Thế là Huy Cận đã gặp người bạn Xuân Diệu của mình, kể từ ngày 18-12-1985 với sự ra đi vào cõi vĩnh hằng của Xuân Diệu.
|
Huy Cận (trái) và Xuân Diệu tại Sài Gòn năm 1940 (ảnh: Tuổi Trẻ) |
Tình bạn giữa Xuân Diệu và Huy Cận dài ngót nửa thế kỷ kể từ năm 1936, khi hai ông gặp nhau lần đầu tiên ở buổi tựu trường ở trường "tú tài" Khải Định, Huế (Trường Quốc học Huế hiện nay). Lúc ấy Xuân Diệu ở Hà Nội về học năm thứ nhất, và Huy Cận cũng vào năm thứ nhất. Huy Cận nhớ lại: "Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và "đồng thanh tương ứng", kết bạn với nhau gần như tức khắc. Tình bạn của chúng tôi, ngay từ lúc đó, không chỉ đóng khung trong địa hạt văn chương".
Trả lời câu hỏi của phóng viên chuyên mục Điểm sách, chương trình Chào buổi sáng của VTV1 mới đây, về tình bạn giữa Huy Cận và Xuân Diệu, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cho rằng, giữa họ là những con người có những tính cánh khác nhau hoàn toàn nhưng lại đồng điệu trên nhiều lĩnh vực và luôn tôn trọng nhau, việc gì quan trọng mà hỏi đến Xuân Diệu thì Xuân Diệu bảo nên có ý kiến của anh Huy Cận và ngược lại. Chính Huy Cận đã nói về tình bạn của mình là: Chúng tôi cùng nhau một hoài bão thiết tha về văn hóa dân tộc, tâm niệm góp phần khiêm tốn của mình bối đắp cho văn hóa nước nhà. Chúng tôi cùng một hoài vọng và quan niệm về thơ, là đi trên "con đường lớn của thơ: thơ của cuộc đời, thơ của con người".
Thật vậy, kể từ khi kết bạn với nhau, hai bạn thơ đã làm nhiều việc để thực hiện hoài vọng đó của mình. Duyên thơ của hai người bắt đầu từ việc Tết năm Dần 1938, bài "Chiều xưa" của Huy Cận của đăng cùng trong một khung với bài "Cảm xúc" của Xuân Diệu trên báo "Ngày nay", mở đầu cho mối tình thơ suốt nửa thế kỷ sau đó. Hè năm 1939, Xuân Diệu viết bài giới thiệu thơ Huy Cận, để sau đó một năm Huy Cận có thơ đăng trên báo "Ngày nay". Hai người sau đó cùng sống ở căn gác nhà số 40 phố Hàng Than ("Phố không cây thôi sầu biết bao chừng"), và họ dành dụm tiền học bổng và tiền lương dạy học cho tái bản tập "Thơ thơ" của Xuân Diệu và cho in dòng chữ "Huy - Xuân xuất bản" lên sách. Từ năm 1942, họ cùng chung sống trên gác phố Hàng Bông (nhà số 61) tiếp tục làm thơ, làm "Nhà xuất bản Huy - Xuân". Chính thời kỳ này, Huy Cận đã hướng dẫn Xuân Diệu vào con đường hoạt động bí mật (trong Việt Minh và trong Đảng Dân chủ). Đến khi Cánh mạng tháng Tám thành công, hai người chuyển về chung sống ở số nhà 50 phố Hai Bà Trưng. Và sau khi giải phóng miền Bắc (1954), Huy Cận và Xuân Diệu lại có dịp sống cùng nhau ở một địa chỉ mới nổi tiếng cho đến khi cuối đời. Đó là ngôi nhà số 24 đường Cột Cờ, nay là phố Điện Biên Phủ ở Hà Nội. Chắc ai cũng nhớ câu thơ vui về địa chỉ này của Xuân Diệu: "Nhà tôi 24 Cột Cờ; Ai vui thì đến, ai hững hờ thì thôi". Dưới ngôi nhà 24 Cột Cờ đó, là tình bạn hiếm có của hai người:
Đêm đêm trên gác đèn chong,
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thư hay
Dưới nhà bút chẳng rời tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ
Bạn từ lúc tuổi còn tơ
Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong
