quyền "Mê Thảo-Thời vang bóng" giá 52.000 USD  (17/02/2005)
Một số nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ba na   (16/02/2005)
Thời sự Văn nghệ  (15/02/2005)
Nam Sơn - người đặt nền móng cho hội họa Việt Nam  (15/02/2005)
Con gà và triết lý sống của người Việt  (14/02/2005)
Mùa xuân đầu tiên  (13/02/2005)
"Xuân và tuổi trẻ" của nhạc sĩ La Hối  (12/02/2005)
Đa thanh tiếng gà   (08/02/2005)