Ánh đèn trên gác, dưới phòng
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời
Vạn Gò Bồi (Tuy Phước - Bình Định) cũng đã từng chứng kiến mối tình bạn của họ khi Xuân Diệu dẫn bạn về thăm quê ngoại. "Khách thương hồ, vai xách nách mang, khi đến trước chùa Bà (Quy Nhơn) rất gần nhà cha tôi, thì được các ông lái đầu quấn khăn bông trắng, mặt đỏ gay vì men rượu, đon đả chào mời: - Quới (quí) ngài lên vạn Gò Bồi phải không? Nếu đúng là khách đi vạn Gò Bồi, xin mời xuống đò nằm và đi ngay. Nếu chậm trễ giây lát là do chờ hàng và đợi khách cho đủ chuyến. Tôi và anh Huy Cận cũng có lần đi chuyến đò đêm này về thăm quê ngoại tôi. Bà ngoại tôi, lúc bấy giờ đã gần 70 tuổi, mắt đã mờ, nghe nói ông kỹ sư Huy Cận về thăm rất mừng và tự hào vì mình đã có một đứa cháu làm Tham tá nhà đoan Mỹ Tho, lại thêm một ông kỹ sư trẻ là bạn thân quí của cháu, vui quá!". Xuân Diệu đã kể như vậy trong Hồi ký song đôi (NXB. Hội Nhà văn, 2002). "Huy Cận ở chơi nhà bà ngoại tôi chừng ba ngày; ngoại dặn má tôi là phải cơm nước tử tế mua tôm cá và nem chả để đãi khách". Rồi là, "mấy buổi trưa hè oi ả, anh Huy Cận và tôi ra ngồi dưới gốc cây vú sữa, trước sân nhà bà ngoại. Bên cạnh cây vú sữa, là một hàng đu đủ non xanh. Anh Huy Cận có lần viết thư cho tôi ở Mỹ Tho: Cận nhớ Gò Bồi, nhớ cây vú sữa nhà bà ngoại, trưa hè ngồi trên bệ gạch trước nhà, nhìn đu đủ rụng thì tuyệt…".
Sau này, Huy Cận có nhiều dịp đến vạn Gò Bồi thăm lại chốn xưa, nhà lưu niệm bạn cũ. Trong lần đi với thầy trò khoa Ngữ Văn, Đại học Quy Nhơn về Gò Bồi, Huy Cận còn nói vui: "Mình phải ráng sống đến khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, nơi có nhiều kỷ niệm của mình và Diệu". Tức là phải đến năm 2010. Vậy mà…
Khi Xuân Diệu ra đi, thì Huy Cận đang ở Dakar (Sénegal), như thần giao cách cảm, Huy Cận bị xuất huyết nặng. Huy Cận nói rằng nhân điện của Xuân Diệu truyền thông cho ông giây phút ấy. Huy Cận về, làm một bài thơ cảm động:
Viếng mộ bạn
Lạnh lắm trời ơi! Lạnh lắm không?
Cận về không kịp chỉ còn trông
Đất vàng một nấm hoa vừa héo
Nằm một, giờ đây Diệu lạnh lùng
Năm mươi năm trước thuở ra đời
Thơ của Huy Xuân trái kết đôi
Tình bạn Huy Xuân đời ấm áp
Tiếng ai thăm hỏi: Xuân đâu rồi?
Xuân hãy còn đây, Xuân ở đây
Xuân đi, Xuân vẫn thắm đời này
Dọc đường tiễn Diệu về an nghỉ
Muôn vạn bà con mắt lệ đầy.
(Hà Nội, đêm 23-12-1985)
Một tháng trước khi Xuân Diệu mất, Xuân Diệu có nói với Huy Cận: "Trong hai đứa mình, đứa nào chết trước là sướng, đứa nào ở lại sau chắc khổ lắm". Không biết sướng khổ thế nào, chứ Xuân Diệu ra đi thì có thơ viếng bạn của Huy Cận sưởi ấm, còn giờ đây Huy Cận ra đi, Xuân Diệu nào có để làm thơ về Huy Cận… Nhưng giờ chắc họ đã gặp nhau vĩnh viễn ở cõi vĩnh hằng rồi, kể từ 20h53 ngày 19-02-2005, trong cái giá rét của Hà Nội…
Nửa thế kỷ tình bạn này được Huy Cận thổ lộ: "Cuộc sống và thơ đã cho tôi người bạn đời thân thiết nhất, cho tôi tâm hồn tri kỷ, tấm lòng tri âm nơi Xuân Diệu. Chúng tôi sống giữa đời như anh em sinh đôi, nhưng bản lĩnh và phong cánh văn chương thì rất khác nhau, khác nhau mà bổ sung cho nhau thành một "quả đôi".
. Trần Xuân Toàn